Hôm nay (15/2), một số trang mạng của Nga dẫn nguồn tin vài ngày trước cho biết nếu hòa bình không được thực thi tại Donbass (miền Đông Ukraine), lực lượng không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo yêu cầu chính thức của Kiev, có thể tiến hành không kích vào hàng loạt cứ điểm của "những người vi phạm kế hoạch hòa bình".
Nguồn tin cho biết, khả năng tiến hành chiến dịch không kích như vậy đã được Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, tướng Philip Breedlove đề cập tới tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hồi tuần trước. Ông Breedlove cho rằng liên minh quân sự này không nên bỏ qua phương án can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, nhấn mạnh rằng lực lượng NATO có thể đứng về phía Kiev.
Hiện chưa rõ thực hư liệu NATO có can thiệp vào tình hình Ukraine hay không, song trong một động thái “đáng ngờ”, NATO cũng đang tiến hành triển khai thêm lực lượng phản ứng nhanh của Tổ chức này tại châu Âu.
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg cũng thừa nhận: "Chúng tôi đã quyết định tăng cường lực lượng phản ứng của NATO tại châu Âu. Lực lượng này có thể lên đến 30.000 quân. Tại khu vực trung tâm sẽ duy trì một lữ đoàn khoảng 5.000 quân, sẽ được hỗ trợ bằng đường hàng không, đường biển và thêm một lực lượng đặc biệt, sẵn sàng để di chuyển trong vòng ít nhất là 48 giờ”.
Nhiều nhà phân tích nhận định, hành động của NATO đang cho thấy khả năng lớn lực lượng này sẽ can thiệp vào Ukraine nếu tình hình trở nên mất kiểm soát.
Trong khi đó, lực lượng đối lập tại miền Đông Ukraine cũng khăng khăng quan điểm “cự tuyệt” với NATO. Đại diện Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng (LPR) và đại diện Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) hôm nay đã lên tiếng cảnh báo như sau: “Bất kỳ động thái nào của Kiev đối với NATO hay một liên minh quân sự nào khác chống Nga là không thể chấp nhận đối với chúng tôi. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ ngay lập tức đình chỉ hợp tác với Kiev và sẽ xem xét thỏa thuận Minsk là vô giá trị”.
Trên thực tế, lệnh ngừng bắn mà các bên đã đạt được hôm 12/2 vừa qua đã bị phá vỡ vài giờ sau khi có hiệu lực vào hôm qua. Mặc dù bộ tứ Normandy gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức đều khẳng định, lệnh ngừng bắn đã được thực hiện tương đối tốt, nhưng giao tranh vẫn diễn ra, đặc biệt là ở Debaltseve và một vài vùng lân cận.
Trong ngày hôm nay (15/2), bộ tứ này sẽ tiếp tục các hoạt động ngoại giao con thoi để đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn.
Khoảng 350 quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu sẽ có mặt tại khu vực miền Đông Ukraine để giám sát việc thực hiện lệnh ngừng bắn ở những địa điểm then chốt đó là thị trấn Debaltseve, Mariupol và sân bay Donetsk.
Vào đầu giờ ngày hôm nay, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cho biết các quan sát viên của họ không thể đi vào vùng Debaltseve và kêu gọi các bên trong xung đột nên mở đường cho tổ chức trung lập được đến với mọi nơi trên lãnh thổ Ukraine.
Cùng lúc này, đoàn xe viện trợ nhân đạo từ Nga đã tới biên giới Ukraine-Nga và chờ được cấp phép đi vào lãnh thổ Ukraine. Một khi được chấp thuận, đoàn xe này sẽ đi theo 2 hướng đến vùng Donetsk và Lugansk để mang theo đồ ăn và các đồ dùng cần thiết cho người dân nơi đây.
Ngoài Nga, Đức cũng vừa gửi 28 tấn đồ viện trợ y tế đến Donetsk. Đoàn xe này buộc phải đi vòng qua lãnh thổ Nga mới vào được Ukraine, do chính quyền Kiev không trao quyền thông quan biên giới cho Đức./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét