Nga sẽ bán cho Iran một loạt hệ thống vũ khí hiện đại nếu như các lệnh trừng phạt, cấm buôn bán vũ khí được gỡ bỏ
Các lãnh đạo đến từ Iran và nhóm P5+1 đã thống nhất một thoả thuận khung đối với chương trình hạt nhân Iran vào hôm 2/4 vừa qua.
Trong đó, Iran chấp nhận hạn chế các cơ sở hạt nhân ít nhất trong một thập kỉ tới và đồng cho các giám sát viên kiểm tra hoạt động này. Đổi lại, tất cả các lệnh trừng phạt của EU và Mỹ phải được gỡ bỏ.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng đề xuất Liên Hợp Quốc bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí với Tehran.
“Gỡ bỏ cấm vận với Iran, bao gồm cả lệnh cấm vận buôn bán vũ khí, sẽ là một việc làm mang tính lô-gíc. Đây là điểm mấu chốt để Nga bàn giao các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Hợp đồng này đều đã được chấp thuận bởi Moscow và Tehran”, ông Igor Korotchenko, người đứng đầu Trung tâm phân tích Thương mại vũ khí toàn cầu, có trụ sở tại Moscow cho hay.
Vào năm 2007, Nga đã kí một hợp đồng mua bán các hệ thống phòng không S-300 trị giá 800 triệu USD với Iran. Tuy nhiên, Moscow đã đình chỉ thoả thuận này vào năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra nghị quyết cấm vận buôn bán vũ khí cho Iran do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga |
Iran sau đó đã kiện Nga ra toà án quốc tế ở Geneva, Thuỵ Sĩ và đòi tiền bồi thường lên đến 4 tỉ USD. Moscow sau đó đã đề nghị cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Antei-2500 thay cho S-300, tuy nhiên, Tehran không đồng ý và đòi giữ nguyên thoả thuận ban đầu.
Vấn đề đặt ra ở chỗ, Iran không chỉ thèm muốn một mình hệ thống S-300 của Nga, mà còn rất nhiều loại vũ khí phòng thủ cũng như tấn công hiện đại khác. Từ khi bị áp đặt các lệnh cấm vận mua bán vũ khí, Iran đã phải tự xoay sở bằng nhiều cách để có thể duy trì một lực lượng quân sự tương đối mạnh trong khu vực.
Tuy nhiên, họ vẫn muốn tiếp cận được với các công nghệ vũ khí hiện đại hơn và không chịu cảnh lép vế trước những đối thủ tiềm năng như Israel hay các quốc gia Ả Rập. Đặc biệt với các chiến đấu cơ của Nga như dòng Su-30, Su-35... hay các khí tài tác chiến điện tử, tác chiến trên bộ khác.
Bản thân Nga đã từng mang vấn đề cung cấp vũ khí cho Iran để đe dọa Mỹ. Còn nhớ hồi giữa tháng 3, quan chức quốc phòng Nga đã nhấn mạnh họ sẽ đơn phương phá vỡ các lệnh cấm vận đang áp đặt lên Iran để cung cấp vũ khí cho nước này nếu Washington viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Có thể thấy rằng, việc bán vũ khí cho Iran là một trong những lá bài địa chính trị mà Nga đủ sức gây sức ép tới chính quyền Mỹ. Và bản thân Iran cũng đã nung nấu cơ hội được gỡ bỏ lệnh cấm vận để mua vũ khí ồ ạt. Iran là một quốc gia giàu tiềm năng kinh tế và họ có thể mua tất cả mọi thứ nếu Nga bán.
Việc Washington đạt được thỏa thuận với Tehran về vấn đề hạt nhân là bước tiến quan trọng trong an ninh hạt nhân Mỹ cũng như đồng minh trong khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, đẩy Iran vào thế tiếp cận được công nghệ vũ khí hiện đại lại là một vấn đề lợi bất cập hại đi kèm.
Đỗ Phong (Tổng hợp ANTĐ, ĐVO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét