(PetroTimes) - Ngày 31/7, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, Giám đốc CIA John Brennan vừa xin lỗi các nghị sĩ Mỹ sau khi cơ quan chức năng xác nhận cáo buộc nhân viên CIA từng truy cập máy tính của Thượng viện "một cách không phù hợp".
Được biết, ông John Brennan đã gặp Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein để xin lỗi bởi cách đây hơn 4 tháng, Giám đốc CIA từng lớn tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng: CIA đã do thám các điều tra viên của Thượng viện bất hợp pháp. Đây là động thái bất ngờ khiến dư luận và giới chuyên môn quan tâm, tuy nhiên lời xin lỗi của Giám đốc CIA John Brennan cũng giúp giảm căng thẳng và mâu thuẫn giữa Thượng viện với CIA.
Giám đốc CIA John Brennan
Cách đây không lâu, bà Diane Feinstein từng chỉ trích CIA vi phạm nguyên tắc phân quyền của Hiến pháp Mỹ và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy ủng hộ tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện. Theo tiết lộ của bà Dianne Feinstein, từ năm 2009, CIA và Ủy ban Tình báo Thượng viện từng nhất trí thành lập một cơ sở tại Virginia cùng một hệ thống máy tính hoạt động độc lập với mạng lưới của cơ quan tình báo, cho phép các nhà lập pháp Mỹ nghiên cứu tài liệu của CIA. Và trong quá trình nghiên cứu 6,2 triệu tài liệu, các nhân viên điều tra đã phát hiện bản báo cáo nội bộ của CIA ngay trong hệ thống máy tính mà CIA đã thiết lập riêng cho ủy ban này sử dụng.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein cho biết, bà nhận được thông tin về vụ lục soát hôm 15/1 tại phiên họp khẩn do Giám đốc CIA John Brennan triệu tập. Tại cuộc họp này, ông John Brennan đã thông báo với bà Dianne Feinstein và Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Saxby Chamblish về việc nhân viên CIA lục soát máy tính của các nhà điều tra trong Ủy ban Tình báo Thượng viện vì quan ngại họ đã tiếp cận trái phép một số tài liệu mật của CIA. Ngày 11/3, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein yêu cầu CIA phải thừa nhận hành động kể trên là không phù hợp và đưa ra lời xin lỗi. Khi đó, Giám đốc CIA John Brennan đã bác bỏ chỉ trích của bà Diane Feinstein, đồng thời yêu cầu Bộ Tư pháp vào cuộc. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney xác nhận, Giám đốc CIA John Brennan cùng luật sư Robert Eatinger đã thông báo với Nhà Trắng trước khi yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra.
CIA đã chính thức yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra đối với các nhân viên Thượng viện vì nghi ngờ mạng máy tính của CIA đã bị đột nhập đánh cắp tài liệu mật. Động thái kể trên đã châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa Thượng viện và CIA vì Thượng viện cho rằng, nhân viên CIA đã lục soát trái phép máy tính của các nhân viên Ủy ban Tình báo Thượng viện đang điều tra chương trình thẩm vấn và bắt giữ dưới thời Tổng thống Bush. Được biết, cuộc điều tra liên quan tới báo cáo về các vụ tra tấn được hoàn tất hồi tháng 12/2012, khi Ủy ban Tình báo Thượng viện thông qua một nghiên cứu 6.300 trang hiện vẫn chưa được công khai trước dư luận.
Giới chuyên môn coi đây là vụ bê bối lớn nhất từ trước đến nay giữa CIA với Thượng viện (kể từ thập niên 1970). Gần 5 tháng trước (12/3), Tổng thống Barack Obama từng cam kết sẽ công bố báo cáo về chương trình thẩm vấn của CIA ngay sau khi hoàn tất các thủ tục. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Nhà Trắng trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Thượng viện và CIA liên quan đến tiến trình điều tra đối với chương trình thẩm vấn nghi can khủng bố do CIA tiến hành, nhưng bị Tổng thống Barack Obama đình chỉ từ năm 2009. Mâu thuẫn giữa Thượng viện và CIA tái bùng phát sau khi CIA phát hiện trong kết quả điều tra chưa công bố của Thượng viện có nội dung một bản báo cáo của CIA thuộc diện không được truy cập.
Theo một báo cáo chung do Tổ chức Giám sát nhân quyền và Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ thực hiện và công bố (hạ tuần tháng 7), chương trình do thám của Chính phủ Mỹ đang đe dọa tự do báo chí và quyền được tư vấn pháp luật. Báo cáo cho rằng, so với mấy năm trước, giới chức Mỹ đã thận trọng và dè dặt hơn khi tiếp xúc với giới truyền thông do quan ngại bị lọt vào tầm ngắm của chương trình do thám trên diện rộng của Nhà Trắng. Các quan chức cũng cho rằng, bất cứ sự tiếp xúc nào với báo giới, đặc biệt thông qua thư điện tử hay điện thoại, cũng đều có nguy cơ trở thành bằng chứng chống lại họ liên quan đến hành vi tiết lộ thông tin. Cũng theo báo cáo kể trên, chương trình do thám của Nhà Trắng đã đi quá xa so với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia.
Trước đó (hạ tuần tháng 3), hãng AFP cho biết, Tổng thống Barack Obama đã đề xuất kế hoạch chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu ghi âm các cuộc điện đàm của người Mỹ nhằm xoa dịu cuộc tranh cãi liên quan tới hoạt động giám sát này. Và các công ty điện thoại lưu trữ dữ liệu với cùng thời lượng mà họ đang làm hiện nay. Nếu các cơ quan chính phủ cần sẽ được tiếp cận với những dữ liệu này sau khi được tòa án chấp thuận. Tuyên bố hôm 27/3 của ông Barack Obama được coi là hồi kết cho những tranh cãi xung quanh cáo buộc nghe lén của NSA bởi trước đó ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra thời hạn chót, theo đó trước 28/3, Bộ Tư pháp và cộng đồng tình báo Mỹ phải đưa ra quyết định đối với “vấn đề NSA”.
Tân Hồng - Tiên Du