Theo ITAR-TASS, RIA Novosti, Tân Hoa xã và Ðài Tiếng nói nước Nga, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Tổng thống Nga V.Pu-tin đã điện đàm về tình hình U-crai-na, cuộc nói chuyện đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Mát-xcơ-va liên quan cuộc khủng hoảng U-crai-na.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần chấm dứt ngay lập tức chiến sự ở miền đông U-crai-na, đồng thời bắt đầu tiến trình chính trị ở nước này; tiếp tục các cuộc tiếp xúc giữa nhóm làm việc ba bên gồm U-crai-na, Nga, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và nhất trí duy trì các kênh liên lạc giữa hai bên. Cùng thời điểm này, Tổng thống U-crai-na P.Pô-rô-sen-cô cam kết nước này sẽ có Quốc hội mới trong vài tháng tới để bắt đầu các cải cách và kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn.
* EU thừa nhận, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sẽ không giúp hạ nhiệt tình hình tại U-crai-na mà còn khiến các nước thành viên EU sẽ thiệt hại khoảng 40 tỷ và 50 tỷ ơ-rô trong hai năm do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp vũ khí và hàng hóa, công nghệ. Ðức cho biết, các biện pháp trừng phạt sẽ gây rủi ro cho 350.000 người lao động. Phó Thủ tướng Ba Lan đánh giá các biện pháp trừng phạt của EU với Nga sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của quốc gia Trung Âu này giảm 0,6% trong năm nay.
* Phát biểu trên kênh truyền hình ARD của Ðức, Phó Thủ tướng Ðức X.Ga-bri-en cho biết, Béc-lin chờ đợi lệnh cấm Pháp bán tàu sân bay cho Nga. Theo lệnh trừng phạt kinh tế Nga của EU, Ðức sẽ không bàn giao vũ khí hay trang thiết bị quân sự cho Nga ngay cả khi hợp đồng đã được ký trước đây. Trong khi đó, Pháp đang phải đối mặt với những nguy cơ tài chính nghiêm trọng nếu hủy hợp đồng với Nga. Theo hợp đồng đã ký từ năm 2011, Pháp sẽ bàn giao cho Nga tàu tiến công đổ bộ lớp Mistral vào cuối năm nay.
* Trong khi đó, theo Roi-tơ, giao tranh giữa quân đội U-crai-na và lực lượng dân quân tự vệ miền đông vẫn diễn ra ác liệt gần hiện trường rơi máy bay MH17. Nhóm 101 chuyên gia quốc tế được phép tiếp cận hiện trường đã tìm thấy nhiều thi thể của nạn nhân và những thi thể này sẽ được đưa về Hà Lan để xác định danh tính. Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ cho biết, tình hình an ninh tại hiện trường vẫn bất ổn và khó lường, dù Tổng thống U-crai-na cam kết tuân thủ lệnh ngừng bắn.
* Tổng công tố Nga Y.Chai-ca tuyên bố, quân đội U-crai-na phải chịu trách nhiệm hình sự vì "những tội ác chiến tranh" chống lại dân thường. Ông kêu gọi Tòa án Hình sự quốc tế La Hay khởi kiện hình sự đối với những tội phạm chiến tranh ở U-crai-na. Trong khi đó, đại diện báo chí của NATO xác nhận rằng, quân đội U-crai-na đã sử dụng tên lửa đạn đạo ở phía đông đất nước.
* Nhằm thống nhất một chính sách cứng rắn hơn nữa đối với Nga đồng thời trấn an rằng các nước thành viên của NATO sẽ không bị đe dọa, Thủ tướng Anh Ð.Ca-mê-rôn đã gửi thư cho Tổng Thư ký NATO kêu gọi liên minh quân sự này cần duy trì sự hiện diện phòng thủ mạnh mẽ ở khu vực Ðông Âu và tăng cường lực lượng phản ứng nhanh ở cả trên bộ, trên không và trên biển. Những đề xuất của Thủ tướng Ca-mê-rôn được đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao NATO sẽ diễn ra vào tháng 9 tới ở miền nam xứ Uên.
* Trong một diễn biến liên quan, Mỹ cam kết cung cấp gói viện trợ mới trị giá 8 triệu USD để U-crai-na củng cố lực lượng biên phòng. Phó Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đưa ra cam kết này trong cuộc điện đàm với Tổng thống U-crai-na P.Pô-rô-sen-cô. Gói viện trợ bao gồm thiết bị kỹ thuật và giám sát, phương tiện vận chuyển và tuần tra cũng như các tàu nhỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét