(DĐDN) - Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là thế giới trong năm mới sẽ như thế nào. Nếu nhìn nhận kỹ càng và thấu đáo thế giới trong năm cũ thì cũng có thể chỉ ra được thế giới chúng ta đang sống sẽ biến như thế nào và động ở những nơi đâu.
Cái thời cả thế giới này biến động chỉ xoay quanh có một trục đã qua rồi và chắc chắn không thể có lại được nữa. Cái gọi là "xoay quanh trục" giờ chỉ còn có ở bình diện khu vực hoặc trên những phương diện nhất định.
Chẳng hạn như ở khu vực Châu Âu, về chính trị an ninh thì diễn biến tình hình sẽ xoay quanh mối quan hệ giữa Nga với EU, Nato và Mỹ. Nhưng về kinh tế và thương mại thì lại có nhiều trục khác nhau để xoay vần biến động khi ở một phương có EU và các đối tác của EU còn ở phía khác có Liên minh kinh tế Âu - Á mới đi vào hoạt động với tâm điểm là Nga. Chuyện xảy ra ở Ucraine đã làm thay đổi cả trật tự chính trị an ninh và cục diện quan hệ tồn tại từ hơn hai thập kỷ nay. Ở châu lục này, chuyện trong năm 2015 sẽ chủ yếu xoay quanh trục quan hệ ấy, xoay quanh tình hình Ucraine, khủng hoảng chính trị nội bộ ở một số thành viên EU, sự mất giá của đồng Euro, đàm phán về thoả thuận mậu dịch tự do giữa EU và Mỹ cũng như tình hình ở Nga.
Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện đúng là nổi bật mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng rõ ràng chỉ về chính trị thế giới nói chung chứ không phải tất cả. Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cạnh tranh chiến lược nhưng nhu cầu phải hợp tác với nhau đều có ở cả hai nước này nên cạnh tranh chiến lược giữa hai nước không chi phối tất cả. Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước, trong đó có cả đồng minh chiến lược lẫn đối tác của Mỹ và Mỹ năm qua cũng đã thể hiện phản ứng bất bình và lo ngại hiếm thấy, nhưng sẽ không có chuyện hai nước này vì thế mà đối đầu nhau, lại càng không thể xảy ra đụng độ quân sự giữa họ với nhau. Mỹ phải quan tâm hơn tới Afghanistan và Triều Tiên. Trung Quốc còn dấn tới nhưng sẽ không đẩy Mỹ vào tình thế khó xử. Về thương mại và kinh tế, tình hình sẽ biến động theo nhiều tầng nấc và phạm vi khác nhau.
Cuộc chiến tranh giữa Mỹ và các đồng minh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria sẽ chi phối tình hình chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông này và tác động mạnh mẽ tới tình hình xã hội ở Mỹ và Châu Âu cũng như tới tình hình chính trị an ninh ở Châu Phi. Tất cả xoay quanh sự đối đầu về ý thức hệ và cọ sát giá trị về văn hoá và tôn giáo.
Ở Châu Mỹ và Châu Phi không thấy có sự định hình của trục quan hệ nào chi phối biến động tình hình chung của cả châu lục, kể cả sau khi Mỹ tuyên bố bình thường hoá quan hệ với Cuba. Cả thế giới tiếp tục biến động bởi những vấn đề toàn cầu thời sự và cấp thiết lâu nay vẫn chưa được giải quyết ổn thoả và dứt điểm như khủng bố và bảo vệ khí hậu trái đất, tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội, tự do hoá mậu dịch toàn cầu và đảm bảo an ninh mạng... Mỗi quốc gia và khu vực đều vẫn là bên tham gia cuộc chơi quyền lực và ảnh hưởng, vị thế và lợi ích nhưng với điểm xuất phát, lợi thế và ưu thế luôn thay đổi bởi bị cạnh tranh, đuổi kịp và vượt lên trước trong phát triển và trỗi dậy về mọi phương diện. Điều chắc chắn là không có bất cứ ai, kể cả Mỹ và càng không phải Trung Quốc, chi phối và chỉ huy được cả thế giới.
Thụy Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét