Sau sự kiện IS chặt đầu 2 con tin người Nhật Bản, Trung Quốc lại có thêm cơ sở để lo lắng về khả năng Tokyo sẽ thay đổi bản Hiến pháp Hòa bình mà nước này đã thực thi từ sau Thế chiến thứ Hai.
Theo website Want China Times, việc nhóm Nhà nước Hồi giáo IS sát hại dã man 2 con tin người Nhật Bản sẽ khiến Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành sửa đổi bản Hiến pháp Hòa bình của nước này và chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng với Trung Quốc.
Chiểu theo Hiến pháp Hòa bình, Nhật Bản sẽ không được phép thành lập một lực lượng vũ trang có thể tham chiến cũng như không thể đưa binh sĩ tới các quốc gia khác để chiến đấu hoặc tuyên bố chiến tranh tấn công bất cứ nước nào.
Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tham gia một cuộc tập trận. |
Tuy nhiên, ngay từ khi lên nắm giữ chức vụ Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 12/2012, ông Abe đã có những hành động thúc đẩy quyền phòng vệ tập thể của Tokyo. Kết quả, tới tháng 7/2014, chính phủ Nhật Bản đã thay đổi một phần nội dung trong bản hiến pháp để công nhận quyền phòng vệ tập thể của nước này.
Đặc biệt sau sự kiện phiến quân IS tại Syria chặt đầu hai công dân Nhật Bản là doanh nhân Haruna Yukawa và nhà báo Kenji Goto, Trung Quốc lại có thêm cơ sở để lo lắng rằng Tokyo sẽ nhân sự việc này để hủy bỏ bản Hiến pháp Hòa bình mà quốc gia này thi hành kể từ sau Thế chiến thứ Hai.
Mối lo của Bắc Kinh còn nhân thêm sau tuyên bố của Phó Đô đốc – Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Robert L.Thomas. Ông Thomas cho biết Washington hoan nghênh việc Nhật Bản triển khai lực lượng máy bay tuần tra khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Theo Want China Times, Nhật Bản sẽ thực hiện 3 bước để mở rộng tầm ảnh hưởng quân sự tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Thứ nhất, Tokyo sẽ hợp tác với Australia, Ấn Độ và các quốc gia thành viên trong khối ASEAN để kiềm chế Trung Quốc mở rộng phạm vi bành trướng trên Biển Đông.
Thứ hai, Nhật Bản sẽ tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự với Mỹ.
Cuối cùng, với cương vị là một đồng minh của Mỹ, Nhật Bản sẽ can thiệp vào các cuộc xung đột có khả năng xảy ra trong tương lai tại eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Want China Times, trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan). Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét