“Tôi không cho rằng sẽ là khôn ngoan nếu Mỹ hay thế giới chứng kiến một cuộc xung đột quân sự thực sự giữa Mỹ và Nga”.
Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố việc Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang leo thang là động thái “không khôn ngoan”, đồng thời khẳng định những biện pháp cấm vận của Mỹ đang gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế Nga.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Obama nói: “Tôi không cho rằng sẽ là khôn ngoan nếu Mỹ hay thế giới chứng kiến một cuộc xung đột quân sự thực sự giữa Mỹ và Nga”.
Khi được hỏi về những ảnh hưởng nặng nề mà các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây gây ra cho kinh tế Nga có phải là thứ công bằng hay không, ông Obama tuyên bố: “Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn công bằng. Đó là hậu quả cho những quyết định mà ông Putin thay mặt cho nước Nga đưa ra”.
Theo ông Obama, khi mới lên nắm quyền, ông đã xây dựng một mối quan hệ hiệu quả với Nga, giúp nước Nga có cơ hội đa dạng hóa nền kinh tế, cải thiện quan hệ với châu Âu và thế giới. Nước Nga dưới thời cựu Tổng thống Dmitry Medvedev lúc đó đã gia nhập WTO với sự hậu thuẫn của Mỹ.
“Thế nhưng khi ông Putin đưa ra những quyết định về Crimea và Ukraine, ông ấy đã buộc nước Nga phải chịu những lệnh cấm vận tàn phá nền kinh tế đúng vào lúc giá dầu rớt thảm hại. Trong tình hình này, không hề có một kịch bản tốt đẹp nào cho nước Nga. Việc sáp nhập Crimea chỉ là động thái lợi bất cập hại của Nga”, ông Obama nói.
Cho rằng ông Putin vẫn “chưa chịu dừng lại” trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ đang “tiếp tục buộc Nga phải trả cái giá ngày càng cao hơn và chịu sức ép ngoại giao lớn hơn”.
“Điều chúng tôi đang làm là củng cố các quốc gia biên giới của NATO và làm rõ rằng đường biên giới này là bất khả xâm phạm vì chúng tôi không cần phải có hành động quân sự để bảo vệ đồng minh của mình”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Khi được hỏi về chiến lược lâu dài nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, ông Obama khẳng định nước Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine về kinh tế và cải cách chính trị, tạo cơ hội cho Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk thực hiện những chuyển biến lớn trong đời sống chính trị Ukraine.
Song song với đó, Mỹ sẽ tiếp tục gây thêm sức ép với Nga, củng cố sức mạnh phòng thủ của Ukraine, nhằm phát đi một thông điệp tới ông Putin rằng cuộc xung đột hiện nay chỉ có thể giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.
Ông Obama hy vọng rằng cùng với thời gian, Tổng thống Nga Putin sẽ “thay đổi ý định” của mình trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong thời gian đó, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ đồng minh và ủng hộ những nguyên tắc đã duy trì hòa bình ở châu Âu trong suốt thời kỳ hậu chiến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét