(TNO) Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2.10 tuyên bố gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, mở đường cho việc bán vũ khí phòng vệ trên không và trên biển cho Hà Nội.
Tàu USS Freedom đến vùng biển Philippines ngày 9.4 - Ảnh: AFP |
Các quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho Reuters biết Washington muốn hỗ trợ Việt Nam thông qua việc tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ bờ biển, đồng thời cũng nói thêm rằng máy bay do thám “sát thủ săn ngầm” P-3 có thể là một trong những thương vụ đầu tiên giữa 2 bên.
Dưới đây là một số loại vũ khí nổi bật của Mỹ đã hiện diện tại các nước châu Á:
1. Máy bay trinh sát P-3 Orion
Một chiếc P-3 Orion của Hải quân Mỹ - Ảnh: Wikipedia |
Được mệnh danh là “sát thủ săn ngầm”, P-3 Orion trang bị hệ thống radar tối tân và các thiết bị dò tìm tàu ngầm hiện đại, chẳng hạn như thiết bị MAD phát hiện từ tính do tàu ngầm di chuyển gây ra.
MAD có khả năng phát hiện sự xáo trộn bất thường của từ trường trái đất do tàu ngầm di chuyển trong lòng biển.
P-3 Orion còn có thể thả các thiết bị sonar (dò tìm bằng sóng âm) xuống dưới nước để tạo nên một mạng lưới cảnh báo tàu ngầm.
Ngoài ra, P-3 Orion cũng có thể được trang bị nhiều loại vũ khí tối tân như tên lửa chống tàu chiến Harpoon có tầm bắn hơn 100 km, tên lửa tấn công mặt đất AGM-65 Maverick, bom, thủy lôi, ngư lôi...
P-3 Orion có thể bay liên tục 15 tiếng và thường được dùng cho các chuyến tuần tra kéo dài trên biển.
Mẫu máy bay do thám này do tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu nước Mỹ Lockheed Martin sản xuất. Hiện P-3 Orion có mặt ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.
2. Máy bay trinh sát P-8 Poseido
Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ - Ảnh: Reuters |
Máy bay trinh sát P-8A Poseidon được trang bị các camera điện quang thế hệ mới, cung cấp các bức ảnh có độ phân giải cực cao. P-8A Poseidon cũng có các thiết bị dò tìm có khả năng phát hiện các vật thể nhỏ trên mặt nước.
P-8A Poseidon có thể bay một mạch 7.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu, theo AFP. Còn theo trang tin quốc phòng Defence News, Việt Nam có khả năng sẽ mua Poseidon và Ấn Độ cũng đã đặt hàng mua 8 chiếc P-8.
3. F-16 Fighting Falcon
F-16 Fighting Falcon - Ảnh: Không quân Mỹ |
Chiếc F-16 Fighting Falcon là một máy bay chiến đấu phản lực đa nhiệm hạng nhẹ do hai công ty quốc phòng Mỹ General Dynamics và Lockheed Martin phát triển, theo tờ The Washington Post.
Mặc dù F-16 không còn được sản xuất cho Không quân Mỹ, nhưng nó vẫn được sản xuất và bán cho 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á, như Indonesia và Singapore. Tính đến năm 2012, có 4.500 chiếc F-16 được sản xuất, trong đó phân nửa được xuất khẩu.
Ông Pierre Sprey, một cựu chuyên gia phân tích vũ khí của Lầu Năm Góc, đánh giá F-16 là loại chiến đấu cơ tốt nhất có thể tấn công các mục tiêu trên không và dưới đất. Mỹ còn đang thử nghiệm biến những chiếc F-16 “nghỉ hưu” thành máy bay không người lái, theo AFP.
4. Tàu chiến ven bờ lớp Freedom
Tàu chiến ven bờ lớp Freedom - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) nỗ lực tiếp thị tàu chiến ven bờ lớp Freedom của Hải quân Mỹ cho các đối tác tiềm năng ở khu vực Đông Nam Á cũng như Trung Đông. Đã có hai khách tiềm năng nhưng Lockheed Martin không tiết lộ là quốc gia nào.
Đây là loại tàu chiến đấu ven biển được thiết kế để hoạt động trong vùng nước nông gần bờ. Mỹ có khả năng ký kết được hợp đồng bán 14 tàu chiến lớp Freedom trong tương lai.
Hải quân Mỹ vào tháng 4.2013 từng điều tàu chiến USS Freedom (lớp Freedom) đến Căn cứ Hải quân Changi ở Singapore để gia nhập Hạm đội 7 của Mỹ tại Thái Bình Dương. Tàu này từng đóng quân tại vùng biển Đông Nam Á trong vòng 10 tháng.
Hoàng Uy - Phúc Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét