Kỳ 2: Con đường gian nan đến ngày toàn thắng
Trong lịch sử hàng ngàn năm chống
ngoại xâm, trước khi có cuộc đụng độ lịch sử với Hoa Kỳ, dân tộc Việt
Nam đã từng đứng trước 3 kẻ khổng lồ có sức mạnh vô địch, áp đảo và vô
cùng tàn bạo, tưởng chừng không thể chống đỡ nổi: 10 năm chống quân đội
Tần Thủy Hoàng (218 TCN-208 TCN), ba lần chống quân Mông Cổ (1257-1258,
1284-1285, 1287-1288), 96 năm chống thực dân Pháp (1858-1954).
Quân Tần cực kỳ tinh nhuệ, được xem
là đội quân vô địch trong thời điểm đó. Họ gồm thâu 6 nước, thống nhất
Trung Hoa, sau đó đem quân Nam tiến, lần lượt chinh phạt thành công các
tộc Bách Việt, sau đó tiến đến lãnh thổ Âu Việt. Người Âu Việt dưới sự
lãnh đạo của Thục Phán và Dịch Hu Tống, lui vào rừng núi tiến hành chiến
tranh du kích và chống trả kiên cường. Sau 10 năm chinh chiến, tình
trạng quân Tần lúc này theo sách cổ Sử Ký của Tư Mã Thiên mô tả là:
“Đóng binh ở đất vô dụng. Tiến không được, thoái không xong. Đàn ông mặc
áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta phải thắt
cổ trên cây dọc đường. Người chết trông nhau.” Quân Tần bị tổn thất
nặng nề, sách cổ Hoài Nam Tử của Lưu An mô tả: “Thây phơi máu chảy hàng
chục vạn người”. Tại Trung Nguyên, Tần Thủy Hoàng qua đời, Tần Nhị Thế
kế vị và ra lệnh bãi binh vào năm 208 TCN.
Thành Cát Tư Hãn từng gọi đội binh mã
thiện chiến của mình là: “Vó ngựa Mông Cổ lướt tới đâu, cỏ ở đó không
mọc nổi.” Đây là đội quân xâm lược bành trướng thế giới tàn bạo nhất
trong thế kỷ 13. Quân đội này đã diệt các nước lớn như Hạ, Kim, Tống,
thôn tính Trung Hoa, khuất phục Triều Tiên. Kéo quân gieo rắc ác mộng
khắp thế giới, kể cả Trung Đông, châu Âu và Nga, khiến cho những nước
phương Tây phải kinh hoàng. Đội quân kỵ xạ và kỹ thuật cưỡi ngựa bắn tên
của kỵ binh Mông Cổ là vô địch và hầu như bất khả chiến bại. Tuy nhiên,
khi hơn 70 vạn quân Mông Cổ (Lần thứ nhất: 3 vạn quân. Lần thứ hai: 20
vạn quân. Lần thứ ba: 50 vạn quân) kéo vào Đại Việt dưới sự chỉ huy của
thái tử Thoát Hoan (Toghan) và các danh tướng từng gieo rắc sợ hãi cho
1/3 thế giới như Ô Mã Nhi (Omar) và Toa Đô (Suodu)…. thì họ đã bị thua
to dưới tay thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo và quân dân Đại Việt.
Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban
Nha chính thức xâm lược Đại Nam. Với khoảng cách quá xa về trình độ dân
trí, phương thức sản xuất và tiềm lực kinh tế quân sự, quân Pháp hầu như
dễ dàng đánh đâu thắng đó. Năm 1886, sau khi hoàn toàn đánh bại quân
chủ chiến triều Nguyễn, quân nhà Thanh và quân Cờ Đen, Pháp chính thức
thiết lập ách thống trị thực dân kiểu cổ điển trên toàn cõi Việt Nam.
Bắc Kỳ và Trung Kỳ được xem là xứ “bảo hộ” với triều đình Huế bù nhìn.
Nam Kỳ bị xem là xứ thuộc địa chính thức thuộc chủ quyền của Pháp. Năm
1945, quân đội Nhật đảo chính Pháp. Năm 1946, Pháp quay lại tái chiếm
Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra và kết thúc sau chiến dịch
Điện Biên Phủ và sự ký kết của Hiệp định Genève 1954, gần 20 vạn quân
Pháp và gần 30 vạn quân ngụy đã bị thất bại trước chủ tịch Hồ Chí Minh,
đại tướng Võ Nguyên Giáp, và quân dân Việt Nam, Pháp chính thức công
nhận sự độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc
trường kỳ kháng chiến chống thực dân suốt 96 năm của Việt Nam. Đây là
lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một thuộc địa phương Đông thắng
cuộc trước một đế quốc phương Tây. Sau sự kiện này, các thuộc địa khác
trên thế giới, nhất là ở Á – Phi cũng noi gương đồng loạt nổi dậy.
oOo
Thế kỷ 20 nổi lên một thế lực hùng mạnh bậc nhất: Hoa Kỳ, với một thế
lực chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa có ảnh hưởng lớn nhất thế
giới. Theo tư tưởng Vận mệnh hiển nhiên, Hoa Kỳ đã bắt đầu cuộc bành
trướng lãnh thổ mạnh mẽ trên khắp Bắc Mỹ trong thế kỷ 19, bao gồm các
hành động xâm lược, diệt chủng, thiết lập chế độ thuộc địa trên các đất
đai mới, đến khi thuộc địa đó hội đủ điều kiện thì nhập vào liên bang
Hoa Kỳ (như Hawaii, Alaska).
Đến cuối thế kỷ 19, biên giới Hoa Kỳ đã
kéo dài đến Thái Bình Dương, và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ và Thế chiến I đã xác định vị thế cường
quốc quân sự toàn cầu của Mỹ. Thế chiến II đã xác định vị thế siêu cường
toàn cầu của Hoa Kỳ, là quốc gia đầu tiên phát triển vũ khí hạt nhân,
và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Từ thời lập quốc đến năm 1924, quân đội
Mỹ đã trải qua hơn 100 cuộc chiến tranh xâm lược, bình định, và hàng vạn
trận chiến lớn nhỏ trong quá trình chinh phục, xâm chiếm, diệt tộc,
cướp đất đai của các lực lượng bản địa. Các chủng tộc, dân tộc bản xứ
trước đó có hàng chục triệu người, sau hơn 100 cuộc chiến chỉ còn lại
chừng mấy trăm ngàn người.
Từ năm 1776 đến năm 1973, quân đội Mỹ đã
bình định và dẹp tan khoảng 30 cuộc khởi nghĩa chống chế độ nô lệ, sưu
cao thuế nặng và bất công giai cấp.
Từ năm 1835 đến năm 1932, quân đội Mỹ đã tham chiến trong gần 10 cuộc chiến tranh xâm lấn, cướp đất, xung đột quân sự biên giới.
Từ năm 1798 đến 1953, quân đội Mỹ đã
chiến đấu trong hơn 10 cuộc chiến tranh ở hải ngoại, đánh đến châu Âu,
châu Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và các quần đảo ngoài biển. Bao gồm hai
cuộc Chiến tranh Thế giới.
Trong số khoảng 150 cuộc chiến lớn nhỏ đó, quân đội Hoa Kỳ chưa 1 lần thua cuộc.
Cuộc đọ sức lịch sử giữa một trong những
dân tộc đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược nhất với một quân đội đánh bại
nhiều đối thủ nhất, bắt đầu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài tham
luận “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thắng lợi vĩ đại, bài học lịch
sử” trong hội thảo khoa học “Đại thắng mùa Xuân 1975 – Bản lĩnh và trí
tuệ Việt Nam” do Bộ Quốc phòng, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tư
tưởng – Văn hóa Trung ương tổ chức trong hai ngày 14 và 15 tháng 4 năm
2005 đã gợi nhớ và nhấn mạnh lại thời khắc dầu sôi lửa bỏng này: “Dân
tộc Việt Nam đứng trước một khó khăn, thử thách chưa từng thấy trong
lịch sử”…. và…. “Cuộc kháng chiến chống Mỹ là thử thách lớn nhất, ác
liệt nhất đối với dân tộc ta. Chúng ta đã phải đương đầu với đế quốc
hùng mạnh nhất, giàu có nhất, tàn bạo, nham hiểm và hiếu chiến nhất.
Cuộc chiến tranh kéo dài qua năm đời tổng thống Mỹ với một tương quan
lực lượng chênh lệch nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân ta về
phương thức sản xuất và tiềm lực kinh tế quân sự.
Tóm lược quan hệ Việt – Mỹ trước khi cuộc chiến giữa hai nước xảy ra
Năm 1787, hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, sau
này là thái tử của vua Gia Long, theo Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de
Béhaine) sang Pháp và đã gặp tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ là Thomas
Jefferson, khi ông đang là Công sứ Toàn quyền Hoa Kỳ tại nước Pháp. Cuộc
gặp gỡ này được một số nhà nghiên cứu sử học xem là cuộc tiếp xúc
“chính thức” giữa triều Nguyễn và liên bang Hoa Kỳ.
Công sứ Jefferson là một người đa tài,
đam mê nghiên cứu về nông nghiệp đã chủ động đến gặp hoàng tử Cảnh với
mong muốn tìm được giống lúa thích hợp cho vùng Carolina trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, mong muốn của Jefferson đã không thành hiện thực khi vị hoàng
tử nhỏ tuổi hồi hương.
Trong chuyến hành trình đến vùng biển
châu Á năm 1845, chiến thuyền Constitution (thường gọi là Old Ironsides)
của Hoa Kỳ đã cập bến Đà Nẵng. Thuyền trưởng là John Percival liên lạc
với các quan địa phương xin được tiếp xúc với triều Nguyễn để đặt mối
giao hảo. Được tin, vua Thiệu Trị tại Huế cử viên ngoại lang Nguyễn Long
đi hỏa tốc vào Đà Nẵng hiệp cùng Kinh lịch thuộc viên ở tỉnh là Nguyễn
Dụng Giai đến thăm hỏi, làm việc với Percival.
Nhưng thay vì gây thêm cảm tình, Percival
khi nhận được thư cầu cứu của giám mục Dominique Lefebvre đang bị giam
cầm, thì lập tức chiếm đoạt lấy 3 chiến thuyền và một số người làm con
tin, đòi nhà chức trách phải thả Lefebvre. Sự việc không giải quyết
được, Percival sai nổ súng bắn lên bờ rồi nhổ neo ra khơi ngày 16 tháng
5, khiến tình hình thêm rắc rối.
Năm 1873, Bùi Viện được vua Tự Đức cử
sang Mỹ như một “đại sứ đặc mệnh toàn quyền” để cầu viện chống Pháp. Bùi
Viện sau đó đã đi qua Yokohama (Nhật) để đáp tàu sang Mỹ. Tổng thống
Ulysses Grant (nhiệm kỳ 1868-1876) lúc này chưa có nhu cầu chống Pháp,
thấy không có lợi lộc gì và có lẽ sợ ảnh hưởng quan hệ với Pháp, nên
không muốn tiếp kiến. Bùi Viện tiếc công đi xa nên lưu lại Mỹ 1 năm kiên
nhẫn chờ gặp. Đến khi Pháp và Mỹ đụng độ trong trận chiến ở Mexico thì
Grant mới hỏi đến Bùi Viện. Nhưng sau đó Mỹ – Pháp xuống thang xung đột ở
Mexico, Grant viện lý do Bùi Viện không mang theo quốc thư rồi từ chối
giúp đỡ. Vì vậy, ông lại quay về Việt Nam trở lại kinh thành Huế.
Có được thư ủy nhiệm của vua Tự Đức, Bùi
Viện lại xuất dương một lần nữa. Sau những chuyến hải hành khổ sở với
các tàu thủy lạc hậu thời đó, năm 1875, Bùi Viện lại có mặt tại Hoa Kỳ.
Có trong tay quốc thư nhưng lại gặp lúc Mỹ và Pháp đã giảng hòa nên
Ulysses Grant lại “đuổi khéo” sứ giả.
Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đại diện hội
Những người An Nam yêu nước gởi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội
nghị Hòa bình Versailles cho tổng thống Mỹ Woodrow Wilson nhưng không
được trả lời.
Đầu những năm 1940, cơ quan OSS (tiền
thân của CIA) của Mỹ đã giúp đỡ Việt Minh thuốc men và một số vũ khí để
chống Nhật, đối tượng lúc ấy là kẻ địch của cả Mỹ và Việt Nam. Việt Minh
giúp đỡ lực lượng Mỹ về tin tức tình báo và giúp cứu các lính Mỹ rồi
chuyển giao cho người Mỹ.
Trong chiến tranh Pháp – Việt
(1945-1954), Mỹ đã đứng sau ủng hộ Pháp chiếm lại thuộc địa. Năm 1950,
Mỹ bắt đầu nhúng tay can thiệp sâu vào Việt Nam, họ viện trợ tiền bạc và
vũ khí cho Pháp.
Cũng trong năm này, người dân Sài Gòn
dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã biểu tình chống hai
tàu chiến Mỹ là Anderson và Stickon cập bến Sài Gòn để giúp chuyên chở
lính Pháp. Một đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nã súng cối vào các
tàu đang nêu đậu trên sông. Hai tàu chiến Mỹ rút neo rời khỏi Sài Gòn.
Đây là cuộc biểu tình chống Mỹ đầu tiên của người dân Việt Nam.
Đến cuối chiến tranh, Mỹ đã cáng đáng 78%
chi phí chiến tranh, lên đến trên 1,5 tỷ USD. Đa phần các vũ khí mà
quân đội Việt Nam tịch thu được cho đến thời điểm này chính là vũ khí
của Mỹ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Mỹ đã trực tiếp chở khoảng 16
ngàn quân Pháp vào Điện Biên Phủ và hỗ trợ không quân cho Pháp.
Nhưng cuối cùng, công thức viện trợ Mỹ – viễn chinh Pháp – quân bản xứ
đã phá sản trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân
Pháp. Pháp đành phải ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Paris về Đông
Dương, công nhận nền độc lập của 3 xứ Đông Dương, rút quân trong 2 năm,
ấn định tổ chức tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam vào năm 1956.