Chiến đấu cơ F-18 trong hình cùng kiểu với hai chiếc đã hạ cánh khẩn cấp xuống Đài Loan ngày 01/04/2015. Ảnh Reuters |
Câu hỏi được giới quan sát đặt ra ngay sau khi vụ việc được tiết lộ là phải chăng Hoa Kỳ đã cố tình cho hai chiếc phi cơ này hạ cánh xuống vùng lãnh thổ rất nhạy cảm trong quan hệ Mỹ -Trung này để cảnh cáo Bắc Kinh?
Thiên về giả thuyết này là nhật báo Mỹ Washington Times, thường được xếp vào diện '‘diều hâu’' tại Mỹ. Trong một bài phân tích công bố ngay hôm 01/04, tờ báo này không ngần ngại chạy tựa « Việc các chiến đấu cơ phản lực của Thủy quân lục chiến (Mỹ) đáp xuống Đài Loan gởi thông điệp đến Trung Quốc ».
Theo tờ báo, đó là một « thông điệp chính trị mà Lầu Năm Góc gởi đến Bắc Kinh sau một cuộc tập trận gần đây, huy động đến oanh tạc cơ chiến lược mà Trung Quốc tổ chức gần đảo quốc (Đài Loan) vốn là một đối thủ chủ chốt của Bắc Kinh ».
Tờ báo đã trích dẫn Rick Fisher, chuyên gia quân sự cấp cao tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, theo đó hai chiếc phi cơ Mỹ hoàn toàn có thể hạ cánh khẩn cấp xuống một địa điểm ít gây tranh cãi hơn, chẳng hạn như sân bay trên đảo Shimoji của Nhật Bản, chỉ cách Đài Loan khoảng 120 dặm, tức là không đầy 200 cây số.
Đối với chuyên gia này, việc hạ cánh gọi là '‘khẩn cấp’' của hai chiếc máy bay chiến đấu Mỹ, kể cả khi không cố ý, cũng là một tín hiệu mạnh gởi đến Bắc Kinh, cho thấy « quyết tâm của Mỹ hai ngày sau khi Trung Quốc sử dụng máy bay ném bom đời mới H-6K của họ – một loại oanh tạc cơ có thể mang theo tên lửa hạt nhân hành trình – trong những cuộc tập trận mà mục tiêu là đe dọa các lực lượng Mỹ đóng trên đảo Guam ».
Ngoài ra, báo Washington Times còn thấy rằng việc Trung Quốc cho oanh tạc cơ mang tên lửa hạt nhân của họ bay sát Đài Loan đã gợi lại các hành động hù dọa về mặt quân sự mà Bắc Kinh đã tiến hành nhân sự kiện gọi là "cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan" vào năm 1996, khi Trung Quốc bắn tên lửa thử nghiệm về hướng phía bắc và phía nam của Đài Loan để đe dọa cử tri trước cuộc bầu cử Tổng thống.
Vào khi ấy, chính quyền Clinton đã phản ứng mạnh mẽ khi điều động hai tiểu hạm đội tàu sân bay đến khu vực, sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu cần thiết.
Dĩ nhiên là về phần mình, chính quyền Mỹ không thể nào chấp nhận giả thuyết về một hành động cố tình. Phát biểu vào hôm qua tại Washington, Thiếu tá Paul L. Greenberg, người phụ trách báo chí của binh chủng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ khẳng định rằng quả là một trong hai chiếc F-18 gặp sự cố kỹ thuât, và việc phi công chọn đáp xuống Đài Loan xuất phát từ sự gần gũi của sân bay Đài Nam cũng như điều kiện thời tiết cho phép hạ cánh an toàn.
Phát ngôn viên này nhấn mạnh rằng trong mọi phi vụ, yếu tố an toàn luôn luôn là một ưu tiên hàng đầu : « Phi công của chúng tôi có trách nhiệm cho máy bay của mình đáp xuống phi trường gần nhất đủ tiêu chuẩn nếu họ cảm thấy tình hình trên phi cơ không an toàn… Quy định đó là để bảo vệ các phi công, phi hành đoàn và máy bay. »
Chuyên gia phân tích Michael Swaine, thuộc Viện Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington cũng không thấy là Quân đội Mỹ cố tình cho chiến đấu cơ đáp xuống Đài Loan để dằn mặt Trung Quốc.
Theo chuyên gia này Lầu Năm Góc là một định chế quân sự chuyên nghiệp và khi một chiếc máy bay gặp trục trặc kỹ thuật, bảo đảm an toàn cho phi hành đoàn và máy bay là mối quan tâm hàng đầu khi lựa chọn một địa điểm hạ cánh.
Trong bối cảnh đó, theo ông Swaine, rất có thể là trong vụ F-18 Mỹ đáp xuống Đài Loan, hoàn toàn không có một dụng ý chính trị nào.
TRỌNG NGHĨA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét