Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang thực hiện những chiến lược riêng để giành quyền bá chủ châu Á, dẫn đến một cuộc xung đột hết sức gay gắt.
Giấc mơ Trung Hoa về “một vành đai một con đường”
Chỉ sau hơn một tháng kể từ khi Tổng thống Mỹ Obama một lần nữa khẳng định chính sách “Tái cân bằng” mà trọng tâm là “xoay trục về châu Á”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay lập tức đã đưa ra ý tưởng “một vành đai một con đường”.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đang triển khai một cách quyết liệt những sách lược nhằm thâu tóm một châu Á đang phát triển năng động trong tay mình. Vậy ý tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay chiến lược của Tổng thống Mỹ Obama sẽ chi phối châu Á?
Điều này chưa ai có thể khẳng định được nhưng chắc chắn một điều là nó sẽ dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt giữa quyền bá chủ và trật tự toàn cầu của Mỹ (Pax Americana) với vai trò lãnh đạo và trật tự thế giới của Trung Quốc (Pax Sinica).
Ngày 28-3, ông Tập Cận Bình lại nhắc lại ý tưởng “một vành đai, một còn đường” trong hội nghị “Diễn đàn châu Á Bác Ngao” được tổ chức thường niên tại Hải Nam, Trung Quốc, với mong muốn mở ra một thời kỳ hưng thịnh như thời đất nước Trung Hoa đã từng là trung tâm của thế giới…
Trung Quốc giải thích về ý tưởng “một vành đai một con đường” rằng, “Con đường tơ lụa” trên bộ và trên biển mới sẽ kết nối phương Đông và phương Tây lại với nhau, dưới sự chủ đạo của Bắc Kinh để tạo ra một vành đai kinh tế khổng lồ phủ khắp hơn 60 quốc gia với dân số lên đến 4,4 tỷ người.
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyền chi phối châu Á |
Theo ý tưởng của Bắc Kinh, “Một vành đai” giống với “Con đường tơ lụa”, đã từng là cầu nối đông tây mà triều đại Hán, Đường của Trung Quốc đã khởi xướng, là trục ngang kết nối Á - Âu đi qua Trung Á-Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu.
“Một con đường” giống với tuyến đường mà Đô đốc Trịnh Hòa của Trung Quốc đi từ nước mình qua Biển Đông của Việt Nam sang eo biển Malacca nối với Ấn Độ Dương, châu Phi và Địa Trung Hải cuối cùng là Châu Âu.
Dựa vào đó, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra ý tưởng “vành đai kinh tế Trung Hoa”, tức là thông qua hai tuyến đường lớn trên bộ và trên biển, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông của các quốc gia liên quan lại với nhau, từ đó xây dựng khu vực mậu dịch tự do, mở rộng phạm vi giao dịch của đồng Nhân Dân Tệ.
“Tái cân bằng” có thành công với “Lưới đồng minh châu Á”?
Nhưng ý tưởng này của ông Tập đã xung đột với chiến lược “Lưới đồng minh châu Á” của Tổng thống Mỹ Obama đã đưa ra trong báo cáo chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, được trình lên quốc hội nước này vào tháng 2 vừa qua.
Trong chính sách “Tái cân bằng” mà trọng tâm là chiến lược “xoay trục về châu Á”, Tổng thống Mỹ Obama đã đề xuất chiến lược kết nối châu Á-Thái Bình Dương lại với nhau dựa trên nền tảng kinh tế và quân sự dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Cốt lõi của chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ là tăng cường quan hệ đồng minh song phương mà Hoa Kỳ đã xác lập với Nhật Bản, Hàn Quốc, Philipines và Australia trong lĩnh vực quân sự.
Ai sẽ thắng trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng này? |
Còn trọng tâm về mặt kinh tế là Mỹ sẽ đàm phán hiệp định quan hệ kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Nhật, Austria, Malaysia và Singapore…để tạo ra một khu vực kết nối mậu dịch tự do hai bờ Thái Bình Dương.
Hai nhà lãnh đạo này không hề che giấu mục tiêu muốn giành lấy quyền lãnh đạo của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước Trung Quốc đã nhấn mạnh trong diễn đàn Bác Ngao rằng “châu Á cần hướng đến một cộng đồng chung vận mệnh, mở ra tương lai mới cho khu vực”, mà đầu tàu mở ra vận mệnh mới của châu Á đương nhiên phải là Bắc Kinh.
Ngược lại, báo cáo của Tổng thống Obama lại khẳng định “vai trò lãnh đạo của Mỹ là tất yếu để xác lập quỹ đạo phát triển lâu dài ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Như vậy, có thể thấy rằng ý tưởng lớn của hai nhà lãnh đạo này đang xung đột một cách gay gắt.
Đề xuất cộng đồng chung vận mệnh của ông Tập khiến mọi người liên tưởng đến một trật tự châu Á trong quá khứ, do Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo. Hiện nay, Bắc Kinh lại muốn xây dựng một trật tự Trung Hoa phiên bản thế kỷ 21 tại châu Á.
Về phía Hoa Kỳ, chắc chắn họ không thể khoanh tay ngồi nhìn, chính quyền của ông Obama sẽ làm mọi điều để chiến lược “Lưới đồng minh châu Á” của Mỹ bao trùm lên “giấc mơ Trung Hoa”.
- Bảo Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét