Thổ Nhĩ Kỳ lại lùi thời điểm công bố người trúng thầu gói tổ hợp tên lửa phòng không mà có thông tin Trung Quốc là người thắng thầu
Thổ Nhĩ Kỳ chọc giận NATO
Tờ Hurriyet Daily News dẫn nguồn tin từ Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSM) cho hay, Istanbul đã quyết định lùi thời điểm công bố kết quả T-LORAMIDS tới sau cuộc bầu cử Quốc hội tổ chức vào ngày 7/6 tới.
Chính phủ mới sẽ có trách nhiệm đàm phán với 3 nhà thầu lọt vào vòng chung kết gói thầu và đưa ra kết quả cuối cùng.
Theo tuyên bố hồi tháng 9/2013, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, nhà thầu Trung Quốc CPMIEC đã giành chiến thắng tại T-LORAMIDS với giá chào thầu thấp kỷ lục, chỉ 3,44 tỷ USD so với mức dự kiến trên 4 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ.
Để giành chiến thắng tại T-LORAMIDS, CPMIEC với tổ hợp FD-2000 (HQ-9) đã vượt qua liên doanh Lockheed Martin/ Raytheon với tổ hợp tên lửa Patriot phiên bản PAC-2 và PAC-3, Rosobonexport với S-300 PMU-2 Favorit và Tổ hợp Eurosam với tổ hợp SAMP/T sử dụng đạn tên lửa Aster-30.
Tuy nhiên, sau khi kết quả được công bố, phương Tây và Mỹ lên tiếng phản đối việc tích hợp các thành phần tên lửa phòng không có nguồn gốc Trung Quốc vào hệ thống phòng không chung của NATO (Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên khối NATO) với lo ngại lộ thông tin.
Thậm chí, giới chức quân sự NATO còn dọa trục xuất Thổ Nhì Kỳ ra khỏi hệ thống phòng thủ tên lửa chung của khối.
Tổ hợp tên lửa Patriot PAC-3 sẽ tiếp tục có cơ hội được cạnh tranh với hàng Trung Quốc và Nga |
Mới đây, Nga đã đưa ra gợi ý sẵn sàng cung cấp tổ hợp S-300VM Antey-2500 nếu phía Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm.
Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến qua T-LORAMIDS sẽ mua 12 tổ hợp tên lửa phòng không mới và yêu cầu nhà thắng cuộc phải thành lập liên doanh với công ty nội địa để phát triển tổ hợp tên lửa phòng không mới.
Đầu tháng 9/2014, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, nước này nối lại đàm phán với Eurosam do các bất đồng với phía Trung Quốc liên quan tới việc chuyển giao công nghệ và quy trình sản xuất FD-2000 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với đó, nhà thầu Mỹ Lockheed Martin/ Raytheon vẫn được giữ lại tham dự đấu thầu. Nhiều chuyên gia nhận định, T-LORAMIDS sẽ là sự cạnh tranh giữa nhà thầu châu Âu và Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ thèm vũ khí Nga
Một điều đáng chú ý, việc lùi lại công bố danh sách người trúng thầu của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài yếu tố trùng vào thời kỳ bầu cử, còn một yếu tố khác rất đáng chú ý, đó là chính quyền quốc gia này đang cân nhắc những đề nghị mới xuất phát từ phía các công ty quốc phòng của Nga.
Theo đó, Nga đã bổ sung cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lợi ích khiến quốc gia này buộc phải phân vân, cân nhắc.
"Chúng tôi có thể xem xét lại lời đề nghị của Nga, nếu các điều khoản chuyển giá và công nghệ được cải thiện đáng kể để làm cho họ dễ chấp nhận hơn đối với chúng tôi", quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết với tờ Sputnik.
Rõ ràng thông tin này không chỉ khiến NATO lo lắng mà còn làm cho Trung Quốc 'mất vui'. Bởi ngay trước đó, tờ China Daily đưa tin, Trung Quốc đã xác nhận bán hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại triển lãm hàng hải và hàng không vũ trụ quốc tế LIMA 2015 tổ chức tại Malaysia, một đại diện của CPMIEC (nhà sản xuất HQ-9) nói rằng, ai cũng biết hệ thống HQ-9 đã được lựa chọn trong hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2013.
Thông tin Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua sản phẩm của CPMIEC đã được đích thân Bộ trưởng Quốc phòng nước này là Ismet Yilmaz xác nhận hồi cuối tháng 2/2015.
Tổ hợp FD-2000 của Trung Quốc |
Theo người đứng đầu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, để đối đầu với khó khăn khi nước này găp phải vì mua HQ-9, Ankara quyết định xây dựng một hệ thống phòng không và tên lửa độc lập dựa trên các tổ hợp tên lửa HQ-9 của Trung Quốc.
Bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên sáng lập của NATO, đặc biệt là ngay từ đầu năm 2013, Mỹ, Đức và Hà Lan cũng điều tổng cộng 6 hệ thống tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ nước này khỏi cuộc nội chiến ở Syria.
Quyết định của Ankara giống như là một "sự xỉ nhục" đối với Mỹ, vốn từ lâu đã duy trì các lệnh cấm vận với CPMEIC vì các vụ buôn bán vũ khí và hợp tác quốc phòng với những quốc gia như Pakistan, Syria, Triều Tiên và Iran.
Quyết định trên của Ankara nhiều khả năng sẽ làm gia tăng những lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đang cố gắng tách biệt mình với phương Tây để theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập hơn.
Một số nhà phân tích và các nhà hoạch địch chính sách, trong đó có Vali Nasr, người từng phục vụ tại Bộ ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, đã bày tỏ những lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng quan hệ với Trung Quốc và với cả Nga.
Nhưng ông Aaron Stein, một nhà quản lý chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại và kinh tế ở Istanbul, nói rằng quyết định trao hợp đồng tên lửa cho SMPEIC và cân nhắc dùng hàng Nga cho thấy mong muốn của Ankara nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước hơn bất kỳ sự thay đổi quan điểm địa chính trị nào.
“Hợp đồng chỉ là nhằm đi đến một sự nhất trí với một trong 4 nhà cung cấp về một thỏa thuận sản xuất chung. Ankara đã theo đuổi các thỏa thuận hợp tác sản xuất tương tự với các nhà cung cấp khác cho các hệ thống tên lửa phòng không", ông Stein nói.
Ông Stein cho rằng các công ty tại Mỹ nhiều khả năng không đáp ứng được các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về chuyển giao công nghệ.
“Các công ty Mỹ thường từ chối các yêu cầu chuyển giao công nghệ rất khắt khe của Ankara. Thật khó tưởng tượng là Raytheon và Lockheed lại đồng ý chuyển giao các thông tin quan trọng về thiết kế của một trong những hệ thống tên lửa tiên tiến nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ”.
Đỗ Phong (Tổng hợp QĐND, ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét