(PetroTimes) - Có thể nói lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nữ tù chính trị tại Khám Chí Hòa tổ chức ngày đó là duy nhất trong các nhà tù của chế độ ngụy quyền Sài Gòn ngày ấy, và đó cũng là lần duy nhất mà Khám Chí Hòa có giam tù nữ, bởi suốt từ năm 1954 cho đến tháng 9/1969, Khám Chí Hòa chỉ giam tù nam giới, còn phụ nữ, hầu hết bị giam ở nhà giam Thủ Đức. Vậy vì sao lại có sự kiện này?
Chị Trương Mỹ Hoa thăm hỏi cán bộ quản giáo khu B. |
Chúng ta lại phải ngược về nhà tù Thủ Đức.
Vào giữa năm 1969, tại nhà giam Thủ Đức địch giam khoảng hơn 1.400 trẻ em, 1.400 nữ tù chính trị. Tại đây chúng thực hiện chế độ đày ải, giam cầm vô cùng tàn nhẫn và chúng đã gặp phải sự kháng cự và đấu tranh mãnh liệt chưa từng có của chị em. Khởi đầu là cuộc đấu tranh của các nữ tù chính trị thuộc Trung đội Lê Thị Riêng. Trung đội này là một trong những đội biệt động nổi tiếng của Sài Gòn vào năm 1967, 1968, khi bị bắt nhiều chị em đang là sinh viên, học sinh.
Khởi đầu cuộc đấu tranh là việc chị em chống chào cờ, nên đã bị chúng biệt giam và tra tấn rất dã man. Từ phong trào đấu tranh của Trung đội nữ Lê Thị Riêng mà phong trào chống chào cờ ngày càng lan rộng, không chỉ chống chào cờ mà chị em còn đòi cải thiện đời sống như cho gia đình thăm nuôi, cho đem sách vở vào học văn hóa, cho tắm nắng, rồi đòi phải giảm bớt số lượng tù nhân trong mỗi phòng giam.
Trước sức đấu tranh của chị em, Quản đốc Dương Ngọc Minh và Huấn trưởng Ban an ninh nhà giam Thủ Đức đã áp dụng biện pháp chia nhỏ các chị ra để trị.
Đêm 21/8/1969, bọn chúng ùa vào tấn công chị em bằng lựu đạn cay và gậy gộc, chúng đã đánh chết 3 người là Nguyễn Thị Tâm, em Đặng Thị Giành 16 tuổi và chị Nguyễn Thị Xuân Đào. Hơn 1.000 nữ tù chính trị đã kêu và la lớn từng chập, tiếng hô của chị em làm chấn động cả một vùng dân cư quanh đó. Bọn giặc ùa vào giành được xác của 3 người bị chúng đánh chết, chúng mang ra giữa sân lột hết quần áo của các chị rồi cho bọn ác ôn thay nhau giẫm đạp lên thi thể.
Sang đến này 23/8, trong lúc chị em đang làm lễ truy điệu những người bị chúng sát hại, bọn cai ngục lại điều thêm một đại đội cảnh sát dã chiến đến, cướp xác chị Xuân Đào và đàn áp chị em, một số chị bị chúng đè ra nhét vôi bột vào miệng.
Ngày 24/8, chúng tiếp tục cho bọn ác ôn xuống đánh đập dã man chị em các trại B, C, G và dùng bạo lực bắt đi 342 chị mà chúng cho là cứng đầu nhất trong đó có chị Trương Mỹ Hoa, chị Hồng Nhật, chị Loan và chị Võ Thị Thắng, chúng bắt các chị chuyển về Khám Chí Hòa để rồi đày các chị ra Côn Đảo. Các chị được chúng chia vào 4 phòng từ OB1 đến OB4. Chúng đưa các chị vào đây lúc nửa đêm trong xe bịt kín, chỉ đến khi vào trong khám thì mới biết là Khám Chí Hòa. Ngay lập tức các chị họp bàn và quyết tâm noi gương người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.
Được vài ngày vào sáng hôm 5/9, khi chị em đang ngồi tập hát thì thấy Đỗ Mạnh Trí là trưởng khu O, B vào: "Nè, mấy chị ơi, Cụ Hồ chết rồi". Hắn nói xong rồi đứng bên ngoài nhìn các chị xem phản ứng ra sao. Chị em tức giận la ó, rồi chị Hồng Nhật ra nói: "Nói cho ông biết, Bác chúng tôi già rồi. Chúng tôi biết thế nào cũng có ngày ấy, nhưng đừng có đem điều đó ra dọa chúng tôi. Đồ thất đức".
Đỗ Mạnh Trí mở cửa phòng, đi vào rồi nói bằng nét mặt buồn buồn: "Tôi xin thề với các chị và giơ tay lên trời - đó là sự thật. Tôi không giấu các chị, dù tôi là người của phía quốc gia nhưng tôi rất kính trọng và khâm phục Cụ Hồ. Tôi không dám nói dối điều ấy. Tôi chỉ muốn báo tin cho các chị biết...". Nói xong hắn buông tay xuống và cúi đầu đi ra, chị em ngơ ngác nhìn nhau, tất cả đều lộ rõ lo lắng trên khuôn mặt nhưng không biết làm cách nào để xác nhận tin Bác mất là có thật hay không.
Các chị bèn ra ngoài đứng sát chấn song cửa dùng quạt giấy đánh tín hiệu morse hỏi các anh tù chính trị bên phía đối diện. Bên đó cũng đánh morse trả lời là có nghe tin như vậy nhưng còn đang nghi hoặc. Ngày hôm đó, cả phòng giam hầu như chẳng ai nói với ai câu nào, những chị lớn tuổi thì cố tìm cách an ủi và chỉ cầu mong đó là tin bịa đặt của kẻ địch.
Sáng hôm sau, Đỗ Mạnh Trí lại đến, lần này hắn cầm theo một tờ báo đưa cho chị em và nói: "Này xem đây, tôi có nói dối các chị đâu, Cụ Hồ mất thật rồi mà". Nhìn tờ báo Sài Gòn, nhìn rõ ảnh Bác Hồ nằm trong hòm kính, chị em bật òa lên khóc. Không khí trong trại bắt đầu náo loạn, một số chị được ra ngoài gặp gia đình khi trở về cũng báo tin đó là sự thật.
Suốt buổi sáng mọi người chỉ ngồi khóc, đến chiều chi bộ nhà tù tổ chức họp và bàn phải tổ chức lễ truy điệu Bác đồng thời tổ chức để tang trong toàn thể tù chính trị. Để thống nhất với bên tù chính trị nam giới, các chị lại đánh tín hiệu sang báo cáo kế hoạch để tang và lễ truy điệu Bác. Phía bên ấy trả lời là đồng ý. Trong khi các tù nữ sẽ tổ chức lễ truy điệu Bác tại phòng giam thì phía bên nam giới sẽ tổ chức để tang Bác bằng cách im lặng, không chào cờ ngụy quyền Sài Gòn.
Một góc khám Chí Hòa hôm nay. |
Các anh nam giới tổ chức để tang Bác bằng cách gắn một miếng vải đen lên ngực trái, còn chị em ở phòng OB4 thì chít khăn trắng như để tang cho cha mẹ mình và thời gian để tang là một tuần, còn các phòng OB1, 2, 3 thì đeo băng tang. Thế rồi các chị em chọn ra một tổ để viết điếu văn, trong đó có các chị Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng, Hồng Nhật, chị Năm Bắc. Viết đến đâu, sau khi thống nhất nội dung, các chị phải học thuộc ngay, vì đề phòng lúc đang truy điệu bọn địch xông vào cướp lấy bản điếu văn thì lúc đó sẽ có người đọc điếu văn đã học thuộc.
Khó khăn nhất trong phòng giam đó là việc lập bàn thờ và treo cờ. Sau khi bàn bạc, các chị quyết định, nếu địch xông vào thì phải liều chết giữ cho được khăn tang trên đầu và bàn thờ Bác trong phòng. Lễ truy điệu Bác sẽ diễn ra trong vòng một tuần, nghĩa là sáng nào cũng có chào cờ, hát Quốc ca, hát bài Hồn tử sĩ, đọc điếu văn và sau đó kể các câu chuyện mà mọi người biết được về Bác Hồ.
Đêm 6/9, cả nhà giam không ai ngủ được, người thì lo cắt chữ, người thì lo viết điếu văn, người thì lo bố trí bày biện bàn thờ, còn những chị không có việc, nhất là các má, các chị lớn tuổi thì cứ ngồi rúc vào cuối phòng ôm nhau khóc. Tiếng khóc của các chị, các má như mũi kim đâm vào tâm can mọi người.
Sáng 7/9, khi trời mờ sáng, chị em đã thức dậy bắt đầu chuẩn bị làm lễ truy điệu, hơn 6h sáng việc chuẩn bị đã xong, mọi người chỉnh tề với áo quần bà ba đen, sát vách tường phía cánh cửa ra vào, bàn thờ Bác được đặt trên những thùng giấy kê cao phủ vải đen.
Trên bàn thờ có một bình hương, một bình hoa làm bằng giấy màu, hai bên có hai khẩu hiệu. Lá cờ Tổ quốc cũng được làm bằng giấy và nền quét phẩm đỏ, ngôi sao cũng được cắt bằng giấy vàng. Đây là những thứ mà chị em chuẩn bị để dành cho các buổi biểu diễn văn nghệ trong tù...
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong