Vào buổi sáng ngày 2/6/1975, Trại giam Chí Hòa được nhận một người đặc biệt, đó là trung tá ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Vệ, từng hai “nhiệm kỳ” làm quản đốc Khám Chí Hòa. Khi cán bộ quản giáo dẫn Vệ về buồng giam chung với nhiều sĩ quan chế độ cũ (mà tất cả số này đều là những kẻ đã gây nhiều tội ác với nhân dân) thì Vệ đi qua buồng giam nào, nơi ấy xôn xao hẳn lên...
Tháp canh bên ngoài "lò bát quái". |
Đám tù thường phạm, trong đó có không ít người từng bị giam ở Chí Hòa trong những năm trước la ó, đòi “đập chết thằng ác ôn”. Một phạm nhân tên là Lê Ngọc Lâm, can án tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và giết người, bị Tòa án Sài Gòn cũ kết án 15 năm khổ sai, từng ở Chí Hòa trong những năm 70, và khi vào trại còn giết... thêm 4 phạm nhân nữa thì lồng lộn chửi rủa Nguyễn Văn Vệ và van lạy quản giáo... “Cán bộ cho tôi ra... Tôi đã giết 5 người rồi, thêm thằng này nữa là 6, rồi cán bộ bắn tôi ngay cũng được”.
Cũng phải nói thêm Lê Ngọc Lâm hay còn có biệt danh là Lâm “chín ngón” là tay giang hồ có số má ở miền Nam thời đó. Xung quanh việc Lâm cùng đồng bọn giết 4 tên giang hồ khác trong Trại giam Chí Hòa cũng có nhiều giai thoại. Số là khi ở ngoài xã hội, Lâm “chín ngón” và 4 gã kia có ân oán với nhau. Để trả thù, Lâm cố tình gây án rồi vào Chí Hòa và hối lộ cai ngục nhằm được giam chung với những “tử thù” rồi thanh toán đối thủ ngay trong nhà giam.
Chính vì “thành tích “bất hảo đó mà Lâm “chín ngón” được giới giang hồ vị nể, tôn làm đại ca. Lâm “chín ngón”, Đại Ca Thay là những “tên tuổi lớn” trong giới giang hồ thời chế độ Thiệu.
Thấy Lâm “chín ngón” hô hào, đám tù thường phạm gầm lên, chực phá chấn song để xông ra “ăn thua” với Nguyễn Văn Vệ. Trong ký ức của đám tù thường phạm có “thâm niên” ở Chí Hòa, họ không thể nào quên được vào một ngày cuối năm 1972, Nguyễn Văn Vệ được đưa từ Côn Đảo về, với nhiệm vụ là “lập lại trật tự ở Trung tâm Cải huấn Chí Hòa”.
Vừa nhận nhiệm vụ được 3 hôm, thì ngày 10/12, Vệ đích thân dẫn 100 cảnh sát dã chiến trang bị lựu đạn cay, dùi cui, gậy tre, mặt nạ... xông vào đàn áp tù chính trị trong các buồng giam. Cả bọn ác ôn như bầy thú dữ lao vào đánh đập không chút ghê tay đối với anh em tù chính trị. Thấy cảnh đàn áp quá dã man, số tù thường phạm cũng la ó phản đối, và thế là Nguyễn Văn Vệ lại hô đám cảnh sát “uýnh chết mẹ chúng nó đi”. Trận đòn ấy làm cho Lâm “chín ngón” bị ốm rệt cả tháng...
Sau đợt “lập lại trật tự” có quy mô lớn ấy, cứ mỗi tháng đôi ba lần, Vệ lại tổ chức đàn áp từng khu vực. Mà ngón võ thường dùng của Vệ là dùng lựu đạn cay ném vào buồng giam, cho tù nhân sặc sụa vì hơi cay, thở không được, rồi mới xua quân vào đánh. (Sau này, Lâm “chín ngón” cũng đã tố cáo toàn bộ những tội ác của Nguyễn Văn Vệ đối với tù chính trị cho Ban quản giáo Trại giam Chí Hòa). Nhưng không chỉ tàn ác với các tù chính trị mà Nguyễn Văn Vệ cũng nổi tiếng về trò kiếm tiền từ buôn bán ma túy, cung cấp cho đám con nghiện bị bắt giam với giá cao hơn bên ngoài từ 3 đến 5 lần.
Trong hồ sơ lưu giữ thì từ năm 1954 đến 1975, Khám Chí Hòa đã trải qua 10 đời cai ngục. Đó là: Gia (không rõ họ); Nguyễn Văn Vệ; Lê Quang Nhơn; Trần Văn Đắc; Trung tá Phạm Văn Luyện; thiếu tá Sáu; trung tá Lại Nguyên Tấn; trung tá Đức (không rõ họ); Bùi Văn Tâm và đại tá Phạm Văn Hải.
Trong số này, chỉ có 2 người làm ở đây lâu nhất đó là trung tá Luyện và Nguyễn Văn Vệ. Trung tá Luyện làm quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa lần thứ nhất là từ năm 1962 đến hết năm 1963, lần thứ hai là từ năm 1965 đến hết năm 1968, còn Nguyễn Văn Vệ lần thứ nhất làm từ năm 1956 đến năm 1960, lần thứ hai từ năm 1972 đến cuối năm 1973. Trong 10 viên cai ngục thì khét tiếng nhất chỉ có Nguyễn Văn Vệ.
Tại Trung tâm Quản lý hồ sơ nghiệp vụ của Tổng cục An ninh, các cán bộ làm công tác tra cứu hồ sơ đã lắc đầu thở dài khi nhìn tờ phiếu tôi đưa xin tra cứu vẻn vẹn có mấy chữ: Nguyễn Văn Vệ... Theo thông lệ, muốn tra cứu hồ sơ một con người thì phải có đầy đủ các thông số như họ tên, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ, số lính hoặc số phù hiệu cảnh sát; bố mẹ, vợ con... Tuy vậy sau 2 ngày tra cứu vất vả trong hàng ngàn người có tên Nguyễn Văn Vệ thì các anh chị cũng tìm thấy cho tôi hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ là quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa.
Một góc khám Chí Hoà hôm nay và viên cai ngục Nguyễn Văn Vệ. |
Nhìn tập hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ, tôi rất ngạc nhiên bởi nó có độ dày khủng khiếp: khoảng hơn 400 trang. Hồ sơ của Nguyễn Văn Vệ được lưu giữ cực kỳ tỉ mỉ, trong đó có từ những tấm giấy khai sinh ghi rõ Nguyễn Văn Vệ sinh ngày 12/7/1922; bằng tốt nghiệp bậc Thành chung rồi các loại quyết định nâng lương, đề bạt khen thưởng, thuyên chuyển công tác; các phiếu nhận xét về năng lực của Nguyễn Văn Vệ trong suốt gần 35 năm phục vụ từ chính quyền của Bảo Đại đến thời kỳ sau này. Rồi các bản tự khai của Nguyễn Văn Vệ trong thời gian đi học tập cải tạo và trớ trêu thay Nguyễn Văn Vệ, từng 2 lần làm quản đốc Khám Chí Hòa, 1 lần làm quản đốc nhà tù Côn Đảo lại quay trở lại Khám Chí Hòa từ ngày 2/6/1975 cho đến ngày 13/10/1982, tất nhiên lần này không phải với vai trò quản đốc mà với tư cách phạm nhân...
Nguyễn Văn Vệ sinh ra trong một gia đình đông anh em, là con út. Cha chết khi Vệ mới 11 tuổi. Vệ được đi học hết bậc trung học và giỏi tiếng Anh, Pháp. Tháng 8/1945, Nguyễn Văn Vệ hòa mình vào dòng người đi cướp chính quyền và tham gia “Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ”. Do có học nên Vệ được chọn làm nhân viên thư ký của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Nhưng đi theo Cách mạng chỉ được có 6 tháng, Vệ chịu không nổi và bỏ về nhà.
Suốt từ giữa năm 1946 đến 1952, Vệ làm nhân viên Công an ở Sóc Trăng, Châu Đốc. Sự mẫn cán và tính cứng rắn, thậm chí độc ác của Vệ đã được chính quyền phản động thời đó ghi nhận. Chính vì vậy đến năm 1953, Vệ đã là Trưởng ty Công an Bạc Liêu. Nhận xét trong quá trình công tác của Nguyễn Văn Vệ khi làm Trưởng ty Công an là: “Có thành tích triệt hạ những người kháng chiến tại Bạc Liêu...”. Không hiểu rằng, để có được những dòng nhận xét ấy Vệ đã sát hại bao nhiêu cán bộ và bao nhiêu người dân được hắn khép cho tội theo Việt Minh.
Đến năm 1954, thì Vệ gia nhập quân đội Việt Nam Cộng hòa của Ngô Đình Diệm. Trong bản tự thuật lý lịch của mình thời đó, Vệ đã tự nhận như sau: “Sống bình dị, vui vẻ, cởi mở với mọi người. Nhược điểm là tính nóng”. Năm 1956, Vệ được đưa về làm quản đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa thuộc Nha tổng quản đốc các trung tâm cải huấn - Bộ Nội vụ và được phong hàm thiếu tá.
Trong phiếu tính điểm sĩ quan ngày 22/8/1958 của Nguyễn Văn Vệ, có ghi: “Thiếu tá Nguyễn Văn Vệ là sĩ quan mẫn cán, tận tụy với nhiệm vụ, có những nhận xét chính xác về tình hình chung của cơ sở hành chính và Trung tâm Cải huấn Chí Hòa. Đã áp dụng những biện pháp mạnh mẽ và hữu hiệu để giữ gìn trật tự an ninh”. Về tư cách đạo đức tác phong thì: “Nêu cao tinh thần kỷ luật, có tác phong đúng đắn và hạnh kiểm tốt trong khi thi hành chức vụ. “Chấm điểm”, Vệ được 19,5 trên tổng số điểm là 20.
Người nào có mức điểm từ 18 trở lên thì được coi là sĩ quan ưu tú. Trong phiếu nhận xét gồm các mục: sức khỏe, y phục, tinh thần kỷ luật, nhân cách, tính nết, hạnh kiểm, can đảm, chính trực, kiến thức tổng quát, thông minh, trí nhớ, trí xét đoán thì tất cả đều được đánh giá là tốt. Khi làm quản đốc Chí Hòa, Vệ được chấm 19/20 điểm và được đánh giá là sĩ quan siêng năng, tận tâm, rất đáng được khích lệ và tưởng thưởng kịp thời.
Trong thời kỳ từ năm 1956 đến 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm mở các chiến dịch đàn áp khốc liệt những người kháng chiến, vì thế Khám Chí Hòa luôn chật ních tù chính trị. Và tất nhiên, những cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, chống chào cờ, chống tra tấn, nhục hình liên tục nổ ra. Để trừng phạt những người “cứng đầu”, Nguyễn Văn Vệ cho lập hẳn một khu kỷ luật, mà thực chất là nơi chuyên tra tấn tù nhân. Khu này nằm gần sát nơi mà sau này là pháp trường xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi.
Trong khu này có hai phòng khủng khiếp nhất, được người tù gọi là “phòng điện ảnh” và “phòng truyền hình”. Mỗi phòng diện tích chỉ khoảng 6m2, và vẫn sử dụng những chiếc còng có từ... thời Nhật. Tù nhân bị đưa vào đây buộc phải cởi hết quần áo, còng chân chung vào một thanh sắt dài và mặc cho muỗi đốt, rệp cắn mà không tài nào đuổi được, gãi được. Vệ đã cho lắp một loại còng mới của Mỹ.
Loại còng này quái gở ở mức là nếu người tù càng cựa quậy thì còng lại càng xiết chặt hơn. Sở dĩ có tên “điện ảnh, truyền hình” như vậy là khi người tù bị đưa vào đây, chúng đánh đập tra tấn đến muốn vỡ tung đầu óc, nhìn cái gì cũng thấy nhòe nhoẹt như xem phim đến đoạn cuối thay cuốn, hoặc màn hình bị nhiễu. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng phòng giam này quét hắc ín đen kịt, khi đóng cửa lại là “tối như phòng “chiếu phim”, nên được gọi là “phòng điện ảnh”.
Tại Chí Hòa, dưới thời Nguyễn Văn Vệ, bọn cai ngục chuyên tra tấn tù nhân đã nâng mức tra tấn lên hàng “nghệ thuật”. Chúng tra khảo, đánh đập người tù bất kể là ngày hay đêm và đặt tên cho các ngón đòn là “đi tàu lặn” (dìm đầu người tù vào thùng phuy nước, cho gần chết ngạt rồi lôi ra, đạp lên bụng cho phọt nước); đi máy bay (treo người tù lên rồi hai tên đứng hai bên đấm, người tù văng từ bên nọ sang bên kia); “đánh tứ giác” (bốn tên đứng bốn góc và đánh người tù văng từ góc này sang góc khác)...
Các hình thức tra tấn đối với tù chính trị của bọn ác ôn Khám Chí Hòa thời này có những chuyện vượt xa sự tưởng tượng. Khám Chí Hòa có số lượng tù nhân đông nhất là vào năm 1972-1973. Các phòng giam lớn của Chí Hòa có diện tích gần 50 m2 nhưng luôn nhét khoảng 100 tù nhân, thậm chí có phòng nhét tới 180 người. Có 40 trẻ em bị bắt nhốt vào Chí Hòa do bị nghi là “Cộng sản”. Nguyễn Văn Vệ cho nhốt chung các trẻ em này vào với tù thường phạm, và thế là môi trường nhà tù đã biến các em trở thành những kẻ du đãng, giang hồ.
Nguyễn Văn Vệ trong thời gian làm chúa ngục Côn Đảo đã có “thành tích” đặc biệt là thẳng tay đàn áp những người tù chính trị. Dưới ách “cai trị” của Nguyễn Văn Vệ suốt từ năm 1965 đến 1968, tù nhân trên Côn Đảo đã phải chịu qua những ngày tháng khốc liệt nhất. Không thể tính được có bao nhiêu người đã chết dưới bàn tay của Nguyễn Văn Vệ. Và sự tàn ác này đã được chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ghi nhận.
Thẻ căn cước của Nguyễn Văn Vệ. |
Ngày 16/5/1968, Văn phòng Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, có văn bản gửi Tổng trưởng Quốc vụ Sài Gòn về việc thăng cấp trung tá cho thiếu tá Nguyễn Văn Vệ. Số quân 42A-101-426. Văn bản có đoạn viết: “Trong dịp đi kinh lý tại Côn Sơn, thủ tướng chính phủ nhận thấy Nguyễn Văn Vệ là chỉ huy ưu tú, hoạt động đảm đang, đầy đủ tinh thần kỷ luật và trách nhiệm... yêu cầu đặc cách, thăng bậc trung tá cho Nguyễn Văn Vệ”. Văn bản này do luật sư Nguyễn Văn Lộc thừa lệnh thủ tướng ký. Đây là một trường hợp đặc biệt vì chưa bao giờ có chuyện thủ tướng yêu cầu Tổng trưởng Quốc phòng thăng hàm cho một sĩ quan.
Thế rồi, đến năm 1973, Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Nội vụ Trần Thiện Khiêm lại có công văn gửi Tổng trưởng Quốc phòng yêu cầu: “Trong hai lần đảm nhiệm trọng trách tương đối khó khăn, tế nhị và phức tạp, trung tá Vệ luôn được xác nhận có biệt tài, có sáng kiến trong vấn đề cải huấn, duy trì hữu hiệu trật tự tại Công Sơn, là sĩ quan có tinh thần kỷ luật, đảm đang, mẫn cán tận tâm với chức vụ. Đề nghị thăng cấp đại tá cho trung tá Nguyễn Văn Vệ...”. Tuy nhiên, việc thăng cấp này không được thực hiện bởi vì Vệ bị An ninh quân đội nghi là người của thủ tướng, cho nên năm 1974, Vệ được giải ngũ về nhà và buôn bán chất đốt.
Trong bản tự nhận xét của mình sau này, Vệ tự nhận như sau: “Khi làm trưởng ty Công an Bạc Liêu tôi đã chống đối cách mạng khi bắt bớ những chiến sĩ hoạt động chống lại ngụy quyền. Khi làm Giám đốc Trung tâm Cải huấn Chí Hòa cũng như Côn Sơn, tôi đã làm đời sống chính trị phạm đã cực khổ càng thêm cực khổ xuyên qua những hình phạt biệt giam, đàn áp khủng bố bằng hạn chế đi đứng dùng lựu đạn cay gây thương tích cho chính trị phạm, gián tiếp chịu trách nhiệm về những cái chết, về bệnh tật của chính trị phạm. Không xúc động trước cảnh đau khổ của chính trị phạm...”.
Còn theo đánh giá của Cơ quan An ninh thì: “Nguyễn Văn Vệ là tên chúa đắc lực của địch có nhiều tội ác trong cai quản, đàn áp, đánh giết tù nhân chính trị đồng thời rất gian ác xảo quyệt trong việc dùng mạng lưới chìm để theo dõi giám sát tù chính trị”
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét