CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996           CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   CHI HỘI THƯƠNG BINH TINH NGHĨA 282 lê lợi Liên hệ: 0313840668-0934563996                   TIN TỔNGHỢP                     GIÃ SỬ                         QUÂNSỰ             HOANG SA                                        Biển Đông       Thế Giới     Tin trong nước      Sử Việt       UFO      Chuyện Lạ      Gia Đình;

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Vì sao khám Chí Hòa không giam tù nữ?


(PetroTimes) - Có thể nói lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nữ tù chính trị tại Khám Chí Hòa tổ chức ngày đó là duy nhất trong các nhà tù của chế độ ngụy quyền Sài Gòn ngày ấy, và đó cũng là lần duy nhất mà Khám Chí Hòa có giam tù nữ, bởi suốt từ năm 1954 cho đến tháng 9/1969, Khám Chí Hòa chỉ giam tù nam giới, còn phụ nữ, hầu hết bị giam ở  nhà giam Thủ Đức. Vậy vì sao lại có sự kiện  này?
Chị Trương Mỹ Hoa thăm hỏi cán bộ quản giáo khu B.
Chúng ta lại phải ngược về nhà tù Thủ Đức.
Vào giữa năm 1969, tại nhà giam Thủ Đức địch giam khoảng hơn 1.400 trẻ em, 1.400 nữ tù chính trị. Tại đây chúng thực hiện chế độ đày ải, giam cầm vô cùng tàn nhẫn và chúng đã gặp phải sự kháng cự và đấu tranh mãnh liệt chưa từng có của chị em. Khởi đầu là cuộc đấu tranh của các nữ tù chính trị thuộc Trung đội Lê Thị Riêng. Trung đội này là một trong những đội biệt động nổi tiếng của Sài Gòn vào năm 1967, 1968, khi bị bắt nhiều chị em đang là sinh viên, học sinh.
Khởi đầu cuộc đấu tranh là việc chị em chống chào cờ, nên đã bị chúng biệt giam và tra tấn rất dã man. Từ phong trào đấu tranh của Trung đội nữ Lê Thị Riêng mà phong trào chống chào cờ ngày càng lan rộng, không chỉ chống chào cờ mà chị em còn đòi cải thiện đời sống như cho gia đình thăm nuôi, cho đem sách vở vào học văn hóa, cho tắm nắng, rồi đòi phải giảm bớt số lượng tù nhân trong mỗi phòng giam.
Trước sức đấu tranh của chị em, Quản đốc Dương Ngọc Minh và Huấn trưởng Ban an ninh nhà giam Thủ Đức đã áp dụng biện pháp chia nhỏ các chị ra để trị.
Đêm 21/8/1969, bọn chúng ùa vào tấn công chị em bằng lựu đạn cay và gậy gộc, chúng đã đánh chết 3 người là Nguyễn Thị Tâm, em Đặng Thị Giành 16 tuổi và chị Nguyễn Thị Xuân Đào. Hơn 1.000 nữ tù chính trị đã kêu và la lớn từng chập, tiếng hô của chị em làm chấn động cả một vùng dân cư quanh đó. Bọn giặc ùa vào giành được xác của 3 người bị chúng đánh chết, chúng mang ra giữa sân lột hết quần áo của các chị rồi cho bọn ác ôn thay nhau giẫm đạp lên thi thể.
Sang đến này 23/8, trong lúc chị em đang làm lễ truy điệu những người bị chúng sát hại, bọn cai ngục lại điều thêm một đại đội cảnh sát dã chiến đến, cướp xác chị Xuân Đào và đàn áp chị em, một số chị bị chúng đè ra nhét vôi bột vào miệng.
Ngày 24/8, chúng tiếp tục cho bọn ác ôn xuống đánh đập dã man chị em các trại B, C, G và dùng bạo lực bắt đi 342 chị mà chúng cho là cứng đầu nhất trong đó có chị Trương Mỹ Hoa, chị Hồng Nhật, chị Loan và chị Võ Thị Thắng, chúng bắt các chị chuyển về Khám Chí Hòa để rồi đày các chị ra Côn Đảo. Các chị được chúng chia vào 4 phòng từ OB1 đến OB4. Chúng đưa các chị vào đây lúc nửa đêm trong xe bịt kín, chỉ đến khi vào trong khám thì mới biết là Khám Chí Hòa. Ngay lập tức các chị họp bàn và quyết tâm noi gương người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Được vài ngày vào sáng hôm 5/9, khi chị em đang ngồi tập hát thì thấy Đỗ Mạnh Trí là trưởng khu O, B vào: "Nè, mấy chị ơi, Cụ Hồ chết rồi". Hắn nói xong rồi đứng bên ngoài nhìn các chị xem phản ứng ra sao. Chị em tức giận la ó, rồi chị Hồng Nhật ra nói: "Nói cho ông biết, Bác chúng tôi già rồi. Chúng tôi biết thế nào cũng có ngày ấy, nhưng đừng có đem điều đó ra dọa chúng tôi. Đồ thất đức".
Đỗ Mạnh Trí mở cửa phòng, đi vào rồi nói bằng nét mặt buồn buồn: "Tôi xin thề với các chị và giơ tay lên trời - đó là sự thật. Tôi không giấu các chị, dù tôi là người của phía quốc gia nhưng tôi rất kính trọng và khâm phục Cụ Hồ. Tôi không dám nói dối điều ấy. Tôi chỉ muốn báo tin cho các chị biết...". Nói xong hắn buông tay xuống và cúi đầu đi ra, chị em ngơ ngác nhìn nhau, tất cả đều lộ rõ lo lắng trên khuôn mặt nhưng không biết làm cách nào để xác nhận tin Bác mất là có thật hay không.
Các chị bèn ra ngoài đứng sát chấn song cửa dùng quạt giấy đánh tín hiệu morse hỏi các anh tù chính trị bên phía đối diện. Bên đó cũng đánh morse trả lời là có nghe tin như vậy nhưng còn đang nghi hoặc. Ngày hôm đó, cả phòng giam hầu như chẳng ai nói với ai câu nào, những chị lớn tuổi thì cố tìm cách an ủi và chỉ cầu mong đó là tin bịa đặt của kẻ địch.
Sáng hôm sau, Đỗ Mạnh Trí lại đến, lần này hắn cầm theo một tờ báo đưa cho chị em và nói: "Này xem đây, tôi có nói dối các chị đâu, Cụ Hồ mất thật rồi mà". Nhìn tờ báo Sài Gòn, nhìn rõ ảnh Bác Hồ nằm trong hòm kính, chị em bật òa lên khóc. Không khí trong trại bắt đầu náo loạn, một số chị được ra ngoài gặp gia đình khi trở về cũng báo tin đó là sự thật.
Suốt buổi sáng mọi người chỉ ngồi khóc, đến chiều chi bộ nhà tù tổ chức họp và bàn phải tổ chức lễ truy điệu Bác đồng thời tổ chức để tang trong toàn thể tù chính trị. Để thống nhất với bên tù chính trị nam giới, các chị lại đánh tín hiệu sang báo cáo kế hoạch để tang và lễ truy điệu Bác. Phía bên ấy trả lời là đồng ý. Trong khi các tù nữ sẽ tổ chức lễ truy điệu Bác tại phòng giam thì phía bên nam giới sẽ tổ chức để tang Bác bằng cách im lặng, không chào cờ ngụy quyền Sài Gòn.
Một góc khám Chí Hòa hôm nay.
Các anh nam giới tổ chức để tang Bác bằng cách gắn một miếng vải đen lên ngực trái, còn chị em ở phòng OB4 thì chít khăn trắng như để tang cho cha mẹ mình và thời gian để tang là một tuần, còn các phòng OB1, 2, 3 thì đeo băng tang. Thế rồi các chị em chọn ra một tổ để viết điếu văn, trong đó có các chị Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Hồng Nhật, chị Năm Bắc. Viết đến đâu, sau khi thống nhất nội dung, các chị phải học thuộc ngay, vì đề phòng lúc đang truy điệu bọn địch xông vào cướp lấy bản điếu văn thì lúc đó sẽ có người đọc điếu văn đã học thuộc.
Khó khăn nhất trong phòng giam đó là việc lập bàn thờ và treo cờ. Sau khi bàn bạc, các chị quyết định, nếu địch xông vào thì phải liều chết giữ cho được khăn tang trên đầu và bàn thờ Bác trong phòng. Lễ truy điệu Bác sẽ diễn ra trong vòng một tuần, nghĩa là sáng nào cũng có chào cờ, hát Quốc ca, hát bài Hồn tử sĩ, đọc điếu văn và sau đó kể các câu chuyện mà mọi người biết được về Bác Hồ.
Đêm 6/9, cả nhà giam không ai ngủ được, người thì lo cắt chữ, người thì lo viết điếu văn, người thì lo bố trí bày biện bàn thờ, còn những chị không có việc, nhất là các má, các chị lớn tuổi thì cứ ngồi rúc vào cuối phòng ôm nhau khóc. Tiếng khóc của các chị, các má như mũi kim đâm vào tâm can mọi người.
Sáng 7/9, khi trời mờ sáng, chị em đã thức dậy bắt đầu chuẩn bị làm lễ truy điệu, hơn 6h sáng việc chuẩn bị đã xong, mọi người chỉnh tề với áo quần bà ba đen, sát vách tường phía cánh cửa ra vào, bàn thờ Bác được đặt trên những thùng giấy kê cao phủ vải đen.
Trên bàn thờ có một bình hương, một bình hoa làm bằng giấy màu, hai bên có hai khẩu hiệu. Lá cờ Tổ quốc cũng được làm bằng giấy và nền quét phẩm đỏ, ngôi sao cũng được cắt bằng giấy vàng. Đây là những thứ mà chị em chuẩn bị để dành cho các buổi biểu diễn văn nghệ trong tù...
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong

Khám Chí Hòa - Những chuyện đằng sau cửa ngục


(PetroTimes) - Những người đã bị giam ở Chí Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều nói, Chí Hòa có một cửa ra là cửa Tử, còn cửa Sinh là cửa nào thì không biết. Tù nhân bị giam ở đây bảo rằng, người chết linh hồn không siêu thoát được vì bị bát quái cầm giữ, nên “âm khí” ở Chí Hòa thường rất nặng nề. Để giải thoát “âm khí”, năm 1954, cai ngục Khám Chí Hòa cho xây bên ngoài “lò bát quái” một ngôi chùa và có tượng Phật...
Lịch sử chống tội phạm trong khoảng 20 năm trở lại đây của lực lượng Công an Việt Nam có những vụ án đã trở thành kinh điển. "Kinh điển" ở đây không chỉ ở quy mô, mức độ nguy hiểm của các tổ chức tội phạm mà còn ở những chi tiết lạ lùng, những tình huống "có một không hai", những cuộc truy lùng và cả những thủ đoạn quỷ quyệt khôn lường của bọn tội phạm. Cùng với đó là vô vàn những bí mật, những điều ít người biết...
PetroTimes xin trân trọng giới thiệu lại với độc giả một số phóng sự - điều tra nổi tiếng của nhà báo Nguyễn Như Phong.
Tại miền Nam, từ trước năm 1975, khám Chí Hòa, cùng với hệ thống nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Lợi, Đề lao Gia Định... là nơi giam cầm, hành hạ với đủ các hình thức dã man nhất đối với những người cách mạng. Nhưng chính những nơi này đã hun đúc ý chí chiến đấu, thử thách lòng kiên trung của các chiến sĩ Cộng sản...
Thời gian đi như chớp mắt và khép lại nhiều quá khứ đau thương... Nhưng với những ai đã và từng bị giam ở Chí Hòa thì họ không bao giờ có thể quên được những chuyện xảy ra sau cửa ngục ấy.
Tác giả chân thành cảm ơn bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Lê Hồng Tư; Vũ Quang Hùng, cựu tù chính trị Trại giam Chí Hòa; nhà báo Phan Kim Thịnh (tức Lý Nhân), Ban Giám đốc Công an TP HCM; Ban Giám thị Trại giam Chí Hòa... đã giúp hoàn thành tư liệu này.
Phần I - “Lò bát quái” Chí Hòa
Tôi vào Trại giam Chí Hòa vào một ngày đầu tháng 6.
Nếu như trại giam của Công an Hà Nội nằm giữa cánh đồng rộng mênh mông của xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm thì Trại giam Chí Hòa lại nằm gần trung tâm TP HCM, và con đường Hòa Hưng đi qua cổng trại lúc nào cũng nườm nượp người xe. Con đường vốn đã chật hẹp nay lại như bị nút lại bởi những “lô cốt” của hệ thống thoát nước đang được thi công bằng tốc độ của rùa...
Và với những anh em lái xe của trại giam thường ngày phải đưa bị cáo ra xét xử thì quãng đường chỉ hơn 4 cây số từ trại đến Tòa án thành phố là dài... miên man bởi nạn tắc đường. Gặp những lúc như vậy, dù có dùng còi ưu tiên cũng vô ích bởi cả một biển người như đặc lại, chèn trước mũi xe.
Mô hình “lò bát quái” Chí Hòa.
Các đồng chí trong Ban Giám thị Trại giam Chí Hòa đưa tôi đến thẳng buồng giam cấm cố mang số 2F, nơi ngày xưa từng giam người Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Từ ngoài cổng trại đi vào, tới được buồng giam 2F, tôi đếm được đúng 9 lần cửa sắt và nếu thêm cánh cửa buồng cấm cố được làm bằng gỗ có nẹp sắt, thì người tù, khi vào buồng này, phải qua 10 lần cửa...
Nếu như ở một số trại giam khác do thực dân Pháp xây dựng, các buồng giam cấm cố được đặt khá biệt lập thì tại Chí Hòa, các buồng cấm cố lại được để ngay góc của hai khu. Mỗi góc có 3 buồng giam cấm cố và sát hành lang.
Căn buồng cấm cố nơi anh Nguyễn Văn Trỗi đã bị giam cho đến khi ra pháp trường chỉ rộng khoảng hơn 4m2 và được dùng làm “kho” chứa quần áo có lẽ đã lâu lắm rồi. Trên trần, có một bóng đèn điện tỏa thứ ánh sáng vàng đục, và không gian ngột ngạt bởi sự tù túng, bốc mùi ẩm mốc... Tôi đứng vào trong buồng cấm cố, và khi cánh cửa buồng đóng lại thì bỗng dưng thấy mất hẳn cảm giác ngày hay đêm, không còn biết phương hướng, và một sự im lặng nặng nề đến nghẹt thở ập đến làm tôi lạnh cả người...
Tôi đã đến nhiều trại giam, trong đó có những trại được xây từ thời Pháp như Trại Hỏa Lò ở Hà Nội, Trại giam Hải Phòng... Nhưng quả thật, không đâu có thể so sánh được với Trại giam Chí Hòa bởi lối kiến trúc độc đáo: vừa mang những đặc trưng cơ bản của một nhà tù là kiên cố, kín đáo, bí hiểm, nhưng dễ kiểm soát, lại vừa mang nét thần bí của phương Đông.
Để lần tìm lại lịch sử khám Chí Hòa từ thời Pháp cũng như lịch sử của trại suốt từ những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước cho đến ngày miền Nam hoàn hoàn giải phóng vào tháng 4/1975 là một điều cực kỳ khó khăn. Hồ sơ, tài liệu về khám Chí Hòa đã mất hết sạch. Các đồng chí trong Ban Giám thị hiện nay thì đa phần là người mới đến, và cũng chẳng được bàn giao lại những gì gọi là tài liệu cũ, cho nên hầu như không hiểu về lịch sử khám Chí Hòa qua các thời kỳ Pháp - Mỹ.
Theo Trung tá Phạm Văn Hồi, cán bộ Phòng 5 của Cục Hồ sơ cảnh sát thì từ hơn 30 năm trước, anh đã nhiều lần vào Trại giam Chí Hòa làm công tác hướng dẫn cán bộ quản giáo của trại lập hồ sơ theo dõi phạm nhân. Và anh thấy rất nhiều tài liệu của Trại giam Chí Hòa từ thời kỳ trước để lại. Anh khẳng định rằng ngày trước, công tác quản lý hồ sơ, tàng thư, căn cước của cảnh sát chế độ Sài Gòn đã được làm khá chặt chẽ và rất tỉ mỉ.
Tuy nhiên, sau này, một phần hồ sơ của trại được chuyển về các trung tâm lưu giữ, nhưng chủ yếu là lý lịch phạm nhân, còn những thứ khác dần dà biến mất!
Cổng Trại giam Chí Hòa hôm nay.
Bây giờ, muốn tìm hiểu về lịch sử xây dựng khám Chí Hòa như thế nào, có lẽ phải sang... Pháp. Mà ở đó, chắc chắn người ta lưu giữ vô cùng cẩn thận. Có câu chuyện nhỏ thế này: Vào năm 1996, khi tiến hành sửa chữa, trùng tu Nhà hát Lớn Hà Nội để chuẩn bị cho Hội nghị Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, thì các nhà kiến trúc Việt Nam lo lắng vì kiếm đâu ra cái thứ ngói đen lợp mái? Trong lúc đang còn bàn là tìm ở đâu thì phía Pháp thông báo cho biết, loại ngói lợp trên nóc nhà là được làm từ một loại đá ở tỉnh Lai Châu, mà thứ đá đó, có đầy tại các mỏ đá thuộc thị xã Lai Châu (cũ)...
Khám Chí Hòa được thực dân Pháp xây từ năm 1943 (cũng có tài liệu nói là từ năm 1939) nhằm thay thế Khám Lớn Sài Gòn.
Cũng phải nói thêm chút ít về Khám Lớn Sài Gòn.
Bây giờ, mỗi khi đi trên đường Lý Tự Trọng và đến gần ngã tư nối với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ai cũng thấy một tòa nhà bề thế ba tầng mang lối kiến trúc phương Tây - đó là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia khu vực II. Nhưng không phải nhiều người đã biết nơi đây, hơn 60 năm trước, khu đất này là nơi đặt nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp có tên: Khám Lớn Sài Gòn.
Khám Lớn Sài Gòn được xây dựng trên khu đất của chợ Cây Đa Còm và xung quanh có 4 con đường là Lagran Diere (nay là đường Lý Tự Trọng); Mac Mahon (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa); đường Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) và đường Filippini (nay là đường Nguyễn Trung Trực). Từ Khám Lớn Sài Gòn đi sang Tòa án Sài Gòn chỉ không đầy trăm mét và dưới thời Pháp, hai nơi này cùng với Dinh Thống đốc Nam Kỳ tạo thành một “tam giác quỷ”. Vào ngày 8/3/1953, sau khi Khám Chí Hòa đã xây dựng hoàn chỉnh thì Bảo Đại cho phá Khám Lớn Sài Gòn và xây Trường đại học Văn khoa.
Khám Lớn Sài Gòn (Maison Centrale de Saigon) được xây từ năm 1886 và sau hơn 4 năm thì xong. Khởi đầu, khám chỉ dài hơn 30 mét và rộng 15 mét, có lối đi hẹp ở giữa. Hai bên là hai gian nhà giam, có hai bệ xi măng được tráng một thứ nhựa giống như nhựa đường màu đen, trên cùng trổ một cửa sổ nhỏ, nhỏ đến mức không đủ cho ánh sáng mặt trời lọt vào.
Vào những năm đầu thập niên 30, do số tù nhân tăng cho nên thực dân Pháp cho xây thêm nhiều buồng giam và phân chia thành nhiều khu vực để giam cầm nhiều loại tù nhân khác nhau. Khám Lớn Sài Gòn là nhà giam lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Nhiều nhà yêu nước và chiến sĩ cách mạng Việt Nam từng bị giam ở đây như Nguyễn An Ninh, Phan Xích Long, Tạ Thu Thâu, Trần Phú, Ngô Gia Tự, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Mai Chí Thọ, Lý Tự Trọng...
Trong khám này có khu biệt giam tù chính trị, có nơi giam người bị kết án tử hình, gọi là “xà lim án chém”; có phòng để máy chém... Chiếc máy chém đặt tại Khám Lớn Sài Gòn là được đưa từ Pháp sang. Máy chém cao 4,5 mét và có lưỡi dao vát cạnh nặng 50kg. Đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21/11/1931, bọn Pháp đã dùng chiếc máy chém này để xử tử Lý Tự Trọng. Sự hy sinh của anh đã làm dấy lên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ ở Khám Lớn Sài Gòn, và cũng từ đấy, bọn cai ngục ở đấy luôn gọi Lý Tự Trọng là Ông Nhỏ.
Còn xà lim án chém, là một gian buồng hẹp, chiều dài khoảng 30 mét, chiều ngang 5 mét... thì đã được ông Phạm Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng viết trong hồi ký “Trong xà lim án chém” như sau: “Một miếng sắt đục lỗ li ti không đút lọt điếu thuốc lá. Xà lim tối như bưng, suốt ngày thắp một ngọn đèn đỏ đòng đọc. Lại nóng vô chừng; phải ở trần truồng mới chịu được. Nằm ngay xuống sàn xi măng, một chân đút vào cái cùm dài suốt chiều dài xà lim.
Vài ba tháng, bọn mã tà mở cùm cho đổi chân một lần. Mỗi lần tôi đổi chân thì chúng phải đóng kín tất cả các khám khác, tập trung lính tráng, mã tà, gác dan rầm rập đến y như là tập trận rồi mới dám vào mở khóa còng. Trong xà lim, không có một tý gì bằng kim khí. Bát gáo dừa, thùng gỗ đai bằng mây. Chỉ có cái bô ỉa đái là bằng tôn...”.
Về thiết kế và cấu trúc của Khám Chí Hòa có một điều lạ là không hiểu tại sao người Pháp lại lấy thiết kế của một nhóm kiến trúc sư người Nhật. Chắc hẳn người kỹ sư trưởng thiết kế công trình này phải là người am hiểu Kinh Dịch và có lẽ cũng là người “mê Tam quốc Diễn nghĩa” vì thế họ mới thiết kế Khám Chí Hòa là một hình bát giác, tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh Dịch là: Càn - Đoài - Ly - Chấn - Tốn - Khảm - Cấn - Khôn. Và nếu như theo trận đồ bát quái của Khổng Minh thì 8 quẻ này tương ứng với 8 cửa trận là: Hưu - Sinh - Thương - Đỗ - Cảnh - Tử - Kinh - Khai.
Nhưng cũng không hiểu rằng Trại giam Chí Hòa có 8 cạnh như vậy thì cửa ra vào tương ứng với quẻ nào, có người nói tương ứng với quẻ Càn và trong trận đồ bát quái là cửa Sinh. Do cổng trại ứng với quẻ Càn cho nên thường có hai vị thần là Lôi Công và Lôi Mẫu đến “viếng thăm”. Mà Lôi Công, Lôi Mẫu là “sét ông, sét bà” vì vậy đã có mấy lần sét đánh trúng cổng trại vào những năm 1956; 1964; 1965?
Nhưng những người nào đã bị giam ở Chí Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thì đều nói, Chí Hòa có một cửa ra là cửa Tử, còn cửa Sinh là cửa nào thì không biết. Do được xây dựng theo bát quái cho nên Khám Chí Hòa rất “sát”, tù nhân bị giam ở đây bảo rằng, người chết linh hồn không siêu thoát được vì bị bát quái cầm giữ, nên “âm khí” ở Chí Hòa thường rất nặng nề.
Để giải thoát “âm khí”, năm 1954, cai ngục Khám Chí Hòa cho xây bên ngoài “lò bát quái” (nhưng vẫn nằm trong khuôn viên khám) một ngôi chùa và có tượng Phật... Sau này ngôi chùa đã bị phá và hiện nay chỉ còn một tượng Phật nằm trơ trọi trên một cái hồ nước nhỏ và cách pháp trường đã xử bắn Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi chỉ hơn 200 mét.
Khám Chí Hòa được xây dựng từ năm 1943 nhưng sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương thì bị đình chỉ và mãi đến năm 1950 việc xây dựng mới được tiếp tục và hầu như toàn bộ vật liệu như xi măng, sắt, thép đều chở từ Pháp sang.
Đường hầm dẫn vào một khu giam.
Khám Chí Hòa có 3 lầu. Tầng trệt là nơi làm việc của giám thị và các lực lượng bảo vệ, các khu dịch vụ. Đồng thời có 2 khu giam phạm nhân nữ. Lầu 1 (người ngoài Bắc thường gọi là tầng 2) là nơi để giam giữ tù chính trị, lầu 2 và lầu 3 là nơi giam giữ thường phạm. Khám Chí Hòa có 8 khu tất cả và đặt từ A đến H. Ví dụ, tầng trệt được gọi là O, phòng số 1 khu F, dưới tầng trệt sẽ được đặt số hiệu là OF1, nếu là trên tầng 2 thì sẽ đặt là 2F...
Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài còn phía trong toàn song sắt và mỗi khu có 4 buồng giam. Ở giữa bát quái Chí Hòa là một vọng gác cao hơn 20 mét, trên đó có bể chứa nước và có chòi canh. Đứng tại đây, lính canh có thể dễ dàng quan sát tất cả các phòng giam.
Có thể nói với cách kiến trúc như của Chí Hòa, phạm nhân khi đã vào đây thì không thể trông mong gì việc tìm đường vượt ngục. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những chiến sĩ Cộng sản bị giam ở đây cũng đã nhiều lần bàn mưu tính kế tìm cách vượt ngục, nhưng đều không thành. Lịch sử Khám Chí Hòa cho đến ngày hôm nay chỉ ghi nhận có hai trường hợp vượt trại thành công.
Lần thứ nhất là vào đêm ngày 9/3/1945, lợi dụng lúc Nhật đảo chính Pháp, những người tù Cộng sản đã tổ chức cướp trại và giải thoát hết số tù chính trị giam tại đây. Còn lần thứ hai là vào năm 1995, tên tử tù Nguyễn Hữu Thành đã cưa còng, khoét tường rồi xé quần áo bện làm dây, tụt xuống... và trốn thoát.
(Chuyện Phước “tám ngón” trốn khỏi Trại giam Chí Hòa như thế nào, và một số cuộc trốn trại của phạm nhân, chúng tôi sẽ phản ánh trong một phóng sự khác).
(Còn nữa)
Nguyễn Như Phong

Sự thật về một viên cai ngục ở khám Chí Hoà

(PetroTimes) - Cứ mỗi tháng đôi ba lần, cai ngục Vệ tổ chức đàn áp từng khu vực trong khám Chí Hoà. Ngón võ thường dùng của Vệ là dùng lựu đạn cay ném vào buồng giam, cho tù nhân sặc sụa vì hơi cay, thở không được, rồi mới xua quân vào đánh. Không chỉ tàn ác với các tù chính trị mà Nguyễn Văn Vệ cũng nổi tiếng về trò kiếm tiền từ buôn bán ma túy, cung cấp cho đám con nghiện bị bắt giam...
Vào buổi sáng ngày 2/6/1975, Trại giam Chí Hòa được nhận một người đặc biệt, đó là trung tá ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Vệ, từng hai “nhiệm kỳ” làm quản đốc Khám Chí Hòa. Khi cán bộ quản giáo dẫn Vệ về buồng giam chung với nhiều sĩ quan chế độ cũ (mà tất cả số này đều là những kẻ đã gây nhiều tội ác với nhân dân) thì Vệ đi qua buồng giam nào, nơi ấy xôn xao hẳn lên...
Tháp canh bên ngoài "lò bát quái".
Đám tù thường phạm, trong đó có không ít người từng bị giam ở Chí Hòa trong những năm trước la ó, đòi “đập chết thằng ác ôn”. Một phạm nhân tên là Lê Ngọc Lâm, can án tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và giết người, bị Tòa án Sài Gòn cũ kết án 15 năm khổ sai, từng ở Chí Hòa trong những năm 70, và khi vào trại còn giết... thêm 4 phạm nhân nữa thì lồng lộn chửi rủa Nguyễn Văn Vệ và van lạy quản giáo... “Cán bộ cho tôi ra... Tôi đã giết 5 người rồi, thêm thằng này nữa là 6, rồi cán bộ bắn tôi ngay cũng được”.
Cũng phải nói thêm Lê Ngọc Lâm hay còn có biệt danh là Lâm “chín ngón” là tay giang hồ có số má ở miền Nam thời đó. Xung quanh việc Lâm cùng đồng bọn giết 4 tên giang hồ khác trong Trại giam Chí Hòa cũng có nhiều giai thoại. Số là khi ở ngoài xã hội, Lâm “chín ngón” và 4 gã kia có ân oán với nhau. Để trả thù, Lâm cố tình gây án rồi vào Chí Hòa và hối lộ cai ngục nhằm được giam chung với những “tử thù” rồi thanh toán đối thủ ngay trong nhà giam.
Chính vì “thành tích “bất hảo đó mà Lâm “chín ngón” được giới giang hồ vị nể, tôn làm đại ca. Lâm “chín ngón”, Đại Ca Thay là những “tên tuổi lớn” trong giới giang hồ thời chế độ Thiệu.
Thấy Lâm “chín ngón” hô hào, đám tù thường phạm gầm lên, chực phá chấn song để xông ra “ăn thua” với Nguyễn Văn Vệ. Trong ký ức của đám tù thường phạm có “thâm niên” ở Chí Hòa, họ không thể nào quên được vào một ngày cuối năm 1972, Nguyễn Văn Vệ được đưa từ Côn Đảo về, với nhiệm vụ là “lập lại trật tự ở Trung tâm Cải huấn Chí Hòa”.
Vừa nhận nhiệm vụ được 3 hôm, thì ngày 10/12, Vệ đích thân dẫn 100 cảnh sát dã chiến trang bị lựu đạn cay, dùi cui, gậy tre, mặt nạ... xông vào đàn áp tù chính trị trong các buồng giam. Cả bọn ác ôn như bầy thú dữ lao vào đánh đập không chút ghê tay đối với anh em tù chính trị. Thấy cảnh đàn áp quá dã man, số tù thường phạm cũng la ó phản đối, và thế là Nguyễn Văn Vệ lại hô đám cảnh sát “uýnh chết mẹ chúng nó đi”. Trận đòn ấy làm cho Lâm “chín ngón” bị ốm rệt cả tháng...
Sau đợt “lập lại trật tự” có quy mô lớn ấy, cứ mỗi tháng đôi ba lần, Vệ lại tổ chức đàn áp từng khu vực. Mà ngón võ thường dùng của Vệ là dùng lựu đạn cay ném vào buồng giam, cho tù nhân sặc sụa vì hơi cay, thở không được, rồi mới xua quân vào đánh. (Sau này, Lâm “chín ngón” cũng đã tố cáo toàn bộ những tội ác của Nguyễn Văn Vệ đối với tù chính trị cho Ban quản giáo Trại giam Chí Hòa). Nhưng không chỉ tàn ác với các tù chính trị mà Nguyễn Văn Vệ cũng nổi tiếng về trò kiếm tiền từ buôn bán ma túy, cung cấp cho đám con nghiện bị bắt giam với giá cao hơn bên ngoài từ 3 đến 5 lần.
Trong hồ sơ lưu giữ thì từ năm 1954 đến 1975, Khám Chí Hòa đã trải qua 10 đời cai ngục. Đó là: Gia (không rõ họ); Nguyễn Văn Vệ; Lê Quang Nhơn; Trần Văn Đắc; Trung tá Phạm Văn Luyện; thiếu tá Sáu; trung tá Lại Nguyên Tấn; trung tá Đức (không rõ họ); Bùi Văn Tâm và đại tá Phạm Văn Hải.
Trong số này, chỉ có 2 người làm ở đây lâu nhất đó là trung tá Luyện và Nguyễn Văn Vệ. Trung tá Luyện làm quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa lần thứ nhất là từ năm 1962 đến hết năm 1963, lần thứ hai là từ năm 1965 đến hết năm 1968, còn Nguyễn Văn Vệ lần thứ nhất làm từ năm 1956 đến năm 1960, lần thứ hai từ năm 1972 đến cuối năm 1973. Trong 10 viên cai ngục thì khét tiếng nhất chỉ có Nguyễn Văn Vệ.
Tại Trung tâm Quản lý hồ sơ nghiệp vụ của Tổng cục An ninh, các cán bộ làm công tác tra cứu hồ sơ đã lắc đầu thở dài khi nhìn tờ phiếu tôi đưa xin tra cứu vẻn vẹn có mấy chữ: Nguyễn Văn Vệ... Theo thông lệ, muốn tra cứu hồ sơ một con người thì phải có đầy đủ các thông số như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ, số lính hoặc số phù hiệu cảnh sát; bố mẹ, vợ con... Tuy vậy sau 2 ngày tra cứu vất vả trong hàng ngàn người có tên Nguyễn Văn Vệ thì các anh chị cũng tìm thấy cho tôi hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ là quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa.
Một góc khám Chí Hoà hôm nay và viên cai ngục Nguyễn Văn Vệ.
Nhìn tập hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ, tôi rất ngạc nhiên bởi nó có độ dày khủng khiếp: khoảng hơn 400 trang. Hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ được lưu giữ cực kỳ tỉ mỉ, trong đó có từ những tấm giấy khai sinh ghi rõ Nguyễn Văn Vệ sinh ngày 12/7/1922; bằng tốt nghiệp bậc Thành chung rồi các loại quyết định nâng lương, đề bạt khen thưởng, thuyên chuyển công tác; các phiếu nhận xét về năng lực của Nguyễn Văn Vệ trong suốt gần 35 năm phục vụ từ chính quyền của Bảo Đại đến thời kỳ sau này. Rồi các bản tự khai của Nguyễn Văn Vệ trong thời gian đi học tập cải tạo và trớ trêu thay Nguyễn Văn Vệ, từng 2 lần làm quản đốc Khám Chí Hòa, 1 lần làm quản đốc nhà tù Côn Đảo lại quay trở lại Khám Chí Hòa từ ngày 2/6/1975 cho đến ngày 13/10/1982, tất nhiên lần này không phải với vai trò quản đốc mà với tư cách phạm nhân...
Nguyễn Văn Vệ sinh ra trong một gia đình đông anh em, là con út. Cha chết khi Vệ mới 11 tuổi. Vệ được đi học hết bậc trung học và giỏi tiếng Anh, Pháp. Tháng 8/1945, Nguyễn Văn Vệ hòa mình vào dòng người đi cướp chính quyền và tham gia “Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ”. Do có học nên Vệ được chọn làm nhân viên thư ký của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Nhưng đi theo Cách mạng chỉ được có 6 tháng, Vệ chịu không nổi và bỏ về nhà.
Suốt từ giữa năm 1946 đến 1952, Vệ làm nhân viên Công an ở Sóc Trăng, Châu Đốc. Sự mẫn cán và tính cứng rắn, thậm chí độc ác của Vệ đã được chính quyền phản động thời đó ghi nhận. Chính vì vậy đến năm 1953, Vệ đã là Trưởng ty Công an Bạc Liêu. Nhận xét trong quá trình công tác của Nguyễn Văn Vệ khi làm Trưởng ty Công an là: “Có thành tích triệt hạ những người kháng chiến tại Bạc Liêu...”. Không hiểu rằng, để có được những dòng nhận xét ấy Vệ đã sát hại bao nhiêu cán bộ và bao nhiêu người dân được hắn khép cho tội theo Việt Minh.
Đến năm 1954, thì Vệ gia nhập quân đội Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm. Trong bản tự thuật lý lịch của mình thời đó, Vệ đã tự nhận như sau: “Sống bình dị, vui vẻ, cởi mở với mọi người. Nhược điểm là tính nóng”. Năm 1956, Vệ được đưa về làm quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa thuộc Nha tổng quản đốc các trung tâm cải huấn - Bộ Nội vụ và được phong hàm thiếu tá.
Trong phiếu tính điểm sĩ quan ngày 22/8/1958 của Nguyễn Văn Vệ, có ghi: “Thiếu tá Nguyễn Văn Vệ là sĩ quan mẫn cán, tận tụy với nhiệm vụ, có những nhận xét chính xác về tình hình chung của cơ sở hành chính và Trung tâm Cải huấn Chí Hòa. Đã áp dụng những biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu để giữ gìn trật tự an ninh”. Về tư cách đạo đức tác phong thì: “Nêu cao tinh thần kỷ luật, có tác phong đúng đắn và hạnh kiểm tốt trong khi thi hành chức vụ. “Chấm điểm”, Vệ được 19,5 trên tổng số điểm là 20.
Người nào có mức điểm từ 18 trở lên thì được coi là sĩ quan ưu tú. Trong phiếu nhận xét gồm các mục: sức khỏe, y phục, tinh thần kỷ luật, nhân cách, tính nết, hạnh kiểm, can đảm, chính trực, kiến thức tổng quát, thông minh, trí nhớ, trí xét đoán thì tất cả đều được đánh giá là tốt. Khi làm quản đốc Chí Hòa, Vệ được chấm 19/20 điểm và được đánh giá là sĩ quan siêng năng, tận tâm, rất đáng được khích lệ và tưởng thưởng kịp thời.
Trong thời kỳ từ năm 1956 đến 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm mở các chiến dịch đàn áp khốc liệt những người kháng chiến, vì thế Khám Chí Hòa luôn chật ních tù chính trị. Và tất nhiên, những cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống chào cờ, chống tra tấn, nhục hình liên tục nổ ra. Để trừng phạt những người “cứng đầu”, Nguyễn Văn Vệ cho lập hẳn một khu kỷ luật, mà thực chất là nơi chuyên tra tấn tù nhân. Khu này nằm gần sát nơi mà sau này là pháp trường xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi.
Trong khu này có hai phòng khủng khiếp nhất, được người tù gọi là “phòng điện ảnh” và “phòng truyền hình”. Mỗi phòng diện tích chỉ khoảng 6m2, và vẫn sử dụng những chiếc còng có từ... thời Nhật. Tù nhân bị đưa vào đây buộc phải cởi hết quần áo, còng chân chung vào một thanh sắt dài và mặc cho muỗi đốt, rệp cắn mà không tài nào đuổi được, gãi được. Vệ đã cho lắp một loại còng mới của Mỹ.
Loại còng này quái gở ở mức là nếu người tù càng cựa quậy thì còng lại càng xiết chặt hơn. Sở dĩ có tên “điện ảnh, truyền hình” như vậy là khi người tù bị đưa vào đây, chúng đánh đập tra tấn đến muốn vỡ tung đầu óc, nhìn cái gì cũng thấy nhòe nhoẹt như xem phim đến đoạn cuối thay cuốn, hoặc màn hình bị nhiễu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phòng giam này quét hắc ín đen kịt, khi đóng cửa lại là “tối như phòng “chiếu phim”, nên được gọi là “phòng điện ảnh”.
Tại Chí Hòa, dưới thời Nguyễn Văn Vệ, bọn cai ngục chuyên tra tấn tù nhân đã nâng mức tra tấn lên hàng “nghệ thuật”. Chúng tra khảo, đánh đập người tù bất kể là ngày hay đêm và đặt tên cho các ngón đòn là “đi tàu lặn” (dìm đầu người tù vào thùng phuy nước, cho gần chết ngạt rồi lôi ra, đạp lên bụng cho phọt nước); đi máy bay (treo người tù lên rồi hai tên đứng hai bên đấm, người tù văng từ bên nọ sang bên kia); “đánh tứ giác” (bốn tên đứng bốn góc và đánh người tù văng từ góc này sang góc khác)...
Các hình thức tra tấn đối với tù chính trị của bọn ác ôn Khám Chí Hòa thời này có những chuyện vượt xa sự tưởng tượng. Khám Chí Hòa có số lượng tù nhân đông nhất là vào năm 1972-1973. Các phòng giam lớn của Chí Hòa có diện tích gần 50 m2 nhưng luôn nhét khoảng 100 tù nhân, thậm chí có phòng nhét tới 180 người. Có 40 trẻ em bị bắt nhốt vào Chí Hòa do bị nghi là “Cộng sản”. Nguyễn Văn Vệ cho nhốt chung các trẻ em này vào với tù thường phạm, và thế là môi trường nhà tù đã biến các em trở thành những kẻ du đãng, giang hồ.
Nguyễn Văn Vệ trong thời gian làm chúa ngục Côn Đảo đã có “thành tích” đặc biệt là thẳng tay đàn áp những người tù chính trị. Dưới ách “cai trị” của Nguyễn Văn Vệ suốt từ năm 1965 đến 1968, tù nhân trên Côn Đảo đã phải chịu qua những ngày tháng khốc liệt nhất. Không thể tính được có bao nhiêu người đã chết dưới bàn tay của Nguyễn Văn Vệ. Và sự tàn ác này đã được chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ghi nhận.
Thẻ căn cước của Nguyễn Văn Vệ.
Ngày 16/5/1968, Văn phòng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, có văn bản gửi Tổng trưởng Quốc vụ Sài Gòn về việc thăng cấp trung tá cho thiếu tá Nguyễn Văn Vệ. Số quân 42A-101-426. Văn bản có đoạn viết: “Trong dịp đi kinh lý tại Côn Sơn, thủ tướng chính phủ nhận thấy Nguyễn Văn Vệ là chỉ huy ưu tú, hoạt động đảm đang, đầy đủ tinh thần kỷ luật và trách nhiệm... yêu cầu đặc cách, thăng bậc trung tá cho Nguyễn Văn Vệ”. Văn bản này do luật sư Nguyễn Văn Lộc thừa lệnh thủ tướng ký. Đây là một trường hợp đặc biệt vì chưa bao giờ có chuyện thủ tướng yêu cầu Tổng trưởng Quốc phòng thăng hàm cho một sĩ quan.
Thế rồi, đến năm 1973, Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm lại có công văn gửi Tổng trưởng Quốc phòng yêu cầu: “Trong hai lần đảm nhiệm trọng trách tương đối khó khăn, tế nhị và phức tạp, trung tá Vệ luôn được xác nhận có biệt tài, có sáng kiến trong vấn đề cải huấn, duy trì hữu hiệu trật tự tại Công Sơn, là sĩ quan có tinh thần kỷ luật, đảm đang, mẫn cán tận tâm với chức vụ. Đề nghị thăng cấp đại tá cho trung tá Nguyễn Văn Vệ...”. Tuy nhiên, việc thăng cấp này không được thực hiện bởi vì Vệ bị An ninh quân đội nghi là người của thủ tướng, cho nên năm 1974, Vệ được giải ngũ về nhà và buôn bán chất đốt.
Trong bản tự nhận xét của mình sau này, Vệ tự nhận như sau: “Khi làm trưởng ty Công an Bạc Liêu tôi đã chống đối cách mạng khi bắt bớ những chiến sĩ hoạt động chống lại ngụy quyền. Khi làm Giám đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa cũng như Côn Sơn, tôi đã làm đời sống chính trị phạm đã cực khổ càng thêm cực khổ xuyên qua những hình phạt biệt giam, đàn áp khủng bố bằng hạn chế đi đứng dùng lựu đạn cay gây thương tích cho chính trị phạm, gián tiếp chịu trách nhiệm về những cái chết, về bệnh tật của chính trị phạm. Không xúc động trước cảnh đau khổ của chính trị phạm...”.
Còn theo đánh giá của Cơ quan An ninh thì: “Nguyễn Văn Vệ là tên chúa đắc lực của địch có nhiều tội ác trong cai quản, đàn áp, đánh giết tù nhân chính trị đồng thời rất gian ác xảo quyệt trong việc dùng mạng lưới chìm để theo dõi giám sát tù chính trị”
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong

Khám Chí Hòa: 'Cuộc mặc cả triệu đô' trước giờ hành quyết 'em trai tổng thống'

(PetroTimes) - Khi được nói lời cuối cùng là tử tội có xin ân huệ gì không thì Ngô Đình Cẩn xin rằng được quyền mặc quần trắng, áo dài đen vì ông muốn được chết trong bộ "quốc phục" của Việt Nam Cộng hòa. Hơn nữa ông Cẩn cũng muốn mặc bộ này đó là vì chiếc áo được thân mẫu may cho khi còn ở Huế.
Ngày hôm sau, đơn xin ân xá của Ngô Đình Cẩn đã được chuyển đến tướng Dương Văn Minh là Quốc trưởng. Rồi Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cũng gửi một lá thư tới Dương Văn Minh xin ân xá cho tử tội Ngô Đình Cẩn với lý do là Cẩn đang bị bệnh rất nặng, ngày sống chỉ đếm được trên đầu ngón tay cho nên không cần thiết phải hành quyết Cẩn. Nhưng tất cả đều bị Dương Văn Minh bác thẳng thừng.
Tòa án báo cho thân nhân của gia đình Ngô Đình Cẩn là bà Ngô Đình Thị Hiệp, bà Ngô Đình Thị Hoàng (thường gọi là bà cả Lễ...) là đơn xin ân xá của Ngô Đình Cẩn đã bị Quốc trưởng bác bỏ. Ngô Đình Cẩn sẽ bị hành quyết vào lúc 17h ngày 9/5/1964 tại Khám Chí Hòa.
Trước làn sóng phản đối việc kết án tử hình Ngô Đình Cẩn ngày càng lan rộng trong giáo dân, chính quyền Dương Văn Minh - Nguyễn Khánh quyết thi hành án sớm.
Tại Sài Gòn, ngày giờ xử bắn Ngô Đình Cẩn được giữ rất kín. Có hai người được biết trước là luật sư Võ Văn Quan và linh mục Jean Baptiste Lê Văn Thí.
Ngày 8/5, linh mục Thí được vào gặp Ngô Đình Cẩn để làm lễ rước mình Thánh Chúa an ủi người sắp chết. Khi ông Thí vừa vào, chào hỏi xong thì Ngô Đình Cẩn đã hỏi ngay: "Ngày mai, họ đem con đi bắn phải không cha?". Linh mục Thí im lặng và khẽ gật đầu rồi hỏi lại: "Cậu có sợ không?". Ngô Đình Cẩn gượng cười, trả lời khá bình thản: "Con không sợ chút mô hết cha à!".
Linh mục làm lễ rửa tội cho Ngô Đình Cẩn trước giờ ra pháp trường.
Linh mục Thí hỏi tiếp: "Cậu có tha thứ cho những người đã làm khổ cậu và gia đình cậu không?". Ngô Đình Cẩn nói lớn, và rành rẽ: "Con tha thứ". Rồi Cẩn nói tiếp: "Con cũng mang tên Thánh là Jean Baptiste và cha cũng mang tên Thánh Jean Baptiste. Xin cha nhớ cầu nguyện cho con sớm lên Thiên đàng chầu Chúa và xin mọi người có đạo chứng kiến con chịu chết, xin đọc cho con một kinh lạy cha "Xin cho chúng tôi hàng ngày đủ dùng và tha tội cho chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi".
(Ngô Đình Cẩn là con út trong nhà nên hay được gọi là cậu Cẩn. Sau này khi Ngô Đình Diệm giành được quyền lực thì Ngô Đình Cẩn cũng được coi là nhân vật cực kỳ thế lực ở khu vực miền Trung, cho nên ai đến với Cẩn cũng không dám gọi tên mà chỉ gọi là ông Cậu).
Hôm sau, 10h trưa ngày 9/5, luật sư Võ Văn Quan vào thăm Ngô Đình Cẩn lần cuối cùng. Sau này, ông Quan kể lại cho nhà báo Phan Kim Thịnh: "Sáng sớm ngày 9/5, cháu Ngô Đình Cẩn là Trần Trung Dung vào thăm. Ông Cẩn nói chuyện một cách thản nhiên, không hề biểu lộ thái độ lo lắng, sợ sệt. Người cháu gái thì ngồi cạnh giường, khóc và nguyền rủa những kẻ phản phúc nhà họ Ngô. Nhưng ông Cẩn điềm tĩnh nói: "Không có gì đáng buồn mà phải khóc lóc. Làm chính trị là phải như thế. Cậu không có gì oán thán hết".
Khi gặp luật sư Quan, ông Cẩn cũng vẫn tỏ thái độ bình thản. Ông Quan cũng không hề biết là chính Ngô Đình Cẩn cũng đã biết rõ ngày giờ thi hành án. Lúc đầu, hai bên chỉ nói chuyện có tính chất xã giao nhưng rồi đột nhiên ông Cẩn tâm sự về thân thế của ông và tiết lộ một số câu chuyện bí mật. Lời nói của ông như là một sự trăng trối khiến luật sư Quan giật mình và thầm nghĩ: "Có lẽ ông Cẩn biết rồi".
Rồi Ngô Đình Cẩn chuyển sang giãi bày những thủ đoạn chính trị của mình với giọng hùng hồn, hoạt bát, mạch lạc. Ngô Đình Cẩn cũng nhắc lại những cuộc tàn sát đẫm máu đối với những người Cộng sản khi Ngô Đình Diệm lên nắm chính quyền, và khẳng định làm chính trị thì phải chấp nhận thế thôi. Khi nói đến việc đàn áp những người Cộng sản, Ngô Đình Cẩn ngẩng cao đầu, mắt sáng long lanh, mặt đỏ bừng và nói như đếm từng tiếng.
Nhìn đồng hồ đã thấy gần 12h trưa, Ngô Đình Cẩn bảo: "Luật sư đưa cho tôi cái danh thiếp của ông". Ông Quan ngạc nhiên không hiểu lúc này Ngô Đình Cẩn còn muốn có danh thiếp của mình để làm gì. Nhưng chiều ý, ông vẫn lấy danh thiếp đưa cho Ngô Đình Cẩn.
Bút tích của Ngô Đình Cẩn.
Ông Cẩn lấy bút viết vào phía sau danh thiếp: "Xin hết lòng đa tạ" và viết tên Ngô Đình Cẩn. Đưa lại danh thiếp cho luật sư, Ngô Đình Cẩn dịu giọng nói: "Tôi xin gửi lại chút này để cám ơn luật sư đã hết lòng biện hộ cho tôi". Luật sư Quan bối rối: "Thật sự tôi có giúp được gì cho ông đâu, họ vẫn xử tối đa". Ông Cẩn khẽ lắc đầu, gượng cười: "Vấn đề không phải ở đó. Viết mấy chữ này, tôi muốn tỏ lòng tri ân đối với người luật sư không từng quen biết, nhưng đã tận tình và can đảm nói lên giữa phiên tòa những gì tôi muốn nói".
Rồi Ngô Đình Cẩn lại bình tĩnh trò chuyện, lấy giấy cuốn thuốc lá theo kiểu sâu kèn, phì phèo hút, rồi lại têm trầu nhàn nhã nhai bỏm bẻm. Ông Quan đứng dậy cáo từ cố giữ nét mặt bình thường. Ngô Đình Cẩn bắt tay luật sư Quan rất chặt và rất lâu, đồng thời luồn bàn tay trái xuống gầm bàn, nhìn xuống đó ra hiệu. Ông Quan thấy bàn tay trái của Ngô Đình Cẩn xòe ra 5 ngón như thể báo hiệu rằng chiều nay vào lúc 5h ông sẽ bị hành quyết.
Sau này, mỗi khi nhớ lại vụ hành quyết Ngô Đình Cẩn, luật sư Quan vẫn tỏ thái độ kính trọng, khâm phục một con người biết cái chết đang đến với mình từng giờ, từng phút mà vẫn ngồi nói chuyện bình tĩnh hàng tiếng đồng hồ.
Cũng phải nói thêm rằng, sau ngày Ngô Đình Cẩn bị hành quyết đã có nhiều tin đồn rằng Ngô Đình Cẩn khi chết đi để lại rất nhiều của cải cho nhiều người thừa hưởng. Ngay chuyện Ngô Đình Cẩn bảo đại úy Nguyễn Văn Minh giao số vàng, đôla, kim loại quý cho tướng Đỗ Cao Trí giữ là "2 bao"... nhưng thực chất đó cũng chỉ là những lời đồn thổi vì chính đại úy Minh cũng không biết có bao nhiêu vàng và tướng Trí khi nhận túi vàng, valy tiền cũng không kiểm đếm.
Tuy nhiên, theo điều tra của các nhà báo về sau thì số bất động sản do Ngô Đình Cẩn giao cho người khác đứng tên không phải là ít.
Năm 1989, tướng ngụy quyền Trần Văn Đôn có viết cuốn hồi ký "Việt Nam nhân chứng", và khi nói về cái chết của Ngô Đình Cẩn, ông ta viết như sau: "Vài tháng sau ngày chỉnh lý, tướng Nguyễn Khánh có phái đại tá Lâm Văn Phát thông qua bà Trần Trung Dung và nhờ chuyển lời nói với ông Cẩn rằng, hãy chuyển số tiền 6 triệu USD mà ông Cẩn có trong một ngân hàng Thụy Sĩ cho tướng Nguyễn Khánh. Đổi lại tướng Khánh sẽ cho một chiếc phi cơ đưa ông Cẩn đi Singapore.
Bà Trần Trung Dung yêu cầu đừng ghi âm khi bà ấy vào khám hỏi ông Cẩn. Sau khi nghe bà Dung trình bày, Ngô Đình Cẩn không chịu giao số tiền đó cho ông Khánh, rồi hỏi bà Dung có cần lấy thì ông giao cho. Lúc đó bà Dung sợ liên lụy nên không dám nhận. Mấy ngày sau, nhân dịp một vị linh mục vào làm lễ cho ông Cẩn, ông đã ký giấy ủy quyền cho nhà dòng Cứu Thế số tiền đó. Giấy ủy quyền được để trong một cuốn kinh Thánh...".
Như vậy, xem ra sự kiện Ngô Đình Cẩn có mấy triệu đôla là có thể tin được. Nhưng thực sự chuyện Ngô Đình Cẩn chuyển 6 triệu đôla cho nhà thờ cũng có thể rất khó xảy ra, bởi lẽ với một số tiền lớn như vậy không thể cầm tờ giấy ủy quyền có mấy chữ rồi ký tên cho người khác đi lĩnh, đặc biệt đối với các ngân hàng nước ngoài. Ngay linh mục Lê Văn Thí cũng khẳng định là chẳng làm gì có số tiền đó...
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong

Xử bắn 'ông cố vấn' ở khám Chí Hòa

Tin Tức Quốc Tế
Tin Biển Đông VN
Ngôi Sao
(PetroTimes) - Sáng 9/5, các nhà báo sau khi dự buổi hành quyết Phan Quang Đông tại Huế thì vội vàng ra máy bay về Sài Gòn...

Luật sự Võ Văn Quan an ủi Ngô Đình Cẩn trước giờ xử bắn
Buổi tử hình Phan Quang Đông diễn ra rất ghê rợn. Vợ Phan Quang Đông đang bụng mang dạ chửa sắp đến tháng đẻ, đã ngất lịm ngay tại pháp trường khi chứng kiến cảnh chồng bị trói vào cọc...
Sau khi làm các thủ tục về giấy tờ, Các nhà báo có mặt ở Bộ Thông tin từ lúc 14h. Và được đưa tất cả lên chiếc xe 18 chỗ đi vào Khám Chí Hòa. Tới cổng khám, ở trạm gác thứ nhất, nhân viên yêu cầu khám xét hành lý và thu giữ lại tất cả máy ảnh. Chụp ảnh buổi hành quyết chỉ có 3 người của Bộ Thông tin và nhân viên của an ninh quân đội. Sau đó các nhà báo được dẫn ra một sân rộng đầy cỏ cây hoang dại và có chôn sẵn một chiếc cột gỗ và trường bắn nằm gần một ngôi chùa nhỏ.
5h chiều, các thủ tục cho buổi hành quyết Ngô Đình Cẩn được bắt đầu tại phòng làm việc của trung tá Phạm Văn Luyện, Quản đốc Khám Chí Hòa. Những người có mặt tại đây là đại tá Trang Văn Chính, Giám đốc cảnh sát đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn; thiếu tá Nguyễn Văn Đức, Chưởng lý Tòa án quân sự; bà cả Lễ là chị ruột Ngô Đình Cẩn; luật sư Võ Văn Quan và một số người khác nữa. Đoàn người đến thẳng phòng giam của Ngô Đình Cẩn và lặng lẽ bước vào.
Nghe tiếng giày, Ngô Đình Cẩn đang nằm trên giường hé mắt nhìn rồi khép lại, miệng lầm rầm cầu nguyện cùng với một vị linh mục đứng cạnh giường đọc kinh. Bóng đèn điện từ trên trần nhà tỏa sáng một màu ánh sáng vàng vọt, thê lương. Thiếu tá Đức đến bên giường, đọc bản bác đơn xin ân xá của Ngô Đình Cẩn. Khi Nguyễn Văn Đức đọc xong, luật sư Quan đến bên ông Cẩn nắm lấy hai bàn tay. Tay Ngô Đình Cẩn nóng hổi, mặt ửng hồng và rõ ràng đang sốt rất cao.
Luật sư Quan cố gượng nói: "Thôi ông cố vấn đừng quá đau buồn. Trên cõi đời này dù sớm hay muộn rồi ai cũng phải ra đi”. Ngô Đình Cẩn điềm tĩnh: "Luật sư đừng có buồn cho tôi. Tôi đi theo mấy ông anh của tôi. Tôi trở về với Chúa. Tôi không sợ chết đâu. Nhưng tôi lo cho luật sư, lúc cãi cho tôi, luật sư có đụng chạm tới họ. Không biết luật sư ở lại có bị họ làm khó dễ hay không". Luật sư Quan ứa nước mắt: "Không sao đâu, ông cố vấn đừng lo cho tôi. Xin cầu chúc ông cố vấn được vào nước Chúa".
Thủ tục tiếp theo là vị linh mục làm lễ và cầu nguyện cùng ông Cẩn. Khi được nói lời cuối cùng là tử tội có xin ân huệ gì không thì Ngô Đình Cẩn xin rằng được quyền mặc quần trắng, áo dài đen vì ông muốn được chết trong bộ "quốc phục" Việt Nam (ngày ấy chính quyền Ngô Đình Diệm quy định "quốc phục" của Việt Nam Cộng hòa là quần trắng, áo dài đen, đội khăn xếp). Hơn nữa ông Cẩn cũng muốn mặc bộ này đó là vì chiếc áo được thân mẫu may cho khi còn ở Huế. Rồi ông cũng nói với mọi người là ông tha thứ cho những người đã giết ông.
Yêu cầu của Ngô Đình Cẩn được đáp ứng, những viên cai ngục giúp ông thay quần áo. Rồi thiếu tá Nguyễn Văn Đức ra lệnh cho 2 nhân viên xốc nách dìu ông Cẩn ra khỏi phòng giam và xuống cầu thang. Vì Ngô Đình Cẩn không thể đi được, nên người ta phải đặt ông lên một chiếc băng ca và đẩy đi suốt hành lang này qua hành lang khác. Ra khỏi khu "lò bát quái", Ngô Đình Cẩn được chuyển sang một băng ca khác do 4 người cai ngục khiêng, chiếc băng ca được khiêng ra giữa sân có cắm một chiếc cọc thì cả đoàn người dừng lại...
Thiếu tá Đức ra lệnh cho đám cai tù xốc nách đỡ Ngô Đình Cẩn dậy, dìu ra cột. Khi Cẩn được dìu tới cột gỗ thì một người lính trong đội hành quyết nói nhỏ với Cẩn là xin phép được trói hai tay ra đằng sau, hai tay được đặt lên một thanh ngang giống như cây thánh giá mục đích là để người bị tử hình không tụt được xuống.
Một người lính cai ngục lấy chiếc khăn đen bịt mắt tử tội thì Ngô Đình Cẩn lắc đầu liên tục và nói: "Tôi không chịu bịt mắt. Tôi không sợ chết". Nhưng người ta vẫn buộc khăn vào một cách vụng về, vì vậy không chỉ bịt mắt mà bịt gần hết khuôn mặt ông Cẩn.
Đội hành quyết có 10 người và đội mũ lính quân cảnh có in 2 chữ MP, chia làm 2 hàng. Hàng trước 5 người quỳ, hàng sau 5 người đứng. Trong 10 người thì có 1 người được sử dụng khẩu súng mà trong đó lắp 1 viên đạn mã tử (không có đầu đạn mà chỉ bịt giấy). Đúng 18h20, phút hành quyết đã tới, Nguyễn Văn Đức giơ tay ra lệnh thi hành. Viên sĩ quan chỉ huy đội hành quyết hô lớn: “Bắn!".
Một loạt súng nổ, Ngô Đình Cẩn giũ người xuống ngay lập tức. Máu từ trên ngực chảy loang xuống chiếc quần trắng. Ngay sau đó viên chỉ huy đội hành quyết chạy đến gí khẩu súng colt 12 ly vào tai Ngô Đình Cẩn và bắn phát ân huệ. Bác sĩ pháp y chạy ra dùng ống nghe gí vào ngực Ngô Đình Cẩn nghe ngóng, vạch mắt ra xem, rồi quay lại gật gật đầu ra ý là Ngô Đình Cẩn đã chết.
Ngô Đình Cẩn sau khi bị bắn.
Trung tá Luyện, Quản đốc Khám Chí Hòa ra lệnh cho mấy viên cai ngục cởi trói hạ xác Ngô Đình Cẩn đặt vào băng ca rồi khiêng vào Khám Chí Hòa để khâm liệm và cho thân nhân nhận xác mang về chôn cất. Xác Ngô Đình Cẩn được đưa về an táng tại nghĩa trang chùa Phổ Quang, tức nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế gần sân bay Tân Sân Nhất.
Sở sĩ gia đình an táng Ngô Đình Cẩn tại đây là vì Thượng tọa Thích Chí Dũng là người thân quen với gia đình họ Ngô. Sau năm 1975, khi quy hoạch lại TP HCM nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế ở chùa Phổ Quang được di dời về Lái Thiêu. Mộ Ngô Đình Cẩn cũng được đưa về đó nằm cạnh mộ của thân mẫu và 2 người anh là Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong

Chuyện đời đẫm nước mắt của người đàn ông bị kết án oan

(PetroTimes) - Ông Phan Thanh Hải vốn là cán bộ công an tỉnh Tiền Giang, bị bắt giam và kết án oan. Sau nhiều năm ngồi tù, đến khi Tòa giám đốc thẩm tuyên vô tội, ông được tự do nhưng mất tất cả: Danh dự không còn, sự nghiệp tiêu tan, vợ con bỏ đi. Ông còn hai bàn tay trắng.
Nhiệm vụ “bất khả thi”
Ông Phan Thanh Hải (SN 1953, ngụ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) từng công tác tại đơn vị An ninh vũ trang khu 8, sau đó chuyển sang Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an tỉnh Tiền Giang. Ông Hải gặp nhiều cơ may và giữ một cương vị cao trong cơ quan. Bất ngờ lớn nhất cuộc đời đã xảy ra, mãi đến sau này ông Hải vẫn không thể tin được rằng đây chính là biến cố khiến ông mất tất cả.
Những bản án oan sai, những lá đơn đòi trả danh dự được ông Hải đóng thành tập sách để làm… “lưu niệm”.
Tháng 11/1989, đơn vị nơi ông Hải đang công tác thiếu nợ hàng chục cây vàng và không có tiền thanh toán. Thủ trưởng cơ quan yêu cầu ông Hải và một đồng chí tên Quang, phụ trách hậu cần của đơn vị lên phòng làm việc. Lúc này, ông Hải đang giữ nhiệm vụ phụ trách tham mưu chính trị của Phòng Cảnh sát bảo vệ và học thêm tại chức của Đại học Kinh tế.
Được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm hoạt động kinh doanh cho Trung tâm Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Tiền Giang, ông Quang không đồng ý. Nhiều lần khước từ, ông Hải buộc phải nhận công việc do tổ chức giao và vì lệnh của cấp trên. Công việc kinh doanh chiếm phần nhiều thời gian ngoài giờ làm việc. Ban ngày, ông Hải phải tất bật lo việc cơ quan và hết giờ hành chính lại phải chạy sang Trung tâm để lo việc kinh doanh.
Quá trình hoạt động tại Trung tâm và cơ quan trong khoảng thời gian từ 15/11/1989 đến ngày 14/4/1990, ông Hải không để sơ suất một vấn đề gì xảy ra. Thời điểm này, Công ty liên doanh FaDjCo do Tổng cục Hóa chất Phân bón thành lập, Lê Thị Bé Út được cử làm giám đốc và trụ sở đặt tại TP HCM.
Giám đốc công ty đã ký quyết định thành lập Trung tâm Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Tiền Giang và quyết định nhân sự gồm: Quách Hùng Tâm (Giám đốc), Ngô Huy Triết, Lê Thị Hồng Vân và Phan Thanh Hải (Phó Giám đốc).
Bỗng dưng… bị bắt
Tháng 1/1990, ông Hải đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Liên hiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang. Nội dung hợp đồng thể hiện, Trung tâm của ông Hải mua 1.000 tấn phân DAP giá 390 ngàn đồng/tấn với Công ty Liên hiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang; điều khoản thanh toán, trả trước 30% khi nhận hàng, còn lại trả chậm sau 15 ngày. Nếu trễ hạn thì phải chịu lãi suất 8%/tháng.
Thực hiện hợp đồng, từ ngày 11/1 đến 23/1/1990, Trung tâm của ông Hải đã nhận 458 tấn phân DAP, thành tiền hơn 407 triệu đồng. Ông Hải đã thanh toán theo hợp đồng được trên 113 triệu đồng và còn nợ 293 triệu đồng. Số phân mua được, ông Hải ký hợp đồng số 02 và 03 vào ngày 6 – 9/1/1990 để bán cho Xí nghiệp 19/8 thuộc Công an huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) 250 tấn, bán cho Xí nghiệp Vimexcov 200 tấn.
Sau đó, Xí nghiệp 19/8 còn nợ Trung tâm của ông Hải hơn 157 triệu đồng và Xí nghiệp Vimexcov nợ trên 68 triệu đồng. Ngược lại, Trung tâm Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Tiền Giang nợ của Xí nghiệp Xuất nhập khẩu 270 triệu đồng. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ của Trung tâm 1 xe ô tô và cá nhân ông Hải 1 xe Honda.
Với nội dung trên, án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đã áp dụng khoản 3, điều 135 Bộ Luật Hình sự phạt Phan Thanh Hải 5 năm tù, bồi thường cho Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang 270 triệu đồng.
Theo các tài liệu có trong hồ sơ, khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang thì Trung tâm đã hoạt động. Do vậy, những cá nhân có liên quan bị bắt khẩn cấp và điều tra khởi tố về tội “Giả mạo giấy chứng nhận của cơ quan, nhà nước và tổ chức xã hội”. Lê Thị Bé Út, Quách Hùng Tâm, Ngô Huy Triết, Lê Thị Hồng Vân và Phan Thanh Hải bị bắt giam.
Cơ quan điều tra “tước đoạt” tài sản của người bị tạm giữ
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã không có đủ chứng cứ kết tội các bị can về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” với 3 hành vi: vay tiền của Ngân hàng Công thương tỉnh Tiền Giang, vay tiền của Sidac Sài Gòn và mua phân trả chậm của Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang.
Ông Hải từng bị tù giam 23 tháng 18 ngày oan sai.
Khi xét xử phúc thẩm lần 1, ngày 27/4/1992, vụ án được điều tra lại và Viện Kiểm sát chỉ truy tố ông Hải về 1 hành vi “Lạm dụng tín nhiệm là mua phân trả chậm”. Còn 2 hành vi vay tiền, do có thế chấp nên chuyển sang giải quyết dân sự.
Riêng hợp đồng mua 1.000 tấn phân DAP với Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang, tuy hợp đồng quy định được thực hiện vào tháng 1/1990 nhưng điều khoản thanh toán quy định: “Nếu Trung tâm thanh toán trễ thì phải chịu lãi suất 8%/tháng”. Khi Hải bị bắt giam và cho đến ngày ra tòa, 2 bên vẫn chưa thanh lý hợp đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang đề nghị cho Hải tại ngoại để thu hồi tiền thanh toán theo hợp đồng vì Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang không có đơn đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết hợp đồng mua bán phân giữa Xí nghiệp với Trung tâm do ông Hải làm Phó Giám đốc.
Đến thời điểm bị bắt, Trung tâm còn nợ Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang 270 triệu đồng. Trong khi đó, 2 đơn vị khác là Xí nghiệp 19/8 Cai Lậy và Xí nghiệp Vimexcov Minh Hải còn nợ Trung tâm khoản tiền mua phân 226 triệu đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn bị thu giữ 1 xe ô tô mua với giá 37 triệu đồng và xe gắn máy của ông Hải. Hồ sơ thể hiện, ông Hải sửa xe ô tô trên với chi phí trên 45 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã bán xe ô tô của Trung tâm với giá 13 triệu đồng nhưng không có hội đồng thẩm định giá, thủ tục bán xe không đúng nguyên tắc… Xe Honda cũng bị bán với giá 3,3 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức 1,5 lượng vàng 24k theo thời giá thị trường. Không những vậy, ông Hải phải nộp cho Toà án 6 triệu đồng.
Tan nhà nát cửa ngày trở về
Cơ quan chức năng đã thừa nhận, ông Hải không có hành vi chiếm đoạt tài sản của Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang. Sở dĩ Trung tâm Đầu tư Phát triển Nông nghiệp chưa thanh toán được cho Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang là do chưa thu hồi được tiền bán phân cho 2 đơn vị còn nợ của Trung tâm. Ông Hải được Ủy ban thẩm phán, Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Đến ngày được minh oan, ông Hải vẫn không thể hiểu được việc toàn bộ Ban giám đốc Trung tâm bị bắt giam trong nhiều tháng. Riêng ông Hải bị giam giữ 23 tháng 18 ngày.
Qua 6 lần xét xử của 3 cấp tòa, ông Hải được minh oan bằng bản án giám đốc thẩm. Sau khi được giải oan, Tỉnh ủy Tiền Giang khôi phục Đảng cho ông Hải và Tòa án tối cao tại TP HCM bồi thường danh dự hơn 103 triệu đồng vào năm 2005.
Gần 2 năm bị cầm tù và kết án oan, ông Hải được đăng tin xin lỗi ở góc của một tờ báo.
Ở xứ quê nghèo, người dân không có điều kiện để mua báo hay ít được biết đến, ông Hải phải đi photo mẩu tin trên thành nhiều bản. Ông mang đi phát cho nhiều người để tự minh oan bản thân mình. Ông Hải chia sẻ: “Nhiều người không biết, tôi cũng đành mang tiếng tù tội và tham nhũng suốt đời”.
Ông Hải nhớ lại, theo quy định, nếu ông bị bắt phải thực hiện các bước như: Tước quân tịch và khai trừ ra khỏi Đảng. Thời điểm bị tạm giam, bản thân ông không hề hay biết, chỉ thấy đồng chí, đồng đội chở thẳng vào nhà tạm giam và nói: “Anh đã bị bắt”.
Ra tù, ông trở nên thất nghiệp và chỉ biết sống dựa vào đồng lương thương binh hạn hẹp. Hoàn cảnh gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Vợ ly dị và dắt người con gái độc nhất đi nước ngoài sinh sống. Bản thân ông trở thành người cô độc.
Ông Hải từng vào sinh ra tử ở những năm chiến tranh 1972 khốc liệt và cống hiến nhiều cho đất nước. Ngày cuối đời, ông mất tất cả chỉ vì một cái án oan. Cái còn lại của đời ông giờ là hai bàn tay trắng.
Ngọc Phươn

Đi săn gà chín cựa

(Petrotimes) - “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” - món thách cưới độc đáo của Vua Hùng với hai chàng Sơn Tinh và Thủy Tinh vốn dĩ chỉ có trong truyền thuyết. Ấy vậy mà, giữa vùng thâm sơn Thanh Sơn, Phú Thọ, đã từ nhiều năm nay, người ta vẫn nuôi được giống gà chín cựa quý hiếm có một không hai này.
Cũng chỉ vì tò mò, tôi đã lên tận nơi ấy, mua gà, luộc lên rồi… ăn thử. Nói không ngoa, đó quả thật là thứ thịt gà ngon nhất trong đời mà tôi được ăn. Ăn xong rồi lại cứ tiếc hùi hụi vì giống gà lạ này vẫn chưa đem lại kinh tế cho bà con dân bản.
Gà chín cựa dũng mãnh với mào rực đỏ
Sự tích loài gà dẫn cưới
Trưởng bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ là người Dao nhưng có cái tên không hề Dao một chút nào: Đặng Vĩnh Phúc. Khi ông Phúc nói cái tên ấy ra, tôi hỏi lại mấy lần cố ý để ông giải thích về cái tên chẳng mấy ăn nhập thông thổ này. Ông Phúc thực thà: “Tổ tiên tôi vốn dĩ chẳng phải người gốc ở đây. Ông cố nội tôi sinh ra ở Nam Định, chuyên nghề đúc đồng, tuy chẳng phải bậc cự phú gì nhưng cũng có của ăn của để. Tu chí đến nửa đời người thì ông cố sa vào cờ bạc rồi nướng cả gia sản vào đấy. Nợ nần chồng chất, phẫn chí, ông cố tôi nổi lửa đốt nhà rồi đưa cả gia quyến vào vùng rừng sâu này. Ông cố tôi cải thành người Dao, sống đời sống sơn tràng và đến đời tôi thì đã coi đây là quê hương bản xứ của mình rồi. Nhưng họ tên đời sau vẫn đặt theo lối cũ trong gia phả truyền đời. Cái tên của tôi có nguyên do là vậy”.
Ông Phúc rất mẫn tiệp, nói năng khúc triết chẳng giống gì vẻ ngoài của ông. Ông là trưởng bản nhưng rất xuề xòa. Áo bộ đội nhàu, quần ga lò xo và chỉ đi chân đất. Ông Phúc nghiện thuốc lào vào dạng siêu nặng, nói chuyện được dăm câu là phải hua tay xin ngừng để nhồi thuốc vào ống điếu. Hút xong rồi ôm ngực ho sù sụ.
Có lẽ, máu thương lái bán buôn từ đời cha ông vẫn còn chảy trong huyết quản ông Phúc. Ấy là về chuyện con gà chín cựa đặc dị của đất này. Người dân tộc thiểu số nói chung và người Dao nói riêng mang nặng tư duy “tự sản - tự tiêu” từ ngàn đời rồi, tự trồng cấy, nuôi thả mà ăn chứ ít người nghĩ đến chuyện buôn bán hoặc nói cho oách là làm thương mại. Nên trang trại gà chín cựa của ông Phúc được mở ra đã là sự lạ, hoành tráng ở bản Cỏi.
Sự tích loài gà chín cựa ở Thanh Sơn cũng lắm điều thú vị. Có nhiều giai thoại và những lời đồn thổi khác nhau về gà chín cựa. Cụ Bàn Văn Trường, 80 tuổi nhớ lại: “Lúc tôi còn bé tí đã thấy trong nhà có những con gà với những cái cựa tua tủa như gai nhọn”. Cụ Trường kể rằng, ngày cụ còn bé, con gà nào có đủ chín cựa thì không bao giờ bị giết thịt và cũng chẳng thấy chúng chết. Chỉ biết rằng, đột nhiên vào một ngày nào đó, chúng biến mất và không bao giờ quay trở về nữa”.
Có người thì bảo đây là giống gà rừng nhưng thông minh và thích gần gũi với con người nên về sống với con người từ xa xưa. Có người lại nói giống gà này là gà nhà, được người Dao ở Xuân Sơn nuôi dưỡng như gia cầm, chỉ có điều sức vóc cũng như sự tinh anh đã khiến nó rất được coi trọng. Người Dao ở Xuân Sơn khẳng định gà chín cựa thông minh tới mức có thể trông nhà khi chủ đi vắng. Thực hư thế nào thì chỉ có người Dao làm bạn với gà chín cựa bao đời nay mới biết rõ nhưng tôi đã được chứng kiến tận mắt cảnh 3 thanh niên không bắt nổi chú gà tám cựa - nói gì đến chín cựa, dù đã dùng đủ mọi “mưu kế”, đưa ra nhiều mồi nhử.
Đôi chân "quái dị" của giống gà quý hiếm
Nhọc nhằn nuôi gà “bay”
Ông Phúc thì khẳng định rằng, thực ra, giống gà này cũng chỉ mới xuất hiện được khoảng 20 năm trở lại đây và bản Cõi chính là nơi xuất hiện giống gà đầu tiên. Ông Phúc cũng chính là nhân chứng được chứng kiến toàn bộ quá trình xuất hiện của giống gà này. Ông Phúc kể lại: “Khoảng 20 năm trước, trong một buổi sáng đi phát rẫy, tôi trông thấy một con gà rừng khá lạ. Lông nó màu trắng toát, tiếng gáy gần giống gà nhà và bay như chim. Đặc biệt, chân giống gà này có 9 ngón, chen chúc trên khẩu chân ngắn và rất nhỏ. Tôi ở vùng này đã lâu và đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy giống gà này. Chỉ nhìn thấy lần ấy thôi và lâu lâu không nhìn thấy chúng nữa”.
Câu chuyện cũng chẳng có gì đáng kể nếu không có một ngày ông Phúc trông thấy con gà rừng lạ kia… đạp mái với cánh gà nhà sau vườn nhà ông. Gà nhà ấp trứng nở ra giống gà có đến… tám cựa. Ông Phúc trông thấy lạ, tưởng lứa gà bị đột biến gì đó nhưng lạ thay, lứa nào cũng thế, con nào cũng vậy. Chúng ăn khỏe nhưng lớn rất chậm, con nào con nấy chỉ đến khoảng 1,5kg là dừng lại.
Giống gà này mắt sáng quắc, không hoảng ngay cả khi bị giữ chặt. Mào đỏ tươi như máu, đuôi cong vút tựa cầu vồng và rất mảnh. Riêng cặp chân thì to, chắc và mọc đều 4 cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn độc. Khi đủ lông đủ cánh, chúng bay như chim, bởi chân ngắn và sải cánh rất rộng. Có đận, cứ nuôi được con gà nào lớn lên là chúng bay tuốt vào rừng và không về nữa. Ông Phúc mất gà cứ ngẩn ngơ tiếc, không hiểu chuyện gì xảy ra.
Rồi ông tính đến chuyện nuôi nhốt chúng. Ông nuôi theo kiểu công nghiệp, quây chuồng, rải rơm và cho ăn theo bữa với đèn chụp hẳn hoi. Như thế được dăm ngày, đàn gà của ông cứ lần lượt lăn ra chết như là chết dịch. Là bởi, chúng ở trong chuồng trướng khí, đập cánh đòi bay, quẫy vào thành chuồng đến gãy nát cả xương mà chẳng thiết tha ăn uống gì. Cách nuôi đó rõ ràng là không ổn.
Suy đi tính lại, ông Phúc tính chuyện lập trang trại. Ông tính: “Giống này lai gà rừng, mình nuôi theo kiểu gà nhà là hỏng hết. Nó là gà lai rừng thì nuôi bán tự nhiên, sáng cho nó bay đi kiếm ăn, tối nó lại bay về như nuôi ong. Nó quen thức ăn, quen chuồng rồi thì khắc nó sẽ tự tìm về”. Ông tính tù mù thế, chẳng sách vở gì nhưng xem ra lại rất ổn. Ông lập hẳn ra một trang trại nuôi gà chín cựa theo cách của riêng mình.
Trang trại gà chín cựa giữa mênh mông rừng núi
Gọi là trang trại vậy thôi chứ thực ra nó là một rẻo đất hoang trên miệng vực, dưới vực là ngút ngàn rừng xanh để làm… sân chơi cho lũ gà. Ông cũng cất một dãy chuồng nứa lá cho gà ngủ nhưng tịnh không bao giờ chúng dùng chuồng ấy. Những con chiêm chiếp lớn lên vừa bằng nắm tay là ông thả về rừng cho gà mau lớn. Sáng chúng bay về ăn thóc ông vãi trên khoảnh đất nhỏ, ăn xong chúng ùa bay tuốt vào rừng kiếm quả chín, lá non mà ăn. Tối chúng bu về ngủ đầy trên dãy cây lồ ô gần đó. Ông Phúc chỉ có thể kiểm soát được số gà con thả về rừng chứ không bao giờ kiểm được số gà ông có trong trang trại, đếm chúng mà cứ như đếm vịt giời đang bay vậy.
Theo cách ấy, số gà thu hoạch mỗi lứa phải mất… một nửa. Một nửa còn lại thì có con bay vào rừng, rồi bị dân bản quanh vùng nhầm tưởng là gà rừng họ săn mất, có con không tự thuần được, lại thành gà rừng vĩnh viễn không về nữa, có con thì vẫn về chuồng ăn hàng ngày nhưng không tài nào bắt được chúng. Mà, cách thu hoạch gà của ông Phúc cũng lắm điều lạ.
Để bắt chúng, ông làm cái thòng lọng có dây rút thật dài. Nửa đêm về sáng, chờ lúc đàn gà về ngủ say trên cành cây lồ ô, ông nhẹ nhàng đặt thòng lọng trước mặt con gà rồi bật đèn pin chiếu thẳng vào mặt nó. Con gà giật mình và theo phản xạ tự nhiên thì rướn cổ ra phía trước. Thế là chui vào thòng lọng. Ông Phúc thít thòng lọng vào lôi xuống thật nhẹ nhàng, nếu để phát ra tiếng kêu hoặc tiếng quẫy cánh quá mạnh, đàn gà tỉnh dậy bay mất thì công toi.
Giống gà mà ông Phúc nhân giống ra gọi là gà chín cựa nhưng thực chất gà trống chỉ có tám cựa, gà mái chỉ có sáu cựa. Một lứa gà, mỗi con nuôi khéo lắm được ngót 2kg cũng mất cả năm. Chính vì thế, giá bán của nó cũng chẳng hề rẻ chút nào. Gà sáu cựa giá 300-500 ngàn đồng/kg, gà tám cựa giá phải hơn 1 triệu đồng/kg.
Trang trại gà của ông Phúc chỉ vẻn vẹn một túp lều mà gà không bao giờ ở
Gà có đầy đủ chín cựa thì hiếm vô cùng. Từ xưa đến nay, số gà có đủ chín cựa chỉ đếm được trên đầu ngón tay và nhà nào sở hữu gà chín cựa thì chả khác nào có được con gà bằng vàng ròng. Với con gà đủ chín cựa, gia chủ có thể phát giá thoải mái, đại gia nào có thú sưu tầm của lạ, sẽ sẵn sàng mua với bất kỳ giá nào. Người dưới xuôi lên đây săn tìm gà chín cựa ráo riết lắm. Họ đặt cả chục triệu cốt để tìm được một con gà đủ chín cựa. Ông bảo, có lẽ đến cả trăm triệu đồng cho một con gà người ta cũng sẵn sàng mua. Thực tế, đã có đại gia cây cảnh siêu giàu ở Việt Trì mà tôi biết đã chi 100 triệu đồng để có được một chú gà chín cựa từ tay một con buôn.
Kiếm tiền từ giống gà lạ
Bản Cỏi nằm lọt thỏm giữa Vườn Quốc gia Xuân Sơn, có vỏn vẹn có 65 hộ dân, với khoảng 350 nhân khẩu sinh sống. Chỉ vài năm trở lại đây, con đường bê tông nối vào bản mới được làm, bản Cỏi mới hết biệt lập hoang vu. Tiếng tăm loài gà đó cũng theo con đường mới lan truyền đi khắp nơi. Cũng đã có vài cuộc khảo nghiệm thực tế của các vị giáo sư, tiến sĩ nông học thuộc vài viện nông nghiệp lên tìm hiểu thực tế để nghiên cứu lịch sử giống gà, đánh giá thực trạng và tìm biện pháp bảo tồn. Thế nhưng, các vị đồng loạt lên, uống rượu, ăn thịt gà rồi chẳng thấy hồi âm gì. Nguồn gốc của giống gà lạ này cứ thế rơi vào quên lãng.
Có câu chuyện thế này, nhiều đại gia ở Việt Trì, Phú Thọ đã thực hiện giấc mơ làm giàu bằng gà chín cựa. Nhiều người đã đầu tư trang trại hàng tỉ đồng, rồi hốt nửa số gà trong bản Cỏi đem về thả, rồi cứ ao ước rằng, trăm con gà kia sẽ đẻ ra ngàn con, ngàn con sẽ đẻ ra vạn con… Cứ theo cấp số nhân mà tính, giống gà chín cựa ấy sẽ đem về cho chủ gia trang cả núi vàng. Suy cho cùng thì mơ ước của các ông chủ gia trang chẳng phải viển vông. Con gà chín cựa kia cũng chỉ ăn ngô, ăn thóc như giống gà khác, trong khi giá trị của nó thì rất lớn.
Nếu đưa ra khỏi bản Cỏi, gà chín cựa sẽ không sống được
Dù họ cũng biết gà ấy chỉ hợp với bay nhảy, dù họ cũng làm cành lá nhân tạo gần gũi với thiên nhiên nhưng lạ thay, giống gà ấy hễ ra khỏi rừng Xuân Sơn là héo hon dần và… chết. Điều này thật lạ lùng, nhưng nó cũng là lời lý giải vì sao không đâu khác, chỉ núi rừng Xuân Sơn, chỉ cái bản Cỏi heo hút giữa đại ngàn, giữa những dãy núi điệp trùng kia mới có loại gà kỳ dị.
Như vậy, bản Cỏi là nơi duy nhất có thể nhân được giống gà này. Chuyện kiếm tiền từ giống gà đặc sản, ông Phúc đã bắt đầu tính đến. Bà con trong bản cũng lác đác bắt đầu nuôi gà chín cựa. Tuy nhiên, thi thoảng mới có người dưới huyện lên mua được dăm con đãi khách. Gà nuôi ra đó, chủ yếu vẫn để… thịt ăn. Duy chỉ có ông Phúc là đang ấp ủ làm ăn lớn. Ông tính: “Ở đây rừng núi có sẵn, tôi đang tính khoanh vùng nhân giống đàn gà lên vài nghìn con, nuôi cho đã. Để cho giống gà này trở thành một thương hiệu của huyện, của tỉnh và thực sự đem lại kinh tế cho bà con”.
Tôi tin điều ông Phúc nói là thật, tôi tin dự án bề thế ông vừa nói với tôi không phải là viển vông. Nhưng, dù ông đang rất mặn chuyện và phấn chấn với dự án mới mẻ, tôi vẫn phải thật lòng mà nói với ông rằng: Con gà chín cựa biết đâu chỉ là cái mốt nhất thời của vài ba kẻ hãnh tiến miền xuôi. Nhưng khi cái mốt ấy đi qua thì hàng ngàn con gà kia, ai sẽ là người mua, ai sẽ là người bù lỗ cho bà con khi nuôi giống gà này. Trước khi làm trang trại lớn, tính chuyện nuôi đại trà, cần tính đến đầu ra, phải có kế hoạch tổng thể lâu dài chứ không nên ăn xổi vài vụ. Rồi cả những chuyện dịch bệnh trên trời giáng xuống có thể hủy diệt cả đàn gà. Những điều ấy mà không tính thì có ngày bà con trắng tay như chơi.
Ông Phúc rít hơi thuốc lào thật sâu, nhấp ngụm nước chè rồi trầm ngâm: “Có lẽ thế thật, đợt tới phải bàn với mấy cán bộ xã, cán bộ huyện xem chiến lược thế nào. Nhưng dù gì, tôi cũng làm trang trại thật lớn đấy!”.
Mới đây nhất, ông Hoàng Anh Tuấn, cán bộ UBND xã Xuân Sơn cho biết, chính quyền địa phương đang tìm cách giúp người dân bảo tồn gà chín cựa. Ban Khuyến nông của xã Xuân Sơn cũng thống kê số lượng gà nhiều cựa của các hộ dân. Theo đó, gà từ bảy cựa trở lên có hơn 300 con. Theo ông Tuấn, xã Xuân Sơn đã có quyết định chọn 5 hộ gia đình ở 4 bản thí điểm mô hình bảo tồn gà chín cựa. Các gia đình này sẽ được hỗ trợ tiền làm chuồng trại, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho gà. “Các loại gà nhiều cựa có giá trị kinh tế khá cao. Vì thế, người dân vừa có thể yên tâm nuôi gà nhiều cựa tăng gia sản xuất vừa có thể chắt lọc để bảo tồn nguồn gen quý” - ông Tuấn cho biết. Vì thế, trong tương lai không xa, gà chín cựa sẽ trở lại, cất tiếng gáy oai hùng ở vùng núi rừng Xuân Sơn nơi đất Tổ.
Vũ Minh Tiến