Trong lịch sử các cuộc chiến tranh, đường hầm là một giải pháp đơn giản để trả lời cho câu hỏi: Làm sao để tấn công, quấy nhiễu một đối thủ có tiềm lực quốc phòng lớn mạnh. Để biện minh cho cuộc tấn công vào Dải Gaza, Israel đã đề cập đến viễn cảnh các chiến binh thuộc phong trào Hồi giáo Hamas chui xuống hàng chục đường hầm vượt Gaza vào Israel để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.
Nếu đối thủ là một đội quân có kỉ luật và sức mạnh như Israel, đương nhiên bên tham chiến sẽ gặp khó khăn khi thực hiện tác chiến đối xứng. Với Hamas, việc làm đường hầm tốn nhiều công sức nhưng lại là giải pháp rẻ và có hiệu quả.
Yahya al-Sinwar, một thành viên lãnh đạo của Hamas, gần đây nói rằng chính đường hầm đã đẩy cán cân cuộc chiến nghiêng về phía người Palestine. “Ngày nay, chúng tôi là những người xâm lấn Israel”, al-Sinwar lớn tiếng tuyên bố. Những phát biểu kiểu như vậy mang nặng tính khoa chương, nhưng vẫn có một phần sự thật cần phải dè chừng. Lịch sử chiến tranh 2.000 năm qua cho thấy, tác chiến đường hầm có tác động mạnh đến tâm lý của binh sĩ - kể cả bên xâm lược hay bên bị xâm lược.
Binh sỹ Israel phát hiện một đường hầm của Hamas ở Dải Gaza. Ảnh: Xinhua
Trong thế kỉ thứ nhất sau Công nguyên, quân Đức - khi nhận thấy không đủ sức mạnh để chống lại quân La Mã trên chiến trường, đã đào một hệ thống đường hầm thông nhau để có thể phục kích và gây ra những tổn thất lớn cho kẻ thù.
Hai trăm năm sau, năm 256, đội quân người Sassanian trong tình cảnh bị đế chế La Mã khép chặt vòng vây ở Dura-Europos (Syria ngày nay) đã đào một tuyến hầm dưới các bức tường thành. Quân La Mã nhận ra động thái này và dùng phản kế đào một đường hầm khác nối thông vào. Quân Sassanians đáp trả bằng việc chất đầy trong đường hầm các hỗn hợp khí sulfur và hắc ín để tạo ra khí sulfur dioxide - hình thức chiến tranh hóa học đầu tiên được ghi nhận. Quân La Mã nhiễm độc, chết ngạt, bức tường thành sụp đổ.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, các thợ mỏ người Anh được huy động vào các trung đội đặc nhiệm đường hầm, với mục đích phá vỡ phòng tuyến ở Mặt trận phía Tây. Họ đã đào được 22 tuyến đường hầm xuyên qua các hàng rào dây thép gai của quân Đức ở Messines. 19 đường hầm chứa đầy thuốc nổ trong số này đã được kích hoạt ngày 7/6/1917, tạo ra vụ nổ giết chết 10.000 lính Đức. Thế nhưng, ý nghĩa chiến lược của đòn đánh trên lại không lớn, vì bộ binh Anh không thể tiến vào trận địa bị chia cắt bởi hố sâu từ các đường hầm bị phá.
Những ví dụ trên đây cho thấy những hạn chế của đường hầm trong chiến tranh. Đó là việc phải mất nhiều thời gian xây dựng, dường như chỉ phủ hợp với hình thái tác chiến tĩnh, hoặc là vây hãm. Số lượng binh lính có mặt, tác chiến trong đường hầm ít, cản trở khả năng tấn công.
Thế nhưng trong chiến tranh bất đối xứng thì đường hầm lại phát huy được những giá trị: Đó là khi một lực lượng nhỏ phải đối mặt với một kẻ thù lớn hơn, mạnh hơn. Quân Mỹ từng đối mặt với mối nguy này trong thời kì chiến tranh Việt Nam. Thách thức mà quân viễn chinh Mỹ gặp phải không phải là “tiêu diệt” mà là “tìm diệt” đội quân giải phóng. Quân đội Việt Minh ẩn mình trong những công sự, địa đạo chằng chịt ở Củ Chi vọt lên mặt đất phục kích rồi lại biến mất đầy bí ẩn. Hàng nghìn binh sỹ có thể sống trong địa đạo Chủ Chi dài hơn 320 km này trong quãng thời gian dài: Dưới đó có cả kho đạn, phòng ngủ tập thể, phòng họp, bệnh viện, thậm chí là cả rạp chiếu phim.
Một thanh niên Palestines chuẩn bị xuống tuyến đường hầm ở Dải Gaza. Ảnh: AFP
Chính quyền Tel Aviv cảm thấy mối nguy hiểm từ đường hầm: Phiến quân Hamas có thể “chui lên” ở bất kì đâu, trong bất cứ thời điểm nào để thực hiện các các đòn tấn công. Tháng 6/2006, chiến binh Hamas sử dụng đường hầm tấn công một bốt quân sự của Israel, giết chết 2 lính Israel và bắt sống binh sĩ 19 tuổi tên Gilad Shalit. Toàn bộ chiến dịch diễn ra chỉ trong có 6 phút, nhưng hệ quả mà nó để lại thì còn dai dẳng. Sau khi bị giam giữ 5 năm, Shalit đã được đưa ra đổi lấy 1.000 tù nhân Palestine.
Đường hầm tạo cơ hội cho quân nổi dậy thay đổi luật chơi của cuộc chiến: Đối phương buộc phải có hành động đối phó với hiểm nguy từ các địa đạo. Nói cách khác, một đội quân hùng mạnh về vũ khí sẽ buộc phải chiến đầu trong một thế giới nguyên thủy do chính những “kẻ đào hầm” tạo ra mà ở đó, nhiều thế mạnh về vũ khí, công nghệ sẽ lu mờ. Quân nổi dậy Hamas hiểu rõ từng ngóc ngách trong đường hầm, trong khi quân Israel không có được kiến thức, hiểu biết về điều đó. Nhìn rộng ra, tại Afghanistan, Pakistan và Yemen, các phần tử Hồi giáo cực đoan đang kiến tạo hệ thống hầm ngầm tinh vi để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Cho đến nay, chiến tranh công nghệ cao không phải là giải pháp phù hợp để “xử lý chiến tranh đường hầm”.
Ưu điểm lớn nhất của đường hầm chính là ở sức mạnh tuyên truyền. Hệ thống này không thể thay đổi cục diện cuộc xung đột giữa người Israel với người Palestines, nhưng nó là hiện thân của tinh thần đoàn kết chiến đấu. Đó cũng chính là điều mà “Địa đạo Củ Chi” đã thể hiện được: Nỗ lực không biết mệt mỏi của quân đội và nhân dân Việt Nam trong quyết tâm giải phóng đất nước.
Theo Hoài Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét