Gần 2/3 người được hỏi trước khi Mỹ, EU chính thức tung ra những đòn trừng phạt mới đều tin rằng Nga cần phải có “lập trường rất cứng rắn và mạnh mẽ” trong quan hệ với nước láng giềng ngay sát nách – Ukraine, Gallup cho hay.
Thái độ của người Nga có thể phản ánh lập trường cứng rắn hơn mà người Nga cảm nhận được ở nước họ sau khi Moscow chính thức tiến hành sáp nhập Crimea hồi tháng 3. Mặc dù Mỹ và các nước phương Tây khác liên tục lên án, chỉ trích động thái trên của Nga thì gần như toàn bộ người dân Nga, tới 95%, theo dõi diễn biến tình hình về cuộc khủng hoảng Crimea đều bày tỏ sự ủng hộ đối với việc sáp nhập bán đảo xinh đẹp này vào Nga.
Dù mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga, Ukraine đang rơi xuống mức thấp nhất thì hầu hết người Nga vẫn để ngỏ khả năng thiết lập một mối quan hệ nào đó giữa hai nước từng là những đồng minh xưa cũ. Trong khi đa số người Nga muốn đất nước của họ quyết định các điều kiện trong mối quan hệ đó và áp dụng một lập trường mạnh mẽ với Ukraine thì chỉ 4% người Nga tin rằng, đất nước họ nên cắt đứt hoàn toàn quan hệ với nước láng giềng, Gall up cho hay.
Không rõ liệu người Nga có thay đổi quan điểm của họ sau vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ và EU. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc những biện pháp trừng phạt đó có thể tác động đến cá nhân của từng người Nga như thế nào và việc những “kiến trúc sư chính” trong việc xây dựng hình ảnh tích cực mới của Nga trong bộ máy lãnh đạo sẽ đối phó thế nào với tình hình, Gallup nhận định.
Các biện pháp trừng phạt trước đó của Mỹ và phương Tây chẳng làm thay đổi mấy đến tình cảm nồng nhiệt của người Nga đối với nhà lãnh đạo của họ khi tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin tăng chóng mặt lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Những biện pháp trừng phạt trước đó của Mỹ và phương Tây dường như cũng không làm ảnh hưởng mấy đến quan điểm của người Nga về nền kinh tế nước họ khi ngày càng có nhiều người Nga tin rằng nền kinh tế của đâtgs nước hiện đang phát triển tốt hơn kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, không giống như các biện pháp trừng phạt được tung ra trước đây, vòng trừng phạt mới nhất mà Mỹ và EU tuyên bố áp dụng với Nga có thể tác động đến triển vọng của toàn bộ nền kinh tế Nga. Dù đang phát triển tích cực hơn so với trong quá khứ, triển vọng của nền kinh tế Nga vẫn tương đối yếu và đây có thể là nơi mà sự ủng hộ của công chúng dành cho chính sách Ukraine của Moscow có thể bị tổn thương.
Đa số người dân ở mọi thành phần trong xã hội Nga, không kể tuổi tác, giới tính hay trình độ văn hóa, đều thống nhất ủng hộ một lập trường mạnh mẽ đối với Ukraine . Người Nga từ 60 tuổi trở lên – những người hoài niệm về Ukraine như một phần của Xô viết trong phần lớn cuộc đời của họ - là lực lượng lớn nhất ủng hộ có một mối quan hệ tốt đẹp với nước láng giềng Ukraine dù bất kỳ giá nào, Gallup cho hay.
Mỹ, EU đang phát đi tín hiệu “Chiến tranh Lạnh” với Nga
Việc Mỹ, EU vừa tung ra một loạt những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến giờ nhằm vào Nga đã vấp phải sự chỉ trích, lên án gay gắt của giới chức ở Moscow .
Một Phó Chủ tịch Hạ viện Nga hôm qua (31/7) cho rằng, với thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, phương Tây trên thực tế đã tuyên bố một cuộc Chiến tranh Lạnh với Moscow, trong khi Mỹ phớt lờ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng việc bảo hộ cho nền kinh tế của họ và giáng một đòn mạnh xuống các công ty của Nga và EU.
“Trong một chừng mực nào đó, một cuộc “Chiến tranh Lạnh” đã được khởi xướng và hiện tại nó đang được thể hiện thong qua các biện pháp trừng phạt”, ông Sergei Neverov đã nói như vậy trên kênh truyền hình Rossiya-24 của Nga.
Phó Chủ tịchHạ viện Nga cũng cáo buộc Washington khơi mào một cuộc cạnh tranh thiếu công bằng. “Hiện tại, Mỹ và trong một chừng mực nào đó là cả EU, đã phát lờ các quyết định của Tổ chức Thương mại Thế giới và bản WTO khi áp dụng những bước đi như vậy và vì thế đã giúp bảo hộ cho một số lĩnh vực cụ thể trong nền kinh tế Mỹ”, ông Neverov cho biết.
“Mặt khác, Mỹ không quan tâm đến việc Châu Âu sẽ phải hứng chịu hậu quả như thế nào hoặc thực tế rằng nhiều công ty và công dân Châu Âu sẽ mất mát không ít hoặc thậm chí nhiều hơn Nga”, ông Neverov nói thêm.
Trước đó, hồi đầu tuần, sau khi thông báo về những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, Tổng thống Barack Obama đã khẳng định rằng, không có chuyện đang có một cuộc “Chiến tranh Lạnh” với Moscow và rằng Mỹ vẫn tiếp tục tiếp xúc với Nga, Ukraine cũng như EU để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu hiện nay.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét