(Tin Nóng) Căn cứ Cam Ranh của Việt Nam từng là nơi hai quân đội hùng mạnh nhất thế giới trú đóng, gồm Mỹ từ 1965 - 1972 và Liên Xô lâu hơn, đến 23 năm từ 1979 đến 2002, theo TASS ngày 18.2.2015. Gần đây Việt Nam và Nga đã ký thoả thuận đơn giản hoá thủ tục cho tàu chiến Nga ghé cảng Cam Ranh.
Cam Ranh từng là cơ sở hậu cần quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga trong 23 năm - Ảnh: Tranh vẽ mô tả hoạt động của tàu Liên Xô lúc đóng ở Cam Ranh năm 1985 - Nguồn: Wikipedia
|
Từ 8.11.1965, Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân và không quân lớn nhất của Mỹ ở Nam Việt Nam. Đến năm 1972, căn cứ này được Mỹ chuyển lại cho quân đội Việt Nam Cộng hoà sử dụng cho đến ngày 3.4.1975.
Vào ngày 2.5.1979, Liên Xô và CHXHCN Việt Nam ký hiệp ước cho phép Liên Xô sử dụng căn cứ Cam Ranh miễn phí, biến nơi này thành điểm hậu cần của Hải quân Liên Xô, theo TASS. Liên Xô đã nâng cấp cơ sở vật chất sân bay, bến cảng, xây dựng cơ sở hậu cần, trạm radar, các phương tiện trinh sát điện tử, biến Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô (sau này là Nga) ở nước ngoài với tổng diện tích 100 km2.
Cam Ranh trở thành trụ sở đóng quân của phi đội số 15 của Hạm đội Thái Bình Dương, đội tàu hậu cần, Trung đoàn không quân hỗn hợp 169 (bao gồm các máy bay ném bom Tu-16, Tu-95MR và Tu-95RC, Tu-142, tiêm kích MiG-23MLD, trực thăng Mi-14PL). Số lượng các chuyên gia và binh lính Liên Xô cùng các thành viên gia đình của họ cao điểm đạt đến 10.000 người.
Căn cứ Cam Ranh cũng là nơi tân trang sửa chữa tàu chiến sau các chuyến đi biển dài ngày.
Từ trái sang: Hai tàu ngầm lớp 641 và tàu ngầm lớp 613 của Liên Xô đậu tại Cam Ranh năm 1984 – Nguồn: submarines.narod.ru
Máy bay ném bom chiến lược Tu-142M tại Cam Ranh thập niên 1980 - Ảnh: ru.wikipedia.org
|
Sau năm 1989, tại Cam Ranh số lượng quân nhân Liên Xô đã giảm đáng kể, việc trú đóng thường trực của các tàu chiến đã không còn tiếp tục. Năm 1991, trung đoàn không quân đã giảm lực lượng xuống còn một phi đội, và sau đó là rút khỏi nơi đây. Các bộ phận của các dịch vụ không lưu tại Cam Ranh vẫn có khả năng tiếp nhận các máy bay đến và đi.
Vào ngày 17.10.2001, sau cuộc làm việc giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga, một thông báo phát ra cho biết Nga quyết định rút khỏi căn cứ Cam Ranh từ ngày 1.1.2002. Động thái này được giải thích là do "có sự thay đổi về tình hình quân sự - chính trị trên thế giới và để tiết kiệm tài chính cho quân đội và hải quân" (theo các phương tiện truyền thông dẫn nguồn từ bộ Tham mưu Hải quân, chi phí hàng năm của Nga ở Cam Ranh tốn khoảng 1 tỉ USD). Văn bản bàn giao căn cứ Cam Ranh cho Việt Nam đã được ký kết tại Hà Nội ngày 2.5.2002.
Từ tháng 5.2004, Cam Ranh được chuyển đổi trở thành cảng thương mại và sân bay dân dụng. Lúc này Cam Ranh vẫn đóng vai trò là căn cứ quan trọng nhất hỗ trợ cho lực lượng Hải quân Việt Nam.
Một đơn vị Liên Xô thời ở Cam Ranh - Ảnh: TASS
|
Ngày 7.11.2012, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã bàn về việc sử dụng các cơ sở hậu cần tại cảng Cam Ranh.
Đến ngày 13.5.2013 tại Kaliningrad (Nga), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu rằng Việt Nam sẽ đơn giản hoá thủ tục cho các tàu chiến Nga vào Cam Ranh để bảo dưỡng.
Vào ngày 12.11.2013, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Việt Nam và Nga ký thoả thuận thành lập một cơ sở điều hành chung về bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm 73 Cam Ranh.
Từ 17-20.6.2014, lần đầu tiên kể từ năm 2001, đội tàu chiến Nga thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đã có chuyến thăm Cam Ranh sau khi tuần ra trên Ấn Độ Dương.
Ngày 25.1.2014, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Liên bang Nga, hai nước Việt Nam và Nga đã ký hiệp định liên chính phủ về thiết lập các thủ tục đơn giản cho các tàu chiến và tàu thuyền Nga vào cảng Cam Ranh.
Cam Ranh nay là căn cứ quan trọng của Hải quân Việt Nam. Trong ảnh: Tàu ngầm 182 - Hà Nội tại bến đậu trong căn cứ Cam Ranh. Các chuyên gia Nga thường xuyên theo dõi kiểm tra con tàu này - Ảnh: Nhà máy đóng tàu Admiralty
|
Ngoài ra, theo hãng tin RIA Novosti, từ 14.2.2015 đội tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương của Nga gồm tàu chống ngầm hạng nặng Đô đốc Panteleyev, tàu tiếp nhiên liệu Pechenga và tàu kéo SB-522 từ Vladivostok thăm Cam Ranh.
Trước đó, năm 2014 lần đầu tiên các máy bay ném bom siêu thanh chiến lược Tu-160 của Nga đã bay tuần tiễu ở khu vực Biển Đông và được tiếp nhiên liệu trên không từ các máy bay tiếp xăng của Nga đậu ở sân bay Cam Ranh.
Tin Nóng