(Tin Nóng) Vì sao Nga đang xúc tiến kế hoạch đóng tàu sân bay mới, lại là một “siêu tàu sân bay” chở hơn 100 máy bay? Câu trả lời là Nga muốn thách thức Mỹ ở vị trí siêu cường thế giới, theo Newsweek ngày 24.4.
Mô hình siêu tàu sân bay của Nga, có thể chở hơn 100 máy bay, hơn hẳn tàu sân bay Mỹ - Ảnh minh hoạ: Indian Defense News
|
Sức mạnh quân sự của Mỹ hiện phô trương ra thế giới nằm ở đội 11 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, mỗi chiếc chở được khoảng 70 máy bay. Các tàu sân bay Mỹ đã can dự hầu hết các cuộc xung đột trên thế giới từ sau Thế chiến II đến nay và được xem như công cụ quân sự chiến lược.
Còn Liên Xô trước đây có hạm đội tuần dương hạm kiêm tàu sân bay nhỏ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chủ yếu để đối phó các lực lượng hải quân khác. Đến nay các tàu này đã bị làm sắt vụn hoặc bán đi, chỉ còn 1 chiếc là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga.
Các dự án hiện đại hóa quân sự gần đây của Nga, trong đó bao gồm tàu ngầm hạt nhân mới, máy bay và xe bọc thép, ta không nên ngạc nhiên khi thấy Nga muốn phát triển một siêu tàu sân bay dự kiến chở theo được 100 máy bay (hơn gấp đôi chiếc Kuznetsov), theo Trung tâm Nghiên cứu Krylov.
Chi phí phát triển siêu tàu sân bay này không chỉ gồm chi phí sản xuất, mà còn phải có chi phí tái định hướng ngành công nghiệp hải quân xung quanh một con tàu có kích thước đáng kể thế này. Tuy nhiên các chi phí gián tiếp thường bị bỏ qua.
Vai trò chính của một tàu sân bay là triển khai và phô trương sức mạnh. Nó cung cấp sự hỗ trợ trên không cho quân đội ngoài tầm với của lực lượng không quân từ đất liền, cung cấp cho hải quân một sức mạnh đáng kể chống lại kẻ thù trên biển, cung cấp sự yểm trợ từ trên không cho quân đội trên mặt đất và khống chế không phận nước ngoài.
Hiện nay, chính sách đối ngoại của Nga chỉ tập trung trong khu vực, không có nhu cầu về một siêu tàu sân bay. Trong khi Nga có thể dịch chuyển trọng tâm của chính sách đối ngoại để hiện diện lớn hơn trên toàn cầu, đòi hỏi nước này phải điều chỉnh các chính sách chính trị và tài chính đáng kể.
Để thực sự trở thành một cường quốc toàn cầu, Nga phải phát triển một chiến lược đầu tư vào chính trị và kinh tế, qua đó sẽ giảm thiểu được chi phí trước mắt của một siêu tàu sân bay.
Điều quan trọng đối với vai trò của một tàu sân bay là khả năng triển khai của nó ở nước ngoài. Việc này đòi hỏi phải có các cảng của nước bạn, tốt nhất là căn cứ hải quân, để cho tàu sân bay và các tàu hộ tống của nó vào tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm.
Nga hiện chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài là căn cứ hải quân tại Tartus, Syria. An ninh của căn cứ này đang bị đe dọa bởi cuộc nội chiến ở Syria, và khả năng của căn cứ bị hạn chế do Nga đã phải cho sơ tán nhiều nhân viên trong năm 2013.
Trong nỗ lực để khắc phục thiếu các nơi cho tàu sân bay ghé vào, Nga đã tiếp xúc với các nước Algeria, Cuba, Cyprus, Nicaragua, Seychelles, Singapore, Venezuela và Việt Nam để đề xuất cho tàu chiến Nga được tiếp cận các căn cứ hải quân của những nước này. Việc sử dụng các căn cứ hải quân của nước ngoài làm điểm dừng cho một nhóm tàu sân bay đòi hỏi sự đầu tư rất lớn vào các phương tiện và cơ sở hạ tầng tại các cảng này.
Theo Newsweek, Nga đã dành ba năm, từ 2011 - 2014 để hỗ trợ nâng cấp cơ sở của hải quân Việt Nam tại Vịnh Cam Ranh. Chi phí sửa chữa lớn của các căn cứ hải quân ở các nước có thể sẽ là một phần trong việc phát triển tàu sân bay mới.
Với một tàu sân bay mới, Nga đang tìm kiếm cơ hội để thử thách trật tự thống trị thế giới của Mỹ. Tuy nhiên chính sách đối ngoại của Nga vẫn chưa đưa ra khung pháp lý nào cho trật tự thế giới từ sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Tuy nhiên, do thiếu các căn cứ hải quân nước ngoài để hỗ trợ cho tàu sân bay, nên Newsweek tỏ ý nghi ngờ việc Nga phát triển siêu tàu sân bay khi bình luận: “Một siêu tàu sân bay không đơn thuần chỉ là tàu sân bay, mà còn là một đơn vị đầu tư. Đóng siêu tàu sân bay mà không có một chính sách ngoại giao tương ứng và có các căn cứ hải quân hỗ trợ ở nước ngoài thì như mua một sòng bạc trị giá tỉ USD mà không chơi bất kỳ trò chơi nào”.
Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét