Không ai dám chắc về những diễn biến tại Triều Tiên nhưng nhiều người tin rằng ông Kim Jong-un đã mất quyền lực
Trong trang phục nhà binh, người được cho là nhân vật quyền lực số 2 Triều Tiên - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Hwang Pyong-so - bất ngờ tới Hàn Quốc ngày 4-10 để dự lễ bế mạc Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) tại Incheon.
Nối lại đàm phán cấp cao
Chuyến thăm này gây sửng sốt vì Bình Nhưỡng vừa công kích Hàn Quốc và Tổng thống Park Geun-hye về việc bà kêu gọi Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí và cải thiện các điều kiện nhân quyền.
Đi cùng ông Hwang còn có 2 nhân vật nổi tiếng khác là Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae và Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yang-gon.
Ông John Delury, chuyên gia về châu Á tại Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc), gọi đây là “cơ hội vàng”
để Tổng thống Park kiểm tra thiện chí của Triều Tiên.
Tuy bà Park và phái đoàn Triều Tiên không gặp nhau nhưng Bộ Thống nhất Hàn Quốc chiều cùng ngày thông báo 2 miền đã nhất trí nối lại hội đàm chính thức cấp cao vốn bị đình chỉ từ tháng 2 năm nay. Thời điểm tái khởi động đối thoại có thể vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so (giữa)
hội đàm với Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae ngày 4-10 Ảnh: YONHAP
Trước đó, tuyên bố ngày 2-10 của Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc So Se-pyong cũng báo hiệu thái độ cởi mở khác thường. Một mặt khẳng định nước này không định thử tên lửa hay hạt nhân như đồn đoán, mặt khác ông So nói Bình Nhưỡng sẵn sàng nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân.
“Nội bất xuất, ngoại bất nhập”
Chuyện bên trong Triều Tiên càng gây tò mò hơn. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã không xuất hiện trước công chúng từ ngày 3-9 và lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên thừa nhận ông bị “suy nhược cơ thể”. Tuy nhiên, nhiều thuyết âm mưu tin rằng ông Kim đã bị đảo chính.
Báo Anh Daily Mail dẫn lời ông Jang Jin-sung, sĩ quan phản gián dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il, cho rằng ông Kim Jong-un bị lật đổ hồi năm 2013 và quyền lực hiện nằm trong tay Cục Tổ chức - Hướng dẫn (OGD). Theo ông Jang, Triều Tiên đang sôi sục vì đấu đá quyền lực và ông Kim Jong-un có thể bị thay bằng người khác, trong đó người anh trai Kim Jong-nam là một ứng viên.
Củng cố cho những tuyên bố này, trang tin New Focus International dẫn các nguồn tin Triều Tiên cho hay Bình Nhưỡng đã có lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” từ ngày 27-9, tức chỉ 2 hôm sau phiên họp quốc hội mà ông Kim vắng mặt bất thường. Cũng trong phiên họp này, ông Hwang Pyong-so được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thay ông Choe Ryong-hae.
GS Toshimitsu Shigemura của Trường ĐH Waseda (Nhật Bản) nói với tờ Telegraph: “Có thể đã có đảo chính hoặc chính quyền phát hiện những âm mưu chống lại lãnh đạo. Nếu là cuộc đảo chính có sự ủng hộ của quân đội thì tình hình ở Bình Nhưỡng rất nguy hiểm. Tôi còn nghe tin ông Kim Jong-un đã bị đưa ra khỏi Bình Nhưỡng. Một lý do khác là có thể một số quan chức cấp cao toan đào tẩu nên chính quyền đóng tất cả đường thoát như sân bay và biên giới”.
Một giả thuyết nữa là đang có thanh trừng ở Bình Nhưỡng dù không dữ dội như đợt xử tử ông Jang Song-thaek, dượng của ông Kim Jong-un, vào tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, tạp chí Time của Mỹ dẫn lời những chuyên gia khác cho rằng tin đồn đảo chính hay thay đổi quyền lực ở Triều Tiên là không có cơ sở. Chuyên gia Andrei Lankov, người từng học ở Bình Nhưỡng trong những năm 1980 và nay dạy học tại Hàn Quốc, nói ông Kim có thể đang được điều trị và chắc chắn vẫn nắm quyền quyết định mọi chuyện.
Còn chuyên gia Delury lập luận nếu quả thực tình hình đang nước sôi lửa bỏng thì các quan chức ngoại giao Triều Tiên không thể tăng cường hoạt động trong những tuần qua.
Câu trả lời đang được các nước láng giềng chờ đợi tại lễ kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10-10 tới. Việc ông Kim Jong-un xuất hiện hay không sẽ dập tắt hoặc tiếp tục thổi bùng tin đồn.
HUỆ BÌNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét