Tin Nóng) Một cựu đại tá hải quân Mỹ phân tích rằng vai trò chiến lược của các tàu sân bay Mỹ không còn thích hợp trong chiến tranh tương lai, do vậy Hải quân Mỹ nên ngưng việc đổ tiền đóng mới tàu sân bay, dành tiền phát triển các vũ khí mới hiện đại hơn.
Một sĩ quan hải quân Mỹ về hưu cho rằng nên xem lại vai trò chiến lược của các tàu sân bay trong chiến tranh tương lai - Ảnh: Hải quân Mỹ
|
Đại tá hải quân về hưu Jerry Hendrix viết trên tạp chí National Review ngày 23.4 cho rằng Hải quân Mỹ nên suy nghĩ lại về chiến lược hải quân của mình và nên dừng việc tập trung tài lực cho các tàu sân bay.
Theo ông Hendrix, đơn giản là vì vai trò các tàu sân bay của Mỹ không còn thích hợp trong chiến tranh hải quân tương lai. Ông cũng cho rằng do tàu sân bay có giá trị quá lớn với hải quân nên khó mà chấp nhận được việc mất mát một con tàu thế này.
"Một tàu sân bay hiện đại (như chiếc Ford) có giá đến 14 tỉ USD, bằng ngân sách ngành đóng tàu 1 năm. Một tàu sân bay chở theo lượng người đông bằng 1 thị trấn nhỏ. Người dân Mỹ sẵn sàng chấp nhận mất mát sinh mạng vì những lý do quan trọng, nhưng họ ngày càng trở nên không thích có thương vong”, ông Hendrix viết.
Thực vậy, tàu sân bay ngày nay được xem như 1 căn cứ quân sự nổi hơn là 1 tàu chiến thực thụ. Một tàu sân bay lớp Nimitz có thể chứa đến 5.000 người và hoạt động như một nền kinh tế.Nếu 1 tàu này bị đánh chìm thì số thương vong trên tàu sẽ gấp đôi thương vong của quân Mỹ trong suốt cuộc chiến ở Afghanistan, theo Business Insider.
Giá trị rõ ràng của một tàu sân bay sẽ khiến nó trở thành mục tiêu chính trong một cuộc tấn công của đối phương. Từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ đã có quyền tiếp cận tương đối tự do hầu hết tuyến đường biển của thế giới. Tuy nhiên, Mỹ đang đối mặt với các lực lượng hải quân ngày càng thù địch, với Trung Quốc đang muốn định vị mình là bá chủ hải quân ở Thái Bình Dương.
Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào chương trình tên lửa hành trình diệt hạm, tàu ngầm có khả năng phóng các tên lửa này, nhắm mục tiêu là tàu sân bay Mỹ và né được hệ thống phòng thủ phòng không Aegis của Hải quân Mỹ. Ngoài ra nước này còn phát triển tên lửa đạn đạo dùng diệt tàu sân bay. Sự tồn tại của chương trình vũ khí chống tàu sân bay này của Trung Quốc làm cho người ta nghi ngờ về các giá trị của tàu sân bay Mỹ.
Hoặc Mỹ phải kiềm chế, nhân nhượng khi các tàu sân bay nằm trong tầm tấn công của Trung Quốc; hoặc cuộc sống của hàng ngàn người Mỹ lâm vào nguy cơ khi một tàu sân bay nằm trong tầm tấn công của Trung Quốc.
"Vì lý do này, các tàu sân bay hiện đại vi phạm một nguyên tắc cốt lõi của chiến tranh: Không nên đưa ra một yếu tố mà bạn không thể có khả năng để đánh mất nó", ông Hendrix viết
"Hải quân Mỹ ngày nay trông khá giống như nó từng có trong 70 năm qua, chỉ nhỏ hơn về quy mô và đắt tiền hơn. Đó là một lực lượng tiến hóa, không phải là một lực lượng cách mạng, và nó là một mục tiêu dễ dàng cho các cường quốc đang nổi lên tìm cách vượt qua nó", theo ông Hendrix.
Ông cho rằng ngày nay tàu sân bay Mỹ ngoài việc tung ra các đòn tấn công bằng máy bay, còn đóng vai trò như một kho hậu cần, cung cấp và tiếp tế các thứ cho các tàu chiến khác. Tàu sân bay còn là nơi đặt trung tâm chỉ huy tác chiến, điều phối v.v. Tóm lại tàu sân bay đang gánh rất nhiều thứ, không đơn giản là con tàu chiến đấu. Chính vì vậy đối phương sẽ tập trung đánh chìm con tàu này bằng mọi giá.
Hiệu quả của 1 tàu sân bay không phải ở tính năng của nó mà ở đội máy bay nó chở theo. Ngày nay, hầu hết tàu sân bay Mỹ trang bị các chiến đấu cơ F/A-18 Hornet, được thiết kế ban đầu như loại tiêm kích tấn công hạng nhẹ. Qua 14 năm, các máy bay trên tàu sân bay Mỹ đã xuất kích hàng chục ngàn lần. Gần 80% thời gian hoạt động của F-18 (thời gian phục vụ trung bình 8.000 giờ bay) là chỉ để duy trì tình trạng bay của phi công.
Thứ nữa là nếu lấy chi phí đóng, duy trì hoạt động của tàu sân bay chia cho các lần ném bom xuống đối phương thì mỗi quả bom thả xuống sẽ có chi phí đến 8 triệu USD, đắt gấp 7 lần so với chỉ phóng 1 quả tên lửa hành trình Tomahawk.
Tầm tác chiến của 1 máy bay trên tàu sân bay vào khoảng 500 hải lý (gần 1.000 km) nên tàu sân bay phải mất 15 giờ để tiếp cận gần vị trí của đối phương để tung ra các đòn tấn công vào lãnh thổ địch. Và khi tiếp cận như vậy, tàu sân bay chấp nhận rủi ro bị tấn công khi tiến vào khu vực chống thâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD).
Thay vào đó, ông Hendrix gợi ý Hải quân Mỹ nên lấy tiền đóng tàu sân bay để đầu tư phát triển các máy bay tấn công tầm xa không người lái, dừng việc biến tàu sân bay thành nơi tập trung chỉ huy tác chiến và “tổng kho” hậu cần, mua sắm nhiều tàu ngầm trang bị trung bình 150 tên lửa hành trình tầm xa để phá vỡ chiến lược A2/AD của đối phương…
Ngoài ra chi phí đóng tàu sân bay cỡ như chiếc Ford (14 tỉ USD) có thể dùng để phát triển cho việc đóng 7 tàu khu trục hiện đại, hay 7 tàu ngầm, 28 tàu hộ tống, hoặc 100 tàu tiếp tế tốc độ cao. Các tàu này sẽ mở rộng tầm hoạt động trên biển ở nhiều nơi hơn là chỉ 1 tàu sân bay ở 1 nơi nhất định.
Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét