“So với các nước đang sử dụng vốn ODA, thế giới đánh giá chúng ta ở mức trung bình khá. Chúng ta được đánh giá cao hơn Châu Phi, Ukraine. Phía Nhật Bản cũng đánh giá việc sử dụng ODA của ta tương đối nghiêm túc".
|
TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế (Ảnh Nguyễn Dũng) |
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Phó chủ nhiệm UBKT – TS kinh tế Nguyễn Đức Kiên chia sẻ với PV báo điện tử Infonet xung quanh câu chuyện "Nhật Bản tạm dừng cấp vốn ODA đối với Việt Nam".
Gần đây báo chí Nhật Bản đưa tin về việc phía Nhật Bản tạm dừng cấp vốn ODA đối với Việt Nam. Giả sử nếu có việc này xảy ra sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các dự án đang triển khai, thưa ông?
Tất nhiên có ảnh hưởng, như tới thời hạn thanh toán mà không có tiền, dẫn tới chậm thanh toán, hoặc phải để tới kỳ sau, rồi người ta phải tạm ứng tiền để mua nguyên vật liệu. Nhưng việc này không tới mức công trình đó bị sập hay không thể đưa vào sử dụng. Bởi vì phía Nhật Bản cũng biết phải dừng tới mức độ nào để công trình đó đảm bảo chất lượng.
Trước nghi án nhận hối lộ từ phía nhà thầu JTC Nhật Bản, việc quan trọng nhất chúng ta cần phải làm lúc này là gì, thưa ông?
Bây giờ tất cả các bên, các bộ phận đều phải làm theo đúng luật. Vì đây là một chuỗi sự việc chứ không phải một việc đơn lẻ. Trong lúc như thế này, mình càng phải bám vào những quy định pháp lý thì mới giải quyết được vấn đề.
Ông có suy nghĩ thế nào trước nghi án quan chức đường sắt Việt Nam nhận hối lộ từ nhà thầu Nhật Bản?
Chúng ta phải nhìn nhận, việc nhận hối lộ do phía Nhật phát hiện là một việc hết sức bình thường. Thực ra vụ việc này được phát hiện qua giám sát thuế của họ. Hiện chúng ta chưa kiểm soát được thuế thu nhập cá nhân qua tài khoản, vì mình còn sử dụng tiền mặt nhiều quá.
Chúng ta cũng đừng nghĩ chỉ ở ta mới có sai phạm trong sử dụng vốn ODA. Nhiều nước khác cũng có, thậm chí quốc gia nào cũng có. Đó là điều tất yếu xảy ra.
Chúng ta phải thấy, trong tổng số hàng trăm dự án ODA của ta mà chỉ có một vài dự án bị sai phạm cũng là điều tích cực. Điều quan trọng là khi bị phát hiện, chúng ta đã xử lý nghiêm, đó cũng là mặt rất tích cực.
Đương nhiên không thể nói chúng ta đã chuẩn, vì chúng ta đang chuyển từ nền kinh tế tiền mặt sang kinh tế phi tiền mặt. Đó là hạn chế của mình. Chúng ta đang từ nước nông nghiệp chuyển lên công nghiệp nên sẽ có trục trặc một chút.
Sau vụ việc của ông Huỳnh Ngọc Sỹ, phía Nhật Bản vẫn tiếp tục viện trở vốn ODA cho Việt Nam. Điều này nói lên điều gì, thưa ông?
Vì họ thấy ta làm kiên quyết! Cơ chế của nền kinh tế có thể khiến ta chậm phát hiện ra tiêu cực, nhưng khi phát hiện ra chúng ta làm rất nghiêm, dù bất kể đối tượng đó là ai. Vì thế nên họ vẫn tiếp tục ủng hộ chúng ta.
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả trong việc sử dụng đồng vốn ODA của Việt Nam hiện nay?
Cái này phải có những số liệu cụ thể mới có thể đánh giá được chính xác. Không riêng gì vốn ODA, việc sử dụng vốn qua hệ số ICOR của ta vẫn cao hơn những nước cùng trình độ phát triển. Nhưng nhìn chung so với các nước đang sử dụng vốn ODA, thế giới đánh giá chúng ta đang ở mức trung bình khá. Chúng ta được đánh giá cao hơn Châu Phi, Ukraine.
Phía Nhật Bản cũng đánh giá việc sử dụng vốn ODA của chúng ta là tương đối nghiêm túc. Những gì cam kết chúng ta đều thực hiện. Tất nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn có "rơi vãi", nhưng họ cũng hiểu điều đó cũng có phần lỗi của họ. Như câu chuyện vừa qua có phần lỗi của cả hai bên.
Vậy chúng ta phải làm gì và có thể nâng cao hơn nữa hiệu quả từ việc sử dụng vốn ODA không, thưa ông?
Làm được chứ. Chính vì vậy chúng ta phải ban hành Luật đầu tư công để quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, từng bộ ngành. Chúng ta đã rút được kinh nghiệm từ vụ dự án Đông Tây và đã xử lý rất tốt vụ việc này. Phía Nhật Bản cũng đánh giá ta rất cao trong cách xử lý nhanh, kiên quyết của ta.
Theo ông, những vụ việc tiêu cực xảy ra trong thời gian qua có ảnh hưởng tới niềm tin của các đối tác dành cho Việt Nam?
Họ sẽ nhìn vào cách chúng ta ứng xử với từng vụ việc sai phạm cụ thể chứ không phải vì thế mà họ mất niềm tin vào mình.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dũng (ghi