- Ngay trước thềm chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tới Việt Nam trong hai ngày 25 và 26/08, Việt Nam và Ấn Độ đã quyết định gia hạn thêm một năm hợp đồng thăm dò lô dầu khí ngoài khơi bờ biển miền Trung. Đây là một động thái được đánh giá là nhằm khẳng định vai trò của Ấn Độ tại Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, theo RFI.
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC (ảnh: en.wikipedia.org) |
Theo nhật báo Times of India, Việt Nam đã gia hạn thêm một năm hợp đồng thăm dò lô 128 ngoài khơi bờ biển miền Trung. Đây là một lô mà công ty Ấn Độ OVL, thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ ONGC, đang tìm kiếm dầu khí.
Theo phía Ấn Độ, sở dĩ nước này quyết định duy trì hợp đồng với Việt Nam, đó là vì New Delhi cho rằng họ có lợi ích chiến lược ở khu vực Biển Đông. Ấn Độ luôn luôn nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên. Ngoài ra, việc hợp tác với Việt Nam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại Biển Đông giúp Ấn Độ một lý do rất tốt để duy trì sự hiện diện hải quân ở trong vùng.
Vào hồi đầu tháng 8, tàu hộ tống tàng hình mang tên lửa dẫn đường INS Shivalik của Ấn Độ cũng đã ghé thăm cảng Hải Phòng trong bốn ngày.
Báo chí Ấn Độ cho rằng đây là một phần trong nỗ lực thúc đẩy của New Delhi nhằm xiết chặt quan hệ quân sự Việt - Ấn, đúng vào lúc Trung Quốc đang có các hành động hung hăng trên Biển Đông. Nhật báo Times of India cũng đã nhắc lại vụ Trung Quốc đã có hành động phi pháp đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam, bắt chấp sự phản đối của Việt Nam.
Tờ báo Ấn Độ nhận định là với hành động đó, "Trung Quốc đã in dấu ấn bá quyền tại Biển Đông", và không ngần ngai so sánh chiến lược của Bắc Kinh tại Biển Đông với những gì mà Trung Quốc đang làm đối với Ấn Độ tại vùng biên giới giữa hai nước.
Sau khi nhắc lại rằng Việt Nam ngày càng thắt chặt quan hệ với nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, tờ Times of India đã nêu bật sự kiện Việt Nam cũng muốn mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ. Tuy nhiên vẫn theo tờ báo, sở dĩ chính quyền New Delhi vẫn trì hoãn chưa quyết định bán vũ khí cho Việt Nam, chủ yếu vì sợ công nghệ thiết kế tên lửa này rơi vào bàn tay Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét