Theo
Quân đội Nhân dân
Trưng bày bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đợt trưng bày sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
> 'Bản đồ cổ đã đập tan những luận điệu của Trung Quốc'
Từ tháng 8 đến tháng 11/2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (216 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trưng bày tấm bản đồ Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ tại phòng trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa biển Việt Nam. Đây là bản đồ do tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng, sau lễ tiếp nhận vào ngày 25/7, Bảo tàng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo giới truyền thông và khách tham quan. Nhiều người dân mong muốn được chứng kiến tận mắt bằng chứng quan trọng khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
"Thông qua trưng bày này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo", tiến sĩ Cường cho hay.
|
Tấm bản đồ được đánh giá "có yếu tố mới về mặt pháp lý". Ảnh: BTLS. |
Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (Toàn bộ bản đồ địa lý của đất nước) là tập bản đồ Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904, tái bản năm 1910. Bản đồ này xác định đảo Hải Nam là điểm cực nam lãnh thổ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các quần đảo ở Biển Đông như Hoàng Sa, Trường Sa nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ được in màu, tạo nên từ hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng khoảng 20x30cm.
Theo tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, một trong những giá trị lớn mà ông đánh giá cao là sự nghiêm túc, đầu tư công phu về tư liệu để phục vụ cho việc lập bản đồ với thời gian dài lên đến gần 200 năm, bắt đầu từ thời vua Khang Hy và chỉ được hoàn tất cho xuất bản vào năm 1904. Theo ông, tấm bản đồ này được lập với khối tư liệu đồ sộ, được nhà vua Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Nó không chỉ tập trung trí tuệ của các nhà khoa học phương Tây mà cả Trung Quốc, cho thấy tính nghiêm túc, chính thống và giá trị khoa học của người Trung Quốc đối với bản đồ hiện đại đầu tiên được in ấn, làm theo thiết kế, kỹ thuật của phương Tây, đặc biệt với tỷ lệ xích chính xác.
"Đây không phải bản đồ của tư nhân, của địa phương nào mà do vua cùng với các nhà khoa học nghiên cứu khảo sát lâu dài làm ra. Do đó, đây là một cứ liệu lịch sử không thể chối cãi", tiến sĩ Mai Ngọc Hồng khẳng định.
Còn Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho hay bản đồ "có yếu tố mới về mặt pháp lý". Đây là bản đồ được Trung Quốc vẽ theo phương thức hiện đại của phương Tây, khác với cách vẽ theo cách riêng trước kia, có ghi rõ tọa độ, phù hợp với ngôn ngữ bản đồ hiện nay.
Bản đồ cổ đã đập tan những luận điệu của Trung Quốc'
Những tấm bản đồ như “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” đã vạch rõ, đập lại luận điệu mà Trung Quốc vẫn rêu rao, tạo lợi thế cho Việt Nam nếu đưa vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ra đàm phán hoặc lên tòa án quốc tế.
> Bản đồ Trung Quốc ghi đảo Hải Nam là cực nam/ 8 bản đồ cổ chứng minh Trung Quốc không có Hoàng Sa
Là người từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về luật biển tại Bỉ, ông Nguyễn Toàn Thắng, cho rằng, những tấm bản đồ cổ như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ hoàn toàn có thể sử dụng được trong quá trình đàm phán với Trung Quốc. Đây là một chứng lý có lợi cho Việt Nam khi đặt trong hồ sơ đến cơ quan tài phán quốc tế.
Tuy nhiên, tiến sĩ Thắng lưu ý, đây chỉ là một loại bằng chứng và giá trị không phải ở tính riêng rẽ. Muốn khẳng định và thuyết phục được về chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại cơ quan tài phán quốc tế, thì Việt Nam phải có hồ sơ đầy đủ bằng chứng về pháp lý, lịch sử, tài liệu cho đến việc chiếm hữu trong thực tế. Các loại bằng chứng này bổ trợ cho nhau thì mới có giá trị.
|
Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ ấn hành năm 1904 với cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Ảnh: N.H. |
“Việt Nam phải chứng minh được toàn bộ quá trình lịch sử là mình chiếm hữu như thế nào, thực thi việc quản lý ra sao, có liên tục không... Không thể dựa vào một bằng chứng mà khẳng định ngay được”, ông Thắng phân tích.
Chuyên gia ngành luật quốc tế này cho hay, để chứng minh chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông, Trung Quốc cũng có những cách làm riêng rất đáng lưu tâm. Đơn cử như việc thay vì trưng ra các bản đồ tương tự như Việt Nam tìm thấy thì Trung Quốc đẩy mạnh tìm kiếm các di vật khảo cổ ở Hoàng Sa như một cách để phản hồi. Dù cách làm này không đi sâu về mặt pháp lý (và thậm chí không loại trừ việc phát hiện di vật là “ngụy tạo”) song, tiến sĩ Thắng cho rằng, nó có tác dụng về mặt tuyên truyền kiểu như phổ cập thông tin "xuất hiện, có mặt trên thực địa trước". Dư luận vì thế sẽ cho rằng Trung Quốc cũng có lý.
“Đó là một 'chiêu' tuyên truyền để lấy dư luận, còn giá trị pháp lý thì phải tranh luận chứ không khẳng định ngay được. Trong thực tế, bên nào chứng minh được việc quản lý nhà nước trong thời gian dài hơn, thuyết phục hơn thì đấy là bằng chứng quan trọng để xem xét”, tiến sĩ Thắng nói.
Chia sẻ quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, ông Hoàng Việt (Quỹ nghiên cứu Biển Đông) cho rằng, với các tấm bản đồ cổ được công bố trong thời gian qua để đưa ra tòa án quốc tế là một câu chuyện dài. Đi kèm với các bản đồ đó còn cần rất nhiều chứng lý khác, đặc biệt là về việc thực thi chủ quyền.
Tuy nhiên, những bằng chứng như Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ đã góp phần vạch rõ, đập lại luận điệu mà từ trước tới nay Trung Quốc vẫn rêu rao rằng, mình là người đầu tiên phát hiện, nghiên cứu, đo vẽ về Hoàng Sa, Trường Sa. “Trung Quốc đến đó lúc nào, đến bằng cái gì, Có ghi lại đâu? Theo logic, khi anh đã đưa ra bằng chứng không chính xác, làm sao anh kết luận được?”, ông Việt phân tích.
|
Trong khi đó, trong An Nam đại quốc họa đồ ấn hành từ đầu thế kỷ 19 đã có xác định vị trí quần đảo Hoàng Sa với tên gọi Paracel - Cát Vàng (mũi tên chỉ). Ảnh: Tư liệu. |
Theo ông, qua các triều đại Trung Quốc, có rất nhiều bản đồ được lưu lại nhưng tất cả bản đồ trước năm 1909 đều không nói tới Hoàng Sa, Trường Sa. Không chỉ thế, từ chính sử cho tới địa phương chí cũng không nhắc tới hai quần đảo này. Những cái Trung Quốc rêu rao gần đây chỉ là “ngụy tạo, bịa đặt”. Trong hoàn cảnh đó, những bản đồ cổ được công bố trong thời gian qua là lợi thế để làm cho dư luận, làm cho thế giới hiểu đúng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Theo học giả Dương Danh Dy, bản đồ vừa được tiến sĩ Mai Ngọc Hồng công bố, trao tặng bảo tàng lịch sử Quốc gia là một “bằng chứng thật”. Nó ngay lập tức khiến dư luận Trung Quốc lúng túng. Tuy nhiên, ông Dy lưu ý, có những giai đoạn dài, Việt Nam đã buông lỏng trận địa truyền thông về chủ quyền biển đảo, để mặc Trung Quốc lũng đoạn. |
Nguyễn Hưng
Học giả Lý Lệnh Hoa: “Trong dòng thác kinh tế toàn cầu nhất thể hóa hiện nay, việc kiên trì cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” là lỗi thời và không cần thiết”.