Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Tờ The Moscow Times của Nga, vừa có một bài lý giải nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục hành động mạnh mẽ ở Ukraine cho đến khi phương Tây dừng đối đầu với Nga.
Theo The Moscow Times, thật khó xác định mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Có thể ông chỉ muốn đảm bảo Crimea hay cả Donbass (theo cáo buộc của phương Tây) sẽ thuộc về Nga và buộc phương Tây phải chấp nhận tình trạng đó. Hoặc ông muốn kiểm soát nhiều hơn nữa đối với Ukraine.
Hoặc ông chẳng muốn gì khác ngoài việc làm suy yếu NATO và Liên minh châu Âu thông qua các động thái quyết liệt tại các nước Baltic hay những nơi mà chính phủ phương Tây không thể nhất trí cách thức đối phó với Moscow. Hoặc bản thân ông Putin cũng chưa rõ về điều đó.
Tờ này cho rằng, dường như đang có hai “mệnh đề” dù mâu thuẫn nhưng vẫn củng cố mạnh mẽ các chính sách của ông Putin đối với Ukraine và với cả phương Tây.
“Mệnh đề” thứ nhất, Mỹ và một số chính phủ châu Âu đang quyết tâm không chỉ làm suy yếu Nga thông qua sự bành trướng của NATO, EU và thúc đấy các cuộc cách mạng màu tại các nước thuộc Liên Xô cũ, mà còn áp đặt các biện pháp trừng phạt và thậm chí là thúc đẩy một "cuộc cách mạng màu" ngay trong nước Nga.
“Mệnh đề” thứ hai, cả NATO và EU đều yếu đuối và chia rẽ. Nhiều nước phương Tây đều đang phải phụ thuộc vào Nga về kinh tế và năng lượng.
Hơn nữa, có một số vấn đề kinh tế đang tồn tại ở các quốc gia phương Tây để Moscow có thể khai thác nhằm tăng cường sức mạnh cho Nga.
Tất nhiên, về mặt logic, hai “mệnh đề” trên không thể cùng đúng. Nếu phương Tây thực sự đang ở vị thế có thể làm suy yếu nước Nga thì phương Tây không thể yếu kém.
Và nếu phương Tây yếu kém thì không thể làm suy yếu Nga. Tuy nhiên, dường như ông Putin không thấy sự mâu thuẫn trong hai “mệnh đề” này.
Một số đặt câu hỏi, tại sao ông Putin cho rằng phương Tây đang tìm cách làm suy yếu Nga. Trước khủng hoảng Ukraine, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama được cho là đã rất nỗ lực nhằm thiết lập lại mối quan hệ Nga – Mỹ.
Nhiều chính phủ EU khác cũng luôn hoan nghênh sự hợp tác với Nga trong những năm gần đây, đặc biệt là về lĩnh vực năng lượng.
Một chiếc xe bọc thép của ly khai treo cờ Nga ở miền Đông Ukraine.
Ông Putin đã nhiều lần cáo buộc Mỹ là “tác giả” của các "cuộc cách mạng màu" ở Georgia (2003) và Ukraine (2004), cũng như nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ bên trong nước Nga trong khoảng thời gian từ năm 2011 – 2012, cuộc cách mạng Maidan ở Ukraine (2013-2014) và sự sụp đổ của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (2014).
Trong khi nhiều người châu Âu cho rằng, sự bành chướng của EU không thể đe dọa Nga bằng sự bành trướng của NATO, nhưng ông Putin dường như không cho là như vậy.
Theo tờ The Moscow Times, Nga không muốn những tiêu chuẩn của châu Âu gây ảnh hưởng ở Nga hay ở các quốc gia hậu Xô Viết.
Moscow xem việc EU cố đàm phán một thỏa thuận liên kết với ông Yanukovych hồi năm 2013 là một hành động nhằm đưa Ukraine vào quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây và tách Kiev ra khỏi Nga.
Quân đội Ukraine ở miền Đông.
Nga đã thuyết phục ông Yanukovych không chấp nhận thỏa thuận với EU mà thay vào đó là tham gia vào Liên minh Á- Âu do Nga khởi xướng.
Khi ông Yanukovych chấp nhận lời đề nghị của Moscow, ông Putin có thể đã tự tin rằng mình đã giành chiến thắng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ủng hộ EU nổ ra ở Ukraine sau đó, ông Yanokovych bị lật đổ và chính phủ mới thân EU hình thành, ông Putin mới thấy rằng tất cả những điều đó là kết quả của những kế hoạch do phương Tây hậu thuẫn.
Tương tự như vậy, những nỗ lực ban đầu của ông Obama nhằm cải thiện quan hệ Mỹ - Nga được Moscow cho là một mưu đồ nhằm có một vị trí tốt hơn trong việc ủng hộ các thành phần đối lập Nga.
Điều đó giải thích lý do ông Putin đã công khai đối đầu với phương Tây để khích lệ sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga và để cảnh bảo những người đang cố kêu gọi xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây.
The Moscow Times cho rằng, ông Putin sẽ không muốn giải quyết khủng hoảng Ukraine với phương Tây mà muốn nó vẫn tiếp tục nóng nhưng không quá nóng để nước này không thể nghiêng sang EU.
Nếu như vậy, ông sẽ tiếp tục hành động mạnh mẽ ở Ukraine, khai thác những bất đồng trong nội bộ phương Tây và đe dọa mạnh mẽ hơn nữa nếu phương Tây không dừng đối đầu với Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét