(VnMedia) - Lực lượng ly khai miền đông Ukraine sáng qua (2/10) được cho là đã sử dụng xe tăng, bệ phóng tên lửa, khẩu pháo và súng cối để tấn công dồn dập vào quân Kiev đang bị bao vây tứ phía ở sân bay Donetsk. Quân Kiev đã bại trận và đã mất quyền kiểm soát đến 95% khu vực chiến lược này.
Ảnh minh họa
|
Báo chí phương Tây hôm qua đồng loạt đưa tin, lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã phát động một cuộc tấn công mới vào khu vực sân bay ở Donetsk. Đây là nơi quân đội trung thành với Kiev đang tìm cách cố thủ dù đã bị bao vây, dồn ép bởi lực lượng ly khai trong mấy ngày qua.
Giới chức Kiev tố cáo, lực lượng ly khai đang tìm mọi cách để chiếm lại khu vực sân bay Donetsk vốn nằm trong quyền kiểm soát của quân chính phủ. Lực lượng ly khai trong những tuần gần đây đã nhiều lần tìm cách đánh chiếm sân bay nằm ở phía tây bắc Donetsk.
Một phát ngôn viên cho cái gọi là chiến dịch chống khủng bố của chính quyền Kiev – ông Vladyslav Seleznyov cho biết, quân đội Ukraine đã đẩy lùi 4 cuộc tấn công của lực lượng ly khai vào khu vực sân bay tối hôm thứ Tư (1/10). Một chiếc xe tăng T-64 đã bị phá hủy và 7 chiến binh ly khai thiệt mạng. Hôm 1/10 cũng chứng kiến việc quân đội Kiev bắn đạn pháo vào một trường học ngay trong ngày đầu học sinh đến trường và bắn vào một phương tiện giao thông công cộng, kiến 11 người thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương.
Sáng ngày hôm qua, lực lượng ly khai đã sử dụng xe tăng, các hệ thống phóng tên lửa, súng cối và đạn pháo để thực hiện một cuộc tấn công mới vào khu vực sân bay ở Donetsk. Sân bay này có tầm quan trọng chiến lược vì nó nằm ngay bên ngoài Donetsk – thành phố lớn nhất nằm trong sự kiểm soát của lực lượng ly khai. Nếu chiếm lại được sân bay ở Donestk, lực lượng ly khai có thể mở lại con đường tiếp vận cho họ.
Trong khi đó, quân chính phủ thường dùng khu vực sân bay nói trên để thực hiện các cuộc bắn phá nhằm vào các cứ điểm của lực lượng ly khai ở bên trong thành phố Donetsk.
Một phóng viên của hãng tin AP có mặt tại Donetsk hôm 1/10 cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy, chính phủ đã mất quyền kiểm soát khu vực sân bay chiến lược. Trong khi đó, thủ lĩnh của lực lượng ly khai – ông Alexander Zakharchenko, hôm qua (2/10) cho hay, quân của ông đã chiếm tới “95%” khu vực sân bay ở Donetsk.
Mặc dù vậy, chính quyền Kiev vẫn khẳng định, họ đang kiểm soát khu vực sân bay ở Donetsk.
Với những diễn biến trên, lệnh ngừng bắn đang được áp dụng ở miền đông Ukraine kể từ hôm 5/9 đang bị vi phạm nghiêm trọng khi hai bên tiếp tục bắn vào nhau. Số thương vong trong dân thường đang leo lên nhanh chóng trong mấy ngày vừa qua. Trước khi xảy ra vụ tấn công vào trường học và xe buýt mini khiến 11 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương, quân đội Ukraine cũng cáo buộc lực lượng ly khai tấn công vào đoàn xe chở quân của họ, khiến 13 người thiệt mạng. Đây là những vụ bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn được thực thi.
Bạo lực leo thang chóng mặt, Thủ tướng Đức lên tiếng
Tình trạng bạo lực leo thang ở miền đông Ukraine đã khiến Thủ tướng Đức Angela Merkel – người được xem là đồng minh Châu Âu thân thiết nhất và quyền lực nhất của Kiev, đã phải lên tiếng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng ảnh hưởng của ông để “kiềm chế” lực lượng ly khai, nói rằng đó là “trách nhiệm” của Moscow.
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm hôm 1/10 để bàn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong cuộc điện đàm đó, bà Merkel nhấn mạnh với ông Putin rằng, Moscow có nhiệm vụ phải “xoa dịu” lực lượng ly khai, ông Steffen Seibert - một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết.
"Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến trách nhiệm của Nga trong việc gây ảnh hưởng nhất định lên lực lượng ly khai. Bà nói rằng, lệnh ngừng bắn mà các bên thỏa thuận cuối cùng cần phải được tuân thủ một cách triệt để”, ông Seibert cho biết trong một tuyên bố. Ông này cũng nói thêm rằng, hai nhà lãnh đạo Nga, Đức đều bày tỏ quan ngại về việc bạo lực vẫn diễn ra hàng ngày ở đất nước Ukraine.
Về phía Nga, điện Kremlin cho biết trong một tuyên bố rằng, trong cuộc điện đàm do phía Đức khởi xướng, hai nhà lãnh đạo Putin và Merkel đã bàn về tầm quan trọng của việc lực lượng ly khai và chính quyền Kiev rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự.
Theo điện Kremlin, Tổng thống Putin đã nói với nữ Thủ tướng Merkel rằng, ông ủng hộ hòa bình đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải ngăn chặn các cuộc tấn công thêm nữa từ quân đội Ukraine nhằm vào các khu dân cư ở miền đông nam Ukraine”.
Nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức cũng nhấn mạnh thêm rằng, biên giới giữa Ukraine và Nga cần phải được giám sát chặt chẽ và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) có vai trò lớn trong nhiệm vụ giám sát này. Bà Merkel cho hay, Đức sẽ tiếp tục ủng hộ sứ mệnh của OSCE ở Ukraine, nói thêm rằng tổ chức này có thể đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử địa phương ở hai khu vực Luhansk và Donetsk.
Đức được cho là đang đóng vai trò hàng đầu trong việc tháo dỡ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngay từ đầu, khi cuộc khủng hoảng này bùng phát, Đức đã đóng vai trò dẫn dắt trong tất cả các cuộc đàm phán. Bản thân Đức cũng có mối quan hệ gắn bó với Nga và lãnh đạo hai nước đã có không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, điện đàm để bàn về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét