Duy trì ảnh hưởng ở Ukraine là mối quan tâm thường trực của Tổng thống Putin. Lên nắm quyền thay Boris Yeltsin năm 2000, ông Putin phải tiếp nhận một “di sản” không mấy tốt đẹp. Nước Nga thời điểm đó không có được tiếng nói, vị thế được tôn trọng trên trường quốc tế, biểu hiện rõ nhất là việc Mỹ và phương Tây qua mặt Moskva khi phát động cuộc chiến Kosovo. Cùng lúc, nền kinh tế Nga lún sâu vào thảm họa. Mục tiêu được ông Putin đặt ra lúc đó là khôi phục lại quyền lực của nước Nga, bảo vệ và nâng cao lợi ích quốc gia của Nga.
Tổng thống Putin: Cách mạng Cam là đòn tấn công của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga. Ảnh: AP
|
Điểm then chốt kiểm chứng sức mạnh của Nga đến liền sau đó: Cuộc cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004. Ông Yanukovich thắng cử tổng thống, nhưng phải đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối, buộc phải tiến hành bầu cử lần 2 và thất bại, quyền lực rơi vào tay các nhân vật thân phương Tây. Tổng thống Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây đứng sau đạo diễn làn sóng biểu tình này, với ý đồ muốn làm suy yếu Nga như đã từng thực hiện với Liên bang Xô Viết. Sau Kosovo, ông Putin một lần nữa lại có lý do để nghi ngờ về thái độ thù địch của phương Tây.
Suốt thời kì 2004-2010, Nga đã nỗ lực rất nhiều để thay đổi tình thế “Cách mạng Cam”. Moskva quyết tâm xây dựng lại lực lượng quân đội, tập trung cải cách cơ cấu tình báo và sử dụng mọi ảnh hưởng kinh tế trong tay để hướng lái quan hệ với Ukraine. Mục đích thì cũng đã rõ phần nào: Nếu không làm chủ được cuộc chơi thì cũng không cho phép Ukraine rơi vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, vì đây là vấn đề gắn chặt tới lợi ích của Nga.
Việc Nga đưa quân vào Gruzia năm 2008 có tác dụng cảnh tỉnh với Ukraine hơn là với khu vực Caucasus. Thời điểm đó, Mỹ vẫn còn sa lầy trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, không có điều kiện để bảo vệ “đồng minh danh nghĩa” Gruzia. Cuộc xung đột làm sáng tỏ 2 điều: 1/ Nga có thực lực quân sự mạnh, sẵn sàng hành động quyết đoán; 2/ Quan trọng hơn là lời “nhắc nhở” các nước trong khu vực (nhất là Ukraine) rằng: đừng bao giờ ảo tưởng vào “lời bảo đảm” từ Mỹ và đồng minh phương Tây.
Năm 2010, Yanukovich trúng cử Tổng thống và thế cờ đổi thay. Nga thắng thế trong khi Mỹ và phương Tây mất đi ảnh hưởng ở quốc gia có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng này. Nhận thấy mối bất hòa với Nga ngày một tăng, cùng với đó là xu hướng chống Mỹ tại khu vực, chính quyền Barack Obama tìm cách hàn gắn quan hệ với Nga, với việc Ngoại trưởng Hillary Clinton đề xuất với ông Putin khái niệm “khởi động lại” (restart) quan hệ Nga - Mỹ.
Có vẻ như lời đề nghị dường như không hợp thời điểm, khi lãnh đạo nước Nga nhận thấy rằng Mỹ đang ở thế phòng thủ và Moskva cần phải phát huy ưu thế có trong tay. Một hướng mà Nga nhắm tới là châu Âu, trọng tâm là khai thác sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) đối với nguồn năng lượng từ Nga. Đỉnh điểm “sức mạnh” của Nga được thể hiện trong cuộc khủng hoảng Syria hồi năm 2013. Moskva công khai phản đối ý định của Mỹ muốn phát động cuộc chiến lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, buộc Washington phải đi đến tiến trình thảo luận về một giải pháp hòa bình.
Tổng thống Vladimir Putin ký phê chuẩn hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Nhưng những sự kiện diễn ra ở Ukraine năm 2014 này là một hình thái khác. Tháng 1, Nga vẫn “đứng vững” ở Ukraine. Nhưng sang đến tháng 2, tình thế đảo ngược khi mà ông Yanukovich tháo chạy khỏi đất nước, một chính phủ thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev. Quyết định sáp nhập Crimea vào Nga đã đẩy Tổng thống Putin đối đầu gay gắt với Mỹ và các đồng minh phương Tây. Nếu không có làn sóng biểu tình đòi lật đổ ông Yanukovich, có thể Tổng thống Putin sẽ chấp nhận theo đuổi chiến lược để Kiev hội nhập với EU và tiến hành chia cắt Mỹ với EU thông qua “lá bài” năng lượng với lục địa già.
Đây cũng chính là điểm mà vụ MH17 rơi trên bầu trời Ukraine có thể sẽ mang nhiều tác động chính trị. Nếu như xuất hiện bằng chứng cho thấy quân ly khai miền đông là thủ phạm bắn rơi máy bay, Nga sẽ bị ảnh hưởng liên đới. Khả năng chia tách Mỹ - châu Âu lúc này sẽ giảm đi và hình ảnh, uy tín của của nước Nga nói chung và Tổng thống Putin nói riêng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Những rắc rối trong vấn đề Ukraine lần này cũng đã có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Nga. Dưới sức ép, các lệnh cấm vận của phương Tây, Nga đang ở điểm ngưỡng suy thoái. Nợ chính phủ đã tăng gấp đôi so với 4 năm trước đây. Sản xuất gặp khó, nhiều nhà máy luyện kim, khai mỏ đối mặt với mối nguy phá sản. Dòng vốn đầu tư rút khỏi Nga trong 6 tháng đầu năm đã lên tới 76 tỉ USD. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 50% trong nửa đầu năm nay. Điều nguy hiểm là ở chỗ, các chỉ dấu tiêu cực này xảy đến khi giá dầu (nguồn thu chính yếu đối với kinh tế Nga) vẫn đứng ở mức cao, trên 100 USD/thùng.
Hoài Thanh (Theo Strafor)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét