(PetroTimes) - Ông Phan Thanh Hải vốn là cán bộ công an tỉnh Tiền Giang, bị bắt giam và kết án oan. Sau nhiều năm ngồi tù, đến khi Tòa giám đốc thẩm tuyên vô tội, ông được tự do nhưng mất tất cả: Danh dự không còn, sự nghiệp tiêu tan, vợ con bỏ đi. Ông còn hai bàn tay trắng.
Nhiệm vụ “bất khả thi”
Ông Phan Thanh Hải (SN 1953, ngụ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) từng công tác tại đơn vị An ninh vũ trang khu 8, sau đó chuyển sang Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an tỉnh Tiền Giang. Ông Hải gặp nhiều cơ may và giữ một cương vị cao trong cơ quan. Bất ngờ lớn nhất cuộc đời đã xảy ra, mãi đến sau này ông Hải vẫn không thể tin được rằng đây chính là biến cố khiến ông mất tất cả.
Những bản án oan sai, những lá đơn đòi trả danh dự được ông Hải đóng thành tập sách để làm… “lưu niệm”.
Tháng 11/1989, đơn vị nơi ông Hải đang công tác thiếu nợ hàng chục cây vàng và không có tiền thanh toán. Thủ trưởng cơ quan yêu cầu ông Hải và một đồng chí tên Quang, phụ trách hậu cần của đơn vị lên phòng làm việc. Lúc này, ông Hải đang giữ nhiệm vụ phụ trách tham mưu chính trị của Phòng Cảnh sát bảo vệ và học thêm tại chức của Đại học Kinh tế.
Được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm hoạt động kinh doanh cho Trung tâm Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Tiền Giang, ông Quang không đồng ý. Nhiều lần khước từ, ông Hải buộc phải nhận công việc do tổ chức giao và vì lệnh của cấp trên. Công việc kinh doanh chiếm phần nhiều thời gian ngoài giờ làm việc. Ban ngày, ông Hải phải tất bật lo việc cơ quan và hết giờ hành chính lại phải chạy sang Trung tâm để lo việc kinh doanh.
Quá trình hoạt động tại Trung tâm và cơ quan trong khoảng thời gian từ 15/11/1989 đến ngày 14/4/1990, ông Hải không để sơ suất một vấn đề gì xảy ra. Thời điểm này, Công ty liên doanh FaDjCo do Tổng cục Hóa chất Phân bón thành lập, Lê Thị Bé Út được cử làm giám đốc và trụ sở đặt tại TP HCM.
Giám đốc công ty đã ký quyết định thành lập Trung tâm Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Tiền Giang và quyết định nhân sự gồm: Quách Hùng Tâm (Giám đốc), Ngô Huy Triết, Lê Thị Hồng Vân và Phan Thanh Hải (Phó Giám đốc).
Bỗng dưng… bị bắt
Tháng 1/1990, ông Hải đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Liên hiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang. Nội dung hợp đồng thể hiện, Trung tâm của ông Hải mua 1.000 tấn phân DAP giá 390 ngàn đồng/tấn với Công ty Liên hiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang; điều khoản thanh toán, trả trước 30% khi nhận hàng, còn lại trả chậm sau 15 ngày. Nếu trễ hạn thì phải chịu lãi suất 8%/tháng.
Thực hiện hợp đồng, từ ngày 11/1 đến 23/1/1990, Trung tâm của ông Hải đã nhận 458 tấn phân DAP, thành tiền hơn 407 triệu đồng. Ông Hải đã thanh toán theo hợp đồng được trên 113 triệu đồng và còn nợ 293 triệu đồng. Số phân mua được, ông Hải ký hợp đồng số 02 và 03 vào ngày 6 – 9/1/1990 để bán cho Xí nghiệp 19/8 thuộc Công an huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) 250 tấn, bán cho Xí nghiệp Vimexcov 200 tấn.
Sau đó, Xí nghiệp 19/8 còn nợ Trung tâm của ông Hải hơn 157 triệu đồng và Xí nghiệp Vimexcov nợ trên 68 triệu đồng. Ngược lại, Trung tâm Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Tiền Giang nợ của Xí nghiệp Xuất nhập khẩu 270 triệu đồng. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã thu giữ của Trung tâm 1 xe ô tô và cá nhân ông Hải 1 xe Honda.
Với nội dung trên, án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đã áp dụng khoản 3, điều 135 Bộ Luật Hình sự phạt Phan Thanh Hải 5 năm tù, bồi thường cho Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang 270 triệu đồng.
Theo các tài liệu có trong hồ sơ, khi chưa có ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang thì Trung tâm đã hoạt động. Do vậy, những cá nhân có liên quan bị bắt khẩn cấp và điều tra khởi tố về tội “Giả mạo giấy chứng nhận của cơ quan, nhà nước và tổ chức xã hội”. Lê Thị Bé Út, Quách Hùng Tâm, Ngô Huy Triết, Lê Thị Hồng Vân và Phan Thanh Hải bị bắt giam.
Cơ quan điều tra “tước đoạt” tài sản của người bị tạm giữ
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã không có đủ chứng cứ kết tội các bị can về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” với 3 hành vi: vay tiền của Ngân hàng Công thương tỉnh Tiền Giang, vay tiền của Sidac Sài Gòn và mua phân trả chậm của Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang.
Ông Hải từng bị tù giam 23 tháng 18 ngày oan sai.
Khi xét xử phúc thẩm lần 1, ngày 27/4/1992, vụ án được điều tra lại và Viện Kiểm sát chỉ truy tố ông Hải về 1 hành vi “Lạm dụng tín nhiệm là mua phân trả chậm”. Còn 2 hành vi vay tiền, do có thế chấp nên chuyển sang giải quyết dân sự.
Riêng hợp đồng mua 1.000 tấn phân DAP với Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang, tuy hợp đồng quy định được thực hiện vào tháng 1/1990 nhưng điều khoản thanh toán quy định: “Nếu Trung tâm thanh toán trễ thì phải chịu lãi suất 8%/tháng”. Khi Hải bị bắt giam và cho đến ngày ra tòa, 2 bên vẫn chưa thanh lý hợp đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang đề nghị cho Hải tại ngoại để thu hồi tiền thanh toán theo hợp đồng vì Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang không có đơn đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết hợp đồng mua bán phân giữa Xí nghiệp với Trung tâm do ông Hải làm Phó Giám đốc.
Đến thời điểm bị bắt, Trung tâm còn nợ Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang 270 triệu đồng. Trong khi đó, 2 đơn vị khác là Xí nghiệp 19/8 Cai Lậy và Xí nghiệp Vimexcov Minh Hải còn nợ Trung tâm khoản tiền mua phân 226 triệu đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn bị thu giữ 1 xe ô tô mua với giá 37 triệu đồng và xe gắn máy của ông Hải. Hồ sơ thể hiện, ông Hải sửa xe ô tô trên với chi phí trên 45 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã bán xe ô tô của Trung tâm với giá 13 triệu đồng nhưng không có hội đồng thẩm định giá, thủ tục bán xe không đúng nguyên tắc… Xe Honda cũng bị bán với giá 3,3 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mức 1,5 lượng vàng 24k theo thời giá thị trường. Không những vậy, ông Hải phải nộp cho Toà án 6 triệu đồng.
Tan nhà nát cửa ngày trở về
Cơ quan chức năng đã thừa nhận, ông Hải không có hành vi chiếm đoạt tài sản của Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang. Sở dĩ Trung tâm Đầu tư Phát triển Nông nghiệp chưa thanh toán được cho Xí nghiệp Xuất nhập khẩu Tiền Giang là do chưa thu hồi được tiền bán phân cho 2 đơn vị còn nợ của Trung tâm. Ông Hải được Ủy ban thẩm phán, Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”.
Đến ngày được minh oan, ông Hải vẫn không thể hiểu được việc toàn bộ Ban giám đốc Trung tâm bị bắt giam trong nhiều tháng. Riêng ông Hải bị giam giữ 23 tháng 18 ngày.
Qua 6 lần xét xử của 3 cấp tòa, ông Hải được minh oan bằng bản án giám đốc thẩm. Sau khi được giải oan, Tỉnh ủy Tiền Giang khôi phục Đảng cho ông Hải và Tòa án tối cao tại TP HCM bồi thường danh dự hơn 103 triệu đồng vào năm 2005.
Gần 2 năm bị cầm tù và kết án oan, ông Hải được đăng tin xin lỗi ở góc của một tờ báo.
Ở xứ quê nghèo, người dân không có điều kiện để mua báo hay ít được biết đến, ông Hải phải đi photo mẩu tin trên thành nhiều bản. Ông mang đi phát cho nhiều người để tự minh oan bản thân mình. Ông Hải chia sẻ: “Nhiều người không biết, tôi cũng đành mang tiếng tù tội và tham nhũng suốt đời”.
Ông Hải nhớ lại, theo quy định, nếu ông bị bắt phải thực hiện các bước như: Tước quân tịch và khai trừ ra khỏi Đảng. Thời điểm bị tạm giam, bản thân ông không hề hay biết, chỉ thấy đồng chí, đồng đội chở thẳng vào nhà tạm giam và nói: “Anh đã bị bắt”.
Ra tù, ông trở nên thất nghiệp và chỉ biết sống dựa vào đồng lương thương binh hạn hẹp. Hoàn cảnh gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Vợ ly dị và dắt người con gái độc nhất đi nước ngoài sinh sống. Bản thân ông trở thành người cô độc.
Ông Hải từng vào sinh ra tử ở những năm chiến tranh 1972 khốc liệt và cống hiến nhiều cho đất nước. Ngày cuối đời, ông mất tất cả chỉ vì một cái án oan. Cái còn lại của đời ông giờ là hai bàn tay trắng.
Ngọc Phươn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét