Những tố chất “khó tin nhưng có thật” làm nên một “chỉnh thể” Phạm Xuân Nguyên. Và
nếu khuyết đi bất kỳ tố chất nào trong số đó, xem ra anh sẽ kém đi phần
nhiều sức hấp dẫn, dưới góc nhìn soi chiếu đa chiều của công chúng….
Xin
được mạn phép “cầm nhầm” tên một chuyên mục khá hấp dẫn bạn đọc trên tờ
báo An ninh thế giới cuối tháng để nói về “Nguyên đầu bạc”. Bởi trong
giới cầm bút, anh là một “ca” rất lạ. Lạ từ hình thức bên ngoài đến nội
dung bên trong. Lạ trong cả những câu chuyện đời - nghiệp đậm màu giai
thoại mà thiên hạ vẫn đồn đại giăng giăng, bạn bè thân sơ thi nhau “liệt
kê tội trạng”. Lạ ở ngay cái ranh giới chông chênh rất đỗi mong manh,
khó đoán định giữa hai bờ thực - ảo, thật – hư của những mẩu vụn chi
tiết, vốn chỉ có tác dụng duy nhất là thêm chút dư vị đậm đà khó quên
cho những buổi trà dư tửu hậu.
“Một kẻ làm phê bình ngơ ngác”
Đó
là nét tự họa mà cây bút phê bình văn học nổi danh phác thảo về mình.
Đã có lúc Nguyên còn nổi hứng làm thơ để “tự bạch” cùng đám đông, đại
loại như “tôi sống nhiều khi như ngơ ngẩn/ vô tư không biết để làm gì”.
“Ngơ
ngác, ngơ ngẩn, vô tư” xem ra đều là những tính từ khá xa lạ với cái
nghiệp phê bình vốn dĩ mang sứ mệnh làm “ngọn roi quất cho con ngựa sáng
tác phi nước đại”. Nguyên bảo, người mới gặp lần đầu luôn mặc định anh
là “kẻ khó chơi”. Bởi những cây bút phê bình xưa nay thường sắc sảo, dám
nói, dám phê, dám thể hiện chính kiến của riêng mình. Đã thế, Nguyên
còn chính danh “đồ gàn xứ Nghệ”, vốn sâu sắc, thâm trầm. Chỉ những bạn
bè chơi với anh và được anh hết mình chơi lại mới mạnh mồm tuyên bố,
“Nguyên sống cực kỳ hồn nhiên”.
Và
có lẽ nhờ cách sống hồn nhiên đến ngơ ngác ấy, Nguyên có bạn – toàn
người yêu quý anh hết mực - ở khắp mọi nơi. Thuộc những giới xa lạ với
chữ nghĩa đã đông, người trong giới văn chương - đối tượng “mổ xẻ” của
Nguyên trở thành bạn thân với anh cũng không thiếu, dù mối quan hệ sáng
tác – phê bình vốn xưa nay mấy khi “cơm lành canh ngọt”. Nguyên cười,
“chắc tại tôi có cái mặt chơi được”.
Những
bài viết của Nguyên, sai đúng đến đâu còn phải bàn nhưng đều in đậm dấu
ấn con người anh. “Nhà phê bình cần tri thức và bản lĩnh, tôi có cả
hai” – Nguyên tuyên bố “xanh rờn” và làm được đúng như điều anh nói.
Phía sau những con chữ luôn ẩn chứa thái độ khen chê thẳng thắn nhưng
chân tình của một người chịu học, chịu đọc, với bề dày kiến thức đáng nể
và cung cách lập luận luôn khiến độc giả “tâm phục khẩu phục”. “Gã đầu
bạc” lý giải, “tôi không bao giờ lẫn lộn tình cảm với công việc. Mặc
thân sơ, yêu ghét ngoài đời, khi ngồi trước màn hình máy tính, tôi luôn
quên đi cái tên tác giả và chỉ duy nhất quan tâm tới nội dung văn bản mà
thôi”.
Anh
vẫn nhớ như in tiêu đề bài viết nhập môn phê bình Từ địa phương miền
Trung trong thơ Tố Hữu được đăng tải trên Tạp chí Sông Hương từ năm
1984. Hai năm sau, anh lính mới vào nghề đã dám “ti toe” cãi lại hai tên
tuổi nổi tiếng Trần Đình Sử và Lại Nguyên Ân, khi đưa ra hướng lập luận
khác về con đường hình thành một cá tính thơ trẻ con của “thần đồng”
Trần Đăng Khoa. “Hồi ấy, tôi cứ tự nhiên nhi nhiên mà viết, đúng sai là
do lập luận của mình, có vẻ như điếc không sợ súng, nhưng mà đấy là tính
tôi”, Nguyên gật gù nhớ lại.
Rồi
nghiệp phê bình theo anh đến tận bây giờ, thấm thoắt cũng đã gần ba
thập kỷ, vẫn sắc bén trong từng con chữ và vẫn vẹn nguyên vẻ “ngơ ngẩn”
giữa đời thường. Nguyên rất khoái bốn câu thơ ông bạn Hoàng Nhuận Cầm đề
tặng, “Kiếp sau vứt bút phê bình/ Làm tên thi sĩ thất tình mà chơi/ Trả
trang trắng giấy cho người/ Biết đâu Từ Thức vẫn ngồi đợi anh”. Nói
thế thôi chứ cho dù ham đi, thích nhậu nổi tiếng như Nguyên, lo anh một
ngày quyết định “vứt bút phê bình” xem ra chẳng có tí cơ sở nào đủ sức
thuyết phục.
“Dịch giả câm điếc”
Cây
bút trẻ Di Li đã từng xúi “gã đầu bạc” làm hồ sơ đề nghị ghi danh vào
sách kỷ lục Guinness như một dịch giả thành thạo chuyển ngữ được cả ba
thứ tiếng Nga – Anh – Pháp nhưng không thể nghe hiểu và cũng chẳng thể
giao tiếp nổi một câu bằng cả ba ngôn ngữ này. Tò mò hỏi anh về câu
chuyện rất khó tin đó, Nguyên gật đầu cái rụp.
Ngoài
ít ỏi tiết học tiếng Nga được thầy cô truyền dạy dưới mái trường cấp
III Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) hồi học chuyên toán, dịch giả từng “tiêu
hóa” được những tác giả “vô cùng xương xẩu” như Milan Kundera, Haruki
Murakami, Jean-François Lyotard… đã chinh phục cả ba ngoại ngữ chỉ đơn
thuần nhờ tự học. Thời là sinh viên K20, khoa Văn ĐH Tổng hợp, vừa học
tiếng Nga, Nguyên vừa mượn giáo trình tiếng Pháp tự mày mò lấy. Ngày đó,
anh luyện tập bằng cách không bao giờ chuẩn bị trước bài khóa từ nhà.
Lên giảng đường, thầy yêu cầu dịch bài nào là anh cầm văn bản chuyển ngữ
luôn. Ba năm đi lính cũng là lúc Nguyên nạp xong cùng lúc cả Anh – Pháp
– Nga, lẽ dĩ nhiên chỉ trên văn bản. Hỏi sao không đầu tư bổ sung kỹ
năng nghe nói, Nguyên cười sảng khoái, “tôi xác định từ đầu, rằng số
mình chắc khó xuất ngoại. Đã thế với chất giọng Nghệ cha sinh mẹ đẻ nằng
nặng của tôi, nói tiếng Việt nghe còn thấy khó huống chi…”
Tác
phẩm dịch của Nguyên đều lấy bút danh Ngân Xuyên. Hỏi xuất xứ cái tên
là lạ này, anh cười, “người miền Trung hay nói lái, Xuân Nguyên bẻ ngược
thành Xuyên Nguân, bỏ nốt chữ u là có ngay tên mới”. Ngoài sách dịch,
giờ này Nguyên vẫn chưa hề có một đầu sách của riêng mình, dù kế hoạch
xuất bản với cả loạt cái tên chơi chữ (Nguyên Văn – viết, Nguyên Ngữ -
dịch, Nguyên Luận – tranh cãi phê bình) đã được ấp ủ cỡ dăm bảy năm rồi.
“Tôi cứ sống phất phơ thế này, NXB hối thúc suốt ngày mà bản thảo mãi
không hoàn thành nổi. Người ta gọi tôi là con nợ của nhân gian chẳng sai
tí nào”.
Năm
2002, Nguyên nhận được lời mời đi Pháp ba tháng theo chương trình dành
cho các dịch giả của Bộ Văn hóa Pháp. Sang tới Paris, khi đi làm thủ tục
đăng ký chương trình, anh không nói được một câu tiếng Pháp nào ra hồn,
khiến người ta ngờ có khi khách mời “bị nhầm”. May có một giáo sư người
Việt sống ở Pháp lâu năm anh nhờ đi cùng đã đỡ lời cho. Ấy vậy mà ngay
đêm đầu tiên ở Paris, Nguyên đã lang thang khắp phố phường kinh thành
ánh sáng đến tận khuya khiến bà chủ nhà nơi anh ở được một phen lo lắng,
sợ anh lạc tận đâu đâu.
Ba
năm sau đó, khi lại được mời sang Pháp tham dự cuộc hội thảo về nhà văn
Pháp gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện, giải Nobel văn học 2000, Nguyên rơi
vào tình huống chẳng biết nên khóc hay cười với bản tham luận. Phần viết
tiếng Việt, với cú pháp vô cùng phức tạp đúng chất Phạm Xuân Nguyên
được chuyển ngữ sang tiếng Pháp, với độ dài xấp xỉ chục trang. Một giáo
sư xã hội học người Việt ở Pháp lắc đầu, “không được, đọc hết cái thứ
này thì vất vả cho ông ấy và cũng tra tấn lỗ tai người nghe lắm”. Quyết
định sáng suốt được đưa ra, lược bỏ phân nửa nội dung, câu phức hợp “hô
biến” thành câu đơn, ban tổ chức cho nửa tiếng thì chỉ sử dụng 15 phút.
Rồi Nguyên cũng chật vật hoàn thành “điệp vụ bất khả thi” ấy. Hỏi cử tọa
liệu có hiểu, anh thở dài, “ấn tượng mà cái giọng trọ trẹ của tôi để
lại cho họ thật vô cùng khủng khiếp”.
Tiến
sĩ Nguyễn Xuân Diện trong một lần sang Tokyo công tác gặp Phạm Xuân
Nguyên đang ở đó đã kỳ công sáng tác hẳn một bài ca trù Bỡn Phạm Xuân
Nguyên đi khắp năm châu bằng tiếng Nghệ mà bốn câu Mưỡu đã hóm hỉnh vẽ
nên chân dung không đụng hàng của dịch giả “độc nhất vô nhị”. “Không đi
thì chợ không đông/ Đi thì nào biết nói năng thế nào/ Dù ai tiếng Ý tiếng Lào/ Riêng choa tiếng Nghệ, ai nào dám chê!”
Mặc
ai trêu chọc, Nguyên chưa bao giờ lấy chuyện “câm điếc ngoại ngữ” của
mình làm điều. Chỉ đôi chút tiếc nuối, “nếu tôi mà biết nghe biết nói
thì còn đi được nhiều nữa, còn kết giao được với đông đảo bạn bè nữa.
Tính tôi vô tư, dễ giao tiếp, dễ hòa đồng, đi đến đâu là thêm bạn ở đó.
Thôi cứ thuận theo tự nhiên, Trời cho đến đâu hưởng đến đó”.
“Viện Văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình”
Nguyên
“sở hữu” nhiều sự lạ đến mức ngược đời, “khó tin nhưng có thật” mà câu
vè tồn tại bao năm ở Viện Văn học nói trên là một ví dụ điển hình. Hiện
là Trưởng phòng Nghiên cứu văn học so sánh của Viện Văn học nhưng trong
thời buổi loạn chức danh, sính học hàm học vị, anh vẫn “bình chân như
vại” là một cử nhân trong khi ai cũng tưởng Nguyên mèng mèng cũng GS, TS
từ lâu rồi. Bạn bè tếu táo, “Viện Văn chỉ có hai người không có bằng
Tiến sĩ – Phạm Xuân Nguyên và bà bán nước chè đầu cổng”. Cử nhân nhưng
nhiều người làm luận án tiến sĩ đều đến mượn sách, tham vấn. Cử nhân
nhưng rất đắt sô đi dạy, đi nói chuyện với cử tọa đều từ trình độ….cử
nhân đổ lên!
Là
tên tuổi tung hoành trong lĩnh vực phê bình – dịch thuật đã mấy chục
năm với rất nhiều bài viết và khá nhiều đầu sách dịch mang bút hiệu Ngân
Xuyên, hiện nay lại còn đang ngồi ghế Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội,
nhưng khối người chưng hửng khi biết Nguyên chưa hề là hội viên Hội nhà
văn VN. “Tiêu chí của tôi là được sống theo ý mình, được làm những điều
mình thấy đúng. Chuyện trọn đời là cử nhân, chuyện không viết đơn xin
vào Hội nhà văn là lựa chọn của riêng tôi. Ai bảo đồ gàn, ai khích bác
cũng chẳng sốt ruột hay xấu hổ.” Về chuyện này, nhà văn Di Li trong bài
viết khá tường tận về Nguyên đã bình luận, “chỉ những người rất tự tin
vào tri thức của mình, chỉ những người đã có danh tiếng, danh vị mà coi
nó như thứ phù du mới có thể đứng giữa thiên hạ mà ngang đến như thế”.
Bạn
bè đồn thổi về Nguyên bằng nhiều giai thoại, độ chính xác bao nhiêu
phần trăm thì không ai dám chắc. “Tỉ lệ đúng – sai 1:1” – Nguyên khẳng
định. Ví như ngoài thời gian làm công chức mẫn cán tại Viện Văn, người
ta thấy mái đầu bạc và chất giọng Nghệ của Nguyên ở khắp mọi nơi. Anh đi
khỏe, đọc khỏe, nói khỏe và viết lách cũng khỏe. Với tốc độ mà người
khác, dù sở hữu 48 giờ mỗi ngày cũng bó tay chịu thua. Đó là còn chưa
kể, sự kiện văn học có uy tín nào cũng thấy có anh, thường là trong vị
trí … MC, từ các cuộc hội thảo ở Hội đồng Anh tới Trung tâm VH Pháp, từ
buổi ra mắt sách mới tới những buổi tọa đàm về tác phẩm – tác giả đang
gây dư luận nào đó…. Có thể nói, hiện Nguyên là MC “đắt sô” và luôn là
sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất trong mảng chuyên biệt này. Tôi đã từng
nghe nhiều nhà tổ chức khẳng định, “phải mời được gã này cầm trịch mới
thật sự yên tâm”.
Nhà
văn Phạm Ngọc Tiến từng mắng mỏ bạn mình, “đi lắm, nhậu lắm, thời gian
đọc sách vào lúc nào mà nói lắm, viết lắm thế”. Thế là có giai thoại,
Nguyên chỉ đọc trang đầu, trang giữa và trang cuối là đủ lượng chữ đổ
đầy mười trang viết phê bình. Để “thanh minh”, anh giải thích mình được
Trời cho một trí nhớ tuyệt vời. Mới đây, gặp nhau ở Ninh Bình, nghe
Nguyên đọc thơ mình liền tù tì, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm bảo với anh em
văn nghệ Huế, “thằng Nguyên hắn thuộc thơ mình ghê hỉ”. Bạn bè thì gọi
anh là “tổng đài văn nghệ”, cần gì cứ nhấc điện thoại hỏi là có ngay.
Nguyên cười, “ơn trời, trong đầu tôi folder nào ra folder ấy, cho nên
nhiều bạn bè thay vì dùng công cụ tìm kiếm Google lại gõ đầu tôi cho
nhanh”. Cộng thêm kỹ năng và thao tác đọc sách một cách khoa học, anh có
khả năng nghiền sách với tốc độ rất nhanh, rồi lưu vào bộ nhớ, rồi phân
tích bình luận cho đúng, cho trúng. Trong phê bình, anh làm việc với
văn bản vô cùng nghiêm túc, không bao giờ cho phép mình cẩu thả. Chuyện đọc qua loa vài trang đã viết bài là không tưởng.
Nhìn
bề ngoài, Nguyên mang lại cho cả người thân lẫn kẻ sơ cái cảm giác anh
là người rất “ham chơi”. Vì thế, nội chuyện rong ruổi quanh năm của
Nguyên cũng có khối điều hay. Nhìn vào những điểm đến chỉ trong một năm
mà anh liệt kê, tôi cũng thấy choáng. “Tôi chẳng biết phải sinh vào giờ
Ngọ hay không mà được phát về đường đi. Được đi và đi được, năm nào tôi
cũng đi nhiều. Năm 2010 tháng ba rong ruổi dọc miền Trung và Tây Nguyên,
tháng 5 ra quần đảo Trường Sa, tháng 6 vào Huế dự Festival Huế và ra Lệ
Thủy (Quảng Bình) thăm nơi chôn nhau cắt rốn của tướng Giáp, tháng 8 đi
mấy tỉnh vùng đông bắc Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, tháng
11 lên lễ hội ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái). Càng đi càng
say, càng ham đến được những nơi chưa từng đến”. Chỉ cần một cú điện
thoại rủ rê là Nguyên gật đầu ngay tắp tự. Nhại theo tên một bộ phim,
Nguyên cứ “chuông rung là đi”. Một người bạn đồng hành trên rất nhiều
cung đường cùng anh tên Nhất, từng hóm hỉnh miêu tả một chuyến đi khó
quên như thế này. “Lái xe là gã đầu bạc. Cả Viện Văn ai
cũng chê lão lái chập choạng. Ông Viện trưởng nói rất thật, như thể
thương và lo cho mình: Nhất dám ngồi xe cho Nguyên nó lái thật à? Lo
cũng phải, bởi xưa nay cứ nghe gã mời lên xe chở đi nhậu là mấy ông bà
giáo sư bịt miệng cười, rồi chắp tay... vái! Thấp thỏm. Nhưng rồi ngạc
nhiên. Lão múa vô lăng điệu nghệ như thế mà sao chẳng ai tin nhỉ? Đụng
mấy tình huống sợ muốn vãi ra quần. Vậy mà gã vừa bẻ ngoặt vô lăng
vừa... đọc thơ. Quen rồi. Bởi con người gã, cái mọi người coi không thể
lại là điều có thể (và ngược lại). Chuyện “tay lái lụa” của Nguyên, hóa
ra tưởng là giai thoại, nhưng lại là có thật. Đúng là với anh, chuyện gì
cũng đều là có thể, dù thoạt nghe thoạt nhìn tưởng như trái ngược, khó
tin.
Cũng
vì mái đầu bạc đặc trưng, Nguyên cũng đã gặp khối tình huống tức cười
mà chuyện thường nhật là bị nhầm với ông nghị, sử gia nổi tiếng Dương
Trung Quốc. “Ở ngoài nhìn bác trẻ đẹp hơn trên TV” là câu mà anh thường
xuyên phải nghe. Nói đi nói lại rằng không phải mà chẳng
ai chịu. Cực chẳng đã, anh hài hước nhận mình là Dương Trung Nguyên, em
ruột ông Quốc, mà dân tình vẫn nhất quyết không tin, Nguyên đành vắt óc
tìm ra một dấu hiệu phân biệt đầy thuyết phục, “này nhé, tôi cũng tóc
bạc, ria bạc nhưng vì ít tuổi hơn nên lông mày vẫn đen. Ông anh tôi,
tuổi đã cao nên bạc đều … toàn tập”.
Cũng
lại theo ông bạn thân tên Nhất, một lần: “Nhận phòng. Cô lễ tân hỏi:
anh lấy một phòng VIP, một phòng cho... lái xe? Tôi cười: phòng anh
phòng VIP, còn lái xe của anh là phòng VIP của VIP. Khi thấy ”tay lái
xe” đến gần, mấy cô mới há hốc mồm: Ơ ơ, hôm nay Quốc hội đang họp mà
bác đi nghỉ à? Đến lúc đó thì tôi hiểu vì sao suốt chặng đường, gặp mấy trạm cảnh sát, họ đều nhoẻn miệng cười cho qua”.
Về
lĩnh vực chuyên môn, “hai anh em” nổi tiếng ngang nhau. Nhưng nhờ độ
phủ sóng rộng khắp của truyền hình, những phiên chất vấn nóng bỏng tại
nghị trường luôn được nhà đài truyền trực tiếp tới người dân nên chuyện
nhầm lẫn nhà phê bình thành nhà sử học sẽ vẫn là câu chuyện dài chưa có
hồi kết.
Hồ Cúc Phương