Một bài viết góc nhìn đăng trên Tân Hoa Xã hôm 1/4 vừa qua dẫn lời các chuyên gia đối ngoại nhận xét, nước Mỹ dưới thời Barack Obama đang học theo Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình.
Bài báo này cho rằng, Mỹ đang có xu thế hướng nội và bắt đầu thời kì "ẩn mình - chờ thời" (cụm từ gốc: 韬光 - 养晦, taoguang - yanghui), chiến lược đã từng được Đặng Tiểu Bình áp dụng cho Trung Quốc vào những năm 80 của thế kỉ trước.
Lấy dẫn chứng từ những động thái gần đây của Mỹ, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng trong sáu năm trở lại đây, phong thái tự tin và tiếng nói của Mỹ trong các vấn đề quốc tế đã giảm đi trông thấy dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Lý do chủ đạo, theo họ, đó là Washington đã và đang quá bận rộn với những vấn đề nội bộ, dẫn đến việc Mỹ chỉ dám mang một tâm thế "đừng làm gì dại dột" khi đối mặt với các vấn đề đối ngoại.
Theo Tân Hoa Xã, vị thế của Mỹ trên trường quốc tế đã suy giảm trông thấy trong những năm qua. Ảnh: AP
Tất cả các chuyên gia được phỏng vấn trong bài viết nói trên đều có chung quan điểm, đó là xu thế hướng nội của Mỹ đang trở nên ngày một rõ ràng, và sẽ còn được thể hiện rõ hơn nữa trong hai năm cuối cùng của nhiệm kì Tổng thống Obama.
Giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, ông Vương Tập Tư, cho rằng dù Mỹ trên lý thuyết không lâm vào một cuộc suy thoái, tầm ảnh hưởng của họ đối với các vấn đề chính trị toàn cầu đang giảm đi trông thấy.
Tán thành với quan điểm của giáo sư Vương, học giả Từ Trường Ngân thuộc Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế của Tân Hoa Xã cũng cho rằng Tổng thống Obama chủ yếu sẽ tập trung vào các vấn đề nội bộ trong hai năm cuối nhiệm kì.
Nếu ông Obama có quay sang các vấn đề đối ngoại, thì theo giáo sư Vương, Tổng thống Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh và đối tác chiến lược để chia sẻ trách nhiệm và hạn chế rủi ro.
Ông Vương cho rằng đây là một tín hiệu tốt, đồng thời khen ngợi Obama đã có công "bình ổn quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ", đặc biệt với việc nhấn mạnh trao đổi thông tin quân sự để giảm thiểu rủi ro xung đột đôi bên.
Ông cùng các chuyên gia khác dự đoán Mỹ sẽ tránh giao tranh với Nga xung quanh vấn đề Ukraine, cũng như không đem quân tới Trung Đông. Theo họ, những vấn đề này không ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia Mỹ, do đó việc can thiệp quá sâu là không cần thiết.
Kết thúc bài viết, các chuyên gia cho rằng Tổng thống tiếp theo của Mỹ có lẽ sẽ sửa đổi chính sách đối ngoại nước này sao cho "chủ động, cứng rắn, và táo bạo hơn" so với thời ông Obama.
Tuy nhiên, họ cũng khẳng định lãnh đạo mới tại Washington vẫn sẽ chưa thể bỏ qua những vấn đề nội bộ nhức nhối như kinh tế, cân bằng xã hội, và giáo dục.
Tóm lại, bài viết của Tân Hoa Xã nhấn mạnh Mỹ sẽ không từ bỏ kế hoạch "bá chủ toàn cầu" của mình, tuy nhiên sẽ phải có những thay đổi chiến lược vì khả năng của Mỹ vào thời điểm này không thể đáp ứng được những tham vọng của họ.
Bình luận về bài báo này, cây bút Shannon Tiezzi của The Diplomat cho rằng, dù những người biên tập bài viết của Tân Hoa Xã không nhắc đến cái tên Đặng Tiểu Bình, có thể thấy rằng họ có ý muốn nói Mỹ đang học tập chiến lược của cố lãnh đạo Trung Quốc.
Bà Tiezzi giải thích, dưới thời Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc tập trung nguồn lực vào giải quyết các vấn đề trong nước và phát triển kinh tế, đồng thời "ẩn mình" trên trường quốc tế.
Một cuộc chuyển giao quyền lực liệu có xảy ra như Tân Hoa Xã đã dự đoán? Ảnh: AFP
Nay, khi Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế toàn cầu, nhiều nhà phân tích cho rằng cái thời "ẩn mình" của đất nước đông dân nhất thế giới đã qua, và Bắc Kinh đã sẵn sàng giữ vai trò lớn hơn trong các vấn đề đối ngoại.
Theo bà Tiezzi, qua bài viết của Tân Hoa Xã có thể thấy, truyền thông Trung Quốc tin rằng thời thế đã thay đổi, đã đến lúc Mỹ rút về hậu trường, "ẩn mình - chờ thời" và nhường lại vị trí lãnh đạo trên trường quốc tế cho chính phủ Tập Cận Bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét