Theo trang tin của kênh truyền hình CNBC (Mỹ), Anh và Pháp đang khẩu chiến dữ dội khi hai nước vừa chỉ trích nhau vừa ‘âm thầm’ xuất khẩu vũ khí sang Nga bất chấp lệnh cấm vận.
Hơn nữa, kể từ khi chuyến bay MH17 của Malaysia bị rơi ở miền đông Ukraine, chính phủ của Thủ tướng David Cameron liên tục thúc giục châu Âu tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt với Nga.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Anh William Hague (trái) và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.
* Châu Âu chia rẽ về việc trừng phạt Nga
* Anh vẫn bán vũ khí cho Nga bất chấp lệnh cấm vận
Mặc dù, áp lực trên đã lên đến đỉnh điểm tại cuộc họp các Bộ trưởng Liên minh châu Âu hôm 22/7 tại Brussels, nhưng cuộc họp này cuối cùng đã thất bại và không đưa ra được biện pháp trừng phạt nào cụ thể.
Tại cuộc họp, Pháp đã bị ông Cameron tấn công khi cho phép công ty Mistral tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp tàu chiến, trị giá tới 1,1 tỷ euro (tương đương khoảng 1,5 tỷ USD), cho Nga.
Tuy nhiên, ngay sau đó, một báo cáo của Ủy ban Kiểm soát Xuất khẩu Vũ khí của Hạ viện Anh cho hay, chính phủ Anh vẫn thông qua tới 251 giấy phép xuất khẩu vũ khí, trị giá hàng trăm triệu USD sang Nga sau khi Nga bị áp đặt các biện pháp trừng phạt vì sáp nhập Crimea hồi tháng Ba.
Ngoài ra, London, với vai trò là trung tâm dịch vụ tài chính của thế giới vẫn đang thu hút số lượng lớn các ‘đầu sỏ’ tài chính của Nga.
Theo CNBC, hôm 22/7, sau cuộc họp tại Brussels, phát biểu trên truyền hình Pháp, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng Anh cần phải xem lại mình trước khi chỉ trích Pháp.
Trước đó, hôm 21/7, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố hợp đồng bán tàu chiến Mistral của Pháp cho Nga vẫn sẽ được tiến hành. Chiếc tàu đầu tiên đã sắp được hoàn tất và sẽ được bàn giao vào tháng 10 tới.
Ông Hollande nói: “Người Nga đã trả tiền cho chúng tôi. Chẳng nhẽ chúng tôi lại phải hoàn trả số tiền lên đến 1,1 tỷ euro vì đã không giao hàng cho họ?”.
Trước đó, hồi tháng Sáu, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ lo ngại về việc Pháp tiếp tục bán vũ khí cho Nga. Ông kêu gọi Pháp nên dừng việc thực hiện những thỏa thuận như vậy.
Trước phát biểu trên của ông Hollande, một quan chức cấp cao của Mỹ nhắc lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục phản đối việc Pháp giao hàng cho Nga.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới với Nga vào ngày hôm nay (24/7).
Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang tin của kênh truyền hình CNBC, kênh chuyên về thông tin kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét