Theo thống kê mới nhất từ Bộ Nội vụ Nepal, số người thiệt mạng trong trận động đất tại Nepal đến nay đã tăng lên hơn 2.000. Giới chức Nepal ngày 26/4 đã lên tiếng kêu gọi các nước nhanh chóng hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả trận động đất.
Trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter cũng đã làm hơn 10.100 người khác bị thương và ảnh hưởng hơn 6 triệu người trên toàn Nepal. Ước tính thiệt hại do trận động đất đến nay đã lên đến con số hàng tỷ USD. Trong số 20 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thủ đô Kathmandu, các thành phố Gorkha, Lamjung, Dhading và nhiều địa phương khác.
Hơn 2.000 người thiệt mạng sau trận động đất (ảnh: EPA)
Động đất cũng đã đẩy hàng nghìn người phải ngủ ngoài trời, trên các vỉa hè, công viên hoặc bãi đất trống trong điều kiện thời tiết giá lạnh do nhiều khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có thành phố Kathmandu đã bị biến thành bình địa.
Hoạt động cứu hộ vẫn đang được xúc tiến suốt đêm qua theo hai mũi, tìm kiếm những người còn sống sót trong các đống đổ nát và cứu trợ những người còn sống.
Lực lượng cứu hộ Nepal thậm chí đã phải dùng cuốc và tay không để đào các đường hầm vào một số tòa nhà bị sập, với hy vọng tìm kiếm những người còn sống sót do các máy ủi đất không thể tiếp cận được các dãy phố hẹp. Ít nhất 15 người đã được cứu sống.
Theo ông Santosh Nepal, một quan chức quân đội Nepal, ông tin rằng vẫn còn rất nhiều người bị mắc kẹt trong các đống đổ nát đã bị san phẳng.
Số người thiệt mạng và bị thương tăng cao đột biến đã khiến các bệnh viện tại Kathmandu bị quá tải trầm trọng. Nhiều trường học và trụ sở công quyền đã được trưng dụng để làm nơi ở tạm cho người dân.
Trận động đất tại Nepal còn ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng như Ấn Độ và Trung Quốc. Sau trận động đất, các đợt dư trấn còn kéo dài trong nhiều giờ đồng hộ và lan đến nhiều vùng ở miền Bắc Ấn Độ và tận thủ đô New Delhi.
Tại bang Bihar của Ấn Độ, ít nhất 42 người đã thiệt mạng vì ảnh hưởng của trận động đất, trong khi tại khu vực Tây Tạng của Trung Quốc, giới chức sở tại cũng xác nhận 17 người đã thiệt mạng, 53 người bị thương và khoảng 12.000 người phải sơ tán.
Về tình hình người Việt Nam bị ảnh hưởng của trận động đất tại Nepal và Ấn Độ, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam chiều 26/4, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal, ông Trần Quang Tuyến cho biết, hiện vẫn chưa có thông tin gì về người Việt Nam lâm nạn trong vụ động đất ở Nepal.
Hoạt động cứu hộ vẫn đang được xúc tiến suốt đêm qua (ảnh: Reuters)
Đại sứ quán Việt Namvẫn đang liên lạc với cơ quan chức năng ở Nepal để cập nhật tình hình đồng thời kêu gọi người dân có thân nhân đang mắc kẹt ở Nepal chủ động gọi điện cho đường dây nóng của đại sứ quán để được hỗ trợ.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát thông tin và liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của cả Ấn Độ và của cả Nepal để tìm hiểu thông tin về người Việt Nam ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Chúng tôi cũng đã đưa số điện thoại về hỗ trợ về bảo hộ công dân lên các trang web, các phương tiện thông tin đại chúng, đưa lên facebook của sứ quán để có yêu cầu, nhu cầu gì cần được hỗ trợ từ phía sứ quán thì mọi người có thể liên hệ theo số điện thoại đó và có thông tin gì về người Việt Nam, tình trạng như thế nào, ở khu vực nào cần thông tin đến như vậy để sứ quán tìm cách hỗ trợ”, ông Tuyến nói.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 26/4, Bộ trưởng Thông tin Nepal Minendra Rijal đã lên tiếng kêu gọi các nước nhanh chóng hỗ trợ nước này khắc phục hậu quả trận động đất. Ông Rijal cũng nhấn mạnh Nepal đang trong thời điểm khủng hoảng và cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Lực lượng cứu hộ Mỹ chuẩn bị đồ đến Nepal (ảnh: AFP)
Phản ứng trước đề nghị của Nepal, cộng đồng quốc tế cũng đã nhanh chóng gửi hàng cứu trợ đến quốc gia Nam Á này nhằm khắc phụ hậu quả trận động đất.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong một tuyên bố cho biết, Singapore sẵn sàng hỗ trợ Nepal đối phó với hậu quả của động đất. Ngay trong chiều nay, Lực lượng Phòng không Singapore đã cử một đội cứu hộ và tìm kiếm tới các khu vực bị ảnh hưởng của động đất tại Nepal.
Pakistan ngày 26/4 cũng đã đưa một máy bay C-130 chở theo một bệnh viện dã chiến gồm 30 giường bệnh, cùng nhiều bác sĩ quân y, các chuyên gia và nhiều hàng cứu trợ gồm thực phẩm, lều trại và màn tới Nepal. Trước đó, Nauy, Đức, Pháp, Israel và Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ cũng đã chuyển hàng cứu trợ và cử các chuyên gia y tế tới để hỗ trợ Nepal./.
Hồng Nhung, Phương Anh/VOV- Trung tâm TinTổng hợp