"Có thể xảy ra tình huống thế này: một binh sĩ ly khai từ Ukraine đi ngang qua thành phố Rostov và bỏ mạng. Khi đó chúng tôi được phép an táng cho anh ta ở đây".
Truyền thông và mạng internet của Ukraine đang lan truyền bức ảnh về những ngôi mộ mới xây ở các nghĩa trang của thành phố Rostov bên bờ sông Đông (Nga).
Người ta đồn rằng, đó là mộ của lính tình nguyện Nga thiệt mạng tại Donbass, sau khi gia nhập hàng ngũ ly khai.
Một số bức ảnh do Ukraine đăng tải về những ngôi mộ này. |
Phóng viên trang tin điện tử Nga Gazeta.ru đã đến tận nghĩa trang Severnoe, phía bắc Rostov để tìm hiểu sự tình.
“Nếu làm vậy tôi đã bị bỏ tù lâu rồi”
Trưởng phòng quản lý các nghĩa trang thành phố, ông Valery Zykov, chia sẻ rằng diện tích của nghĩa trang Severnoe, một trong những nghĩa trang lớn nhất Châu Âu, lên tới khoảng hơn 400ha. Tại thành phố này, đây là nơi duy nhất còn chỗ trống.
“Đây này, đây là khu mộ vô danh. Tất cả đều được thực hiện theo các giấy tờ của nhà xác đưa cho chúng tôi”, ông Zykov đưa phóng viên tới chỗ những ngôi mộ mà đất ở đó vẫn còn mới – khu “31a”.
Theo Gazeta, căn cứ vào hình ảnh công trường còn đang ngổn ngang trong bức ảnh đang được lan truyền trên mạng thì có lẽ đây chính là những ngôi mộ “đáng nghi vấn” đó.
“Ở chỗ chúng tôi không có chuyện đưa xác đến, lẳng lặng đào hố và lấp đất lên. Nếu làm vậy thì tôi đã ngồi tù lâu rồi. Chưa bao giờ tôi dám ký giấy cho phép chôn cất một binh sĩ ly khai hoặc ai đó mà không được phép cả”.
Bức ảnh của phóng viên Gazeta chụp tại nghĩa trang Severnoe. |
Một vài tấm biển trắng cắm trên các ngôi mộ này có ghi tên tuổi người đã khuất, một số tấm khác chỉ ghi các chữ NM (nam, không rõ danh tính) và VAW (nữ, không rõ danh tính), cùng ngày mất và tuổi đời - từ 30 - 80 tuổi.
“Không lẽ binh sĩ ly khai thì vô danh? Thêm nữa, không lẽ cụ ông 70 tuổi hoặc cụ bà 60 tuổi cầm súng đi chiến đấu? Thật phi lý”.
Ông Zykov nói rằng, đã vài lần ông bắt gặp những tay phóng viên ảnh ở đây, nhưng “họ cứ bệnh bệnh làm sao ấy” – khi ông bắt chuyện thì không hiểu sao họ bỏ chạy.
Có một khu khác nữa ở nghĩa trang này nằm tách biệt - đó là khu tưởng niệm các liệt sĩ vô danh hi sinh trong chiến dịch quân sự đầu tiên tại Chechnya.
Chủ tịch Hội bảo vệ Di tích lịch sử - Văn hóa Quốc gia ở Rostov, nhà sử học Alexandr Kozin, xác nhận, những lính Nga thiệt mạng ở Chechnya mà không thể xác định danh tính đã được chôn cất tại đây, nhưng "không phải là mộ tập thể, mỗi người một ngôi mộ riêng".
Theo ông này, nếu như có nhiều lính tình nguyện Rostov hi sinh tại Donbass thì các đồng đội cũng sẽ chôn cất họ một cách đầy trân trọng, chứ không phải lén lút.
Khu Tổ Quốc ghi công tại nghĩa trang Severnoe. |
“Có thể binh sĩ ly khai đi từ Ukraine qua Rostov và chết ở đây”
Ngay cả liên minh độc lập “Phụ nữ sông Đông”, tổ chức chuyên về các vấn đề lính nghĩa vụ và theo dõi diễn biến tại Donbass, cũng không hề hay biết các nấm mộ bí mật của lính tình nguyện Nga tham chiến tại đông nam Ukraine.
Chủ tịch của liên minh, bà Valentina Cherevatenko, nói rằng, bà không có thông tin nào gì những ngôi mộ “đáng ngờ” đó.
Trả lời phỏng vấn Gazeta, ông Vladimir Artzybashev, phó chủ tịch thành phố Rostov phụ trách các vấn đề an sinh xã hội, thì phản bác rằng, không có bằng chứng để đưa ra những cáo buộc đó.
"Về lý thuyết, cứ coi như sự việc giống với điều mà truyền thông Ukraine mô tả, thì việc an táng binh lính thiệt mạng ở nơi nào đó xa biên giới hợp lý hơn là gần biên giới, nhằm tránh bị phát hiện.
Thực hiện nó tại Rostov là điều vô cùng khó khăn - ở đây không có nghĩa trang khép kín, tất cả đều mở, công khai.
Theo quy định của chính quyền thành phố, chúng tôi chỉ được chôn cất cư dân địa phương và những người không may chết ở đây mà không có người thân đến nhận.
Có thể xảy ra tình huống như thế này: một binh sĩ ly khai từ Ukraine đi ngang qua thành phố Rostov và bỏ mạng ở đây. Khi đó chúng tôi được phép an táng cho anh ta ở đây.
Chúng tôi không thống kê những trường hợp kiểu này, nhưng nếu có thì cũng hiếm thôi, và về mặt lý thuyết, nó có thể xảy ra”.
"Các thi thể được chuyển về Nga một cách định kỳ"
Một chức sắc nước Cộng hòa Donetsk tự xưng, ông Oleg Melnikov, cho hay, những người Nga thiệt mạng được chôn cất tại chỗ nếu không tìm được thân nhân hoặc trong trường hợp khẩn cấp, ví như khi bị quân chính phủ Ukraine bao vây hồi năm ngoái ở Slavyansk.
“Khi đó chúng tôi không thể đưa thi thể ra ngoài vòng vây nên đành phải an táng tại nghĩa trang địa phương. Trên mộ có cắm tấm bảng với chữ “M” để biết được đó là người của tôi”.
Ông Melnikov xác nhận, các thi thể được chuyển từ nhà xác lên tàu chuyên dụng và đưa qua biên giới Nga, nếu như tìm được người thân.
“Chúng tôi từng gặp trường hợp một cảnh sát tên là Pavel, 22 tuổi, đến từ Moscow. Anh ta nói với người thân là đi công tác nhưng thực tế là xin nghỉ phép ở cơ quan, tham gia vào hàng ngũ của chúng tôi rồi hi sinh.
Chúng tôi đã chuyển thi thể anh ấy về Nga và giao lại cho người thân, Bộ Nội vụ Nga đã hỗ trợ tối đa.
Tôi không tin họ sẽ án táng những người lính vô danh này ngay tại Rostov. Nếu như muốn giấu xác thì tại sao chúng tôi không chôn cất họ ngay ở Donetsk và Lugansk?”.
Những binh sĩ ly khai khác mà Gazeta phỏng vấn được cũng xác nhận, họ tự chuyển thi thể các đồng đội Nga của mình về nước và giao lại cho người thân.
Đại diện Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Donetsk tự xưng, ông Vladislav Brig, thì nói rằng họ đã cử một người chuyên giám sát việc liên lạc với người thân các binh sĩ và kiểm soát việc chuyển thi thể lính tình nguyện Nga thiệt mạng ở đây về nước.
Theo lời của ông Brig, các thi thể được vận chuyển về Nga theo định kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét