Trước đó, ngày 21-7, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, thỏa thuận cung cấp cho Nga 2 chiếc tàu chiến Mistral vẫn còn nguyên hiệu lực, bất chấp vụ chiếc máy bay chở khách của Malaysia bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine, làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, các quan chức Mỹ “rõ ràng cho rằng thỏa thuận này hoàn toàn không phù hợp. Và chúng tôi đã nói với họ rằng họ không nên thực hiện thỏa thuận này.”
“Đương nhiên, chúng tôi cho rằng thỏa thuận tàu Mistral không nên được thực hiện,” bà Harf cho biết. “Chúng tôi cho rằng bất kỳ ai cũng không nên cung cấp vũ khí cho Nga.”
Mistral
Cùng ngày phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, trong một cuộc họp báo rằng: “Chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy người Nga đang giễu cợt các quy tắc quốc tế, hỗ trợ các nỗ lực vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia độc lập có chủ quyền”.
Theo hợp đồng ký kết giữa Nga và Pháp vào tháng 6-2011, chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral đầu tiên, mang tên Vladivostok, sẽ được bàn giao cho Nga vào cuối năm nay, trong khi chiếc thứ hai, mang tên Sevastopol, dự kiến sẽ được bàn giao vào năm tới.
Pháp cho rằng, họ sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận này vì nếu hủy bỏ thì chính họ sẽ thiệt hại nhiều hơn là Nga. Hợp đồng, trị giá 1,66 tỷ USD, đã tạo ra khoảng 1.000 việc làm và còn bao gồm lựa chọn bán thêm 2 chiếc nữa.
Nếu hợp đồng bị hủy bỏ thì Pháp sẽ phải bồi thường hơn 1,2 tỷ euro (khoảng 1,7 tỷ USD) cho Nga. Số tiền trên bao gồm số tiền trong thỏa thuận mua 2 chiếc tàu chiến và tiền phạt vì chấm dứt hợp đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét