Thủ tướng Úc Tony Abbott vừa có chuyến thăm chính thức Ấn Độ trong 2 ngày (4-5/9) nhằm tăng cườn quan hệ chiến lược và thương mại giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông Abbott sau cuộc hội đàm tại thủ đô New Delhi ngày 5/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng Ấn Độ coi Úc là đối tác chiến lược quan trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ này.
Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi |
Cùng ngày, Ấn Độ và Úc đã ký hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự, theo đó Úc sẽ cung cấp urani cho quốc gia Nam Á này. Thủ tướng Modi ca ngợi đây là một mốc lịch sử, mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ngoài thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự, hai bên cũng đã ký các biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các lĩnh vực thể thao, quản lý nguồn tài nguyên nước, giáo dục và đào tạo.
Phát biểu trước cuộc hội đàm với các đại diện doanh nghiệp ở New Delhi, Ấn Độ, Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết ông muốn đạt được thỏa thuận tự do thương mại với Ấn Độ vào cuối năm 2016.
Cùng với việc thúc đẩy quan hệ Úc-Ấn Độ trở nên nồng ấm với hàng loạt chương trình hợp tác, Úc cũng bắt tay chặt chẽ với Nhật Bản khi ký kết hiệp ước hợp tác an ninh quốc phòng, trao đổi công nghệ tàu ngầm quân sự. Chính Úc là nước đã ủng hộ Nhật Bản phòng vệ tập thể, cho rằng nó sẽ tạo điều kiện để nước này tiếp tục đóng góp vào hòa bình và ổn định thế giới.
Những động thái trên của Úc đang thể hiện đúng tinh thần tuyên bố chung Mỹ-Úc được đưa ra tại hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ - Úc (AUSMIN 2014) hôm 12/8.
Theo đó, cả Mỹ và Úc đều nhất trí mở rộng liên minh quốc phòng với Nhật Bản ở vùng Đông Bắc Á và Ấn Độ ở Nam Á.
Tuyên bố chung Mỹ-Úc nêu rõ: Úc và Mỹ hoan nghênh nỗ lực của Nhật Bản để đóng góp lớn hơn vào hòa bình và ổn định quốc tế. Hai nước (Mỹ và Úc) cam kết duy trì các quan hệ an ninh song phương mạnh mẽ với Nhật Bản, phát huy hợp tác an ninh và quốc phòng ba bên, trong đó có cơ chế Đối thoại Chiến lược ba bên, và phát triển hơn nữa các cuộc tập trận ba bên hiện hữu".
Tương tự với Ấn Độ, Mỹ và Úc đều công nhận vị thế là "nền dân chủ lớn nhất thế giới" cũng như "cường quốc kinh tế và chiến lược quan trọng trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương"của New Delhi.
Trên cơ sở đó, Mỹ và Australia xác nhận ý định mở rộng hợp tác ba bên với Ấn Độ, trong những lãnh vực như an ninh hàng hải, an ninh năng lượng, tăng trưởng kinh tế, cũng như thông qua hợp tác với Ấn Độ trong các tổ chức khu vực.
Riêng khía cạnh quan hệ Mỹ-Úc, hai quốc gia này đã chính thức ký Hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt là chính thức hóa việc triển khai 2.500 lính thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Darwin, miền bắc nước Úc, sát Biển Đông. Không quân và Hải quân Mỹ cũng được quyền tiếp cận các căn cứ Úc một cách rộng rãi hơn.
Bên cạnh đó, hai bên nhất trí việc tăng cường hợp tác quân sự cũng như các đề xuất thiết lập hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo rộng lớn hơn để bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á.
Bản hiệp ước có hiệu lực trong vòng 25 năm nói trên rõ ràng đã chính thức hóa điểm quan trọng nhất trong chính sách xoay trục của Mỹ, đó là tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã khẳng định: "Mỹ có lợi ích ở đây, và chúng tôi sẽ tiếp tục có lợi ích ở đây. Chúng tôi có sức mạnh tại Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Các quan hệ đối tác của chúng tôi ở đây, các cam kết hiệp ước của chúng tôi ở đây và những điều đó quan trọng với chúng tôi".
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản Ấn Độ cam kết đưa quan hệ song phương lên "cấp độ mới" |
Trong khi Mỹ-Úc thống nhất mở rộng liên minh thì Ấn Độ cũng chủ động thắt chặt tình thân với Nhật Bản khi Thủ tướng Modi dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên sang Tokyo và cho biết sẽ "đối đầu" với Trung Quốc khi cần thiết.
Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã cam kết đưa quan hệ song phương lên "cấp độ mới", trong một cuộc gặp thượng đỉnh tràn đầy cam kết về một mối quan hệ mà hi vọng có thể làm đối trọng với Trung Quốc.
Hai nhà lãnh đạo còn nhất trí đẩy nhanh đàm phán về khả năng Tokyo bán các thủy phi cơ cho hải quân Ấn Độ. Đây có thể là vụ bán thiết bị quân sự ra nước ngoài đầu tiên của Nhật trong gần 50 năm qua.
Ông Abe và ông Modi cũng nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng, an ninh và ông Modi hoan nghênh việc Nhật Bản nới lỏng các giới hạn về xuất khẩu công nghệ và thiết bị quốc phòng.
Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức các cuộc tập trận hải quân thường niên, và rằng Nhật sẽ tiếp tục tham gia các cuộc tập trận Mỹ-Ấn.
Bốn nước Mỹ-Úc-Ấn-Nhật đã cho thấy những nỗ lực của họ nhằm tạo ra đối trọng với sức nặng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên khắp châu Á.
Không dừng ở đó, khi liên minh "tứ cường" hình thành, sợi xích nóng kéo dài từ Ấn Độ ngang qua Nhật Bản kéo dài xuống tận Nam Thái Bình Dương với Úc cùng sự tham gia của Mỹ sẽ siết chặt lấy Trung Quốc và kiềm chế những tham vọng của nước này ở Biển Đông và Hoa Đông.
Minh Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét