Petrotimes) – Phát biểu tại khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc mới đây tại New York, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã không ngần ngại cảnh báo “các hoạt động nguy hiểm, liều lĩnh và táo tợn” của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như vạch trần các mâu thuẫn trong lời nói và hành động của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
(ngày 29/9 (giờ địa phương)
Dù không nêu đích danh Trung Quốc và chỉ nói chung chung là “một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc”, nhưng người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines đã nêu bật các hành động đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực và vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông mà “tác giả” không ai khác là Trung Quốc.
Tất cả những hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông đã được ông del Rosario liệt kê chi tiết trong 1/3 bài phát biểu dài gần 6 trang của mình: Từ vụ cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012, cho đến việc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại nhiều khu vực ở Biển Đông, xâm phạm quyền chủ quyền hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và một số quốc gia ven biển khác.
Ngoại trưởng Philippines cũng không quên nhắc đến các hoạt động cải tạo trái phép mà Bắc Kinh đã và đang tiến hành ồ ạt ở các khu vực bãi đá Gạc Ma, Ken Nan, Tư Nghĩa, Châu Viên và Ga Ven, thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những nơi Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm từ tay Việt Nam vào năm 1988.
Theo ông del Rosario, Bắc Kinh đã liên tiếp vi phạm luật pháp quốc tế với những “yêu sách chủ quyền mang tính chất bành trướng”, nhưng lại đòi nước khác áp dụng luật lệ quốc tế một cách “công minh và đúng đắn” trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
“Chúng tôi đã mời quốc gia này giải quyết các tranh chấp hàng hải với chúng tôi một cách hòa bình thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) tại một tòa án trọng tài quốc tế. Nhưng họ đã từ chối và thay vì giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp bằng UNCLOS, họ đã lao vào một loạt các hoạt động nguy hiểm, liều lĩnh và mang tính cưỡng ép, cố nhằm đơn phương áp đặt một sự thay đổi hiện trạng Biển Đông”, ông del Rosario nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Philippines không ngần ngại tố cáo: “Các hành động đơn phương đó, cùng nhiều hành vi khác, nằm trong một kế sách nhằm áp đặt một sự thay đổi hiện trạng trên biển, để củng cố cho cái gọi là “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò” – PV), một đòi hỏi bành trướng chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông, vi phạm cả bản Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN-Trung Quốc đã ký kết năm 2002 lẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982”.
Trước đó, cũng tại diễn đàn trên của Liên Hiệp Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã dành riêng một đoạn trong bài phát biểu để nêu lên tranh chấp Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về các “nguy cơ tiềm ẩn về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ”, đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực này.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đặc biệt nhấn mạnh quan điểm: “Tất cả các nước không phân biệt lớn - nhỏ, giàu - nghèo đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, chuẩn mực, quy định của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Tất cả các quốc gia cần từ bỏ việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình”.
Linh Phương