EU mới đây đã tiếp tục áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong thời điểm nhiều nỗ lực đang được tiến hành nhằm giải quyết xung đột, mang lại hoà bình cho Ukraine.
Thoả thuận ngừng bắn mới có hiệu lực ngày 15/2 vừa qua đang ngày càng có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn, do cả quân đội và ly khai Ukraine đều nhất quyết yêu cầu đối phương phải rút vũ khí hạng nặng trước.
Các cuộc pháo kích không xảy ra dồn dập như trước khi thực hiện ngừng bắn, song nó cũng khiến hàng chục người, trong đó có cả dân thường, thương vong.
Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb từng tiết lộ rằng, nếu Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán ngừng bắn tại Minsk ngày 12/2, EU sẽ không bàn về các biện pháp trừng phạt bổ sung Nga.
Mặc dù hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp vẫn chưa chính thức lên tiếng đánh giá thành quả thực tế, song trong chưa đầy 1 tuần, EU đã thêm 19 cá nhân, trong đó có 5 người Nga, cùng 9 tổ chức, vào danh sách "đen" trừng phạt.
Trước động thái này, Nga chỉ tuyên bố "sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng" và không hề cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào.
Thế nhưng, theo nhận định của báo Anh The Independent, căng thẳng ở Ukraine và các lệnh trừng phạt liên quan tới vấn đề này chỉ là phần nhỏ trong các vấn đề khiến Tổng thống Nga lo lắng.
Hãng tin Nga Sputnik News cho hay, trong một cuộc họp bàn về kinh tế, Tổng thống Putin thừa nhận rằng ông vẫn đang loay hoay tìm cách thực hiện kế hoạch chống khủng hoảng kinh tế một cách hiệu quả.
"Hoàn toàn không thể biết được chính xác điều gì cần phải làm ở thời điểm này để có thể thực hiện được nó (kế hoạch chống khủng hoảng)".
Tuy vậy, theo ông, chính phủ vẫn đã bắt đầu thực hiện kế hoạch trị giá 35 tỉ USD này.
"Đây là kế hoạch đa dạng hoá nền kinh tế, tạo ra điều kiện để thúc đẩy tốc độ phát triển, tạo môi trường thuận lợi, cải thiện công tác quản lý, ổn định tỷ giá và theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô".
Theo Sputnik News, kế hoạch này yêu cầu cắt giảm chi tiêu, trừ chi tiêu quốc phòng và chi phí xã hội, với mục tiêu tới năm 2017 sẽ cân bằng ngân sách quốc gia.
Ở thời điểm hiện nay, ngân sách Nga phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ, song nó đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2014 do sản lượng dư thừa trên toàn cầu.
Trong khi đó, so với đồng USD, đồng Rúp cũng bị mất giá tới một nửa kể từ mùa hè năm ngoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét