Căn cứ quân sự ở Syria và đảo Síp, cùng với quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, Nga có thể khống chế hoàn toàn Địa Trung Hải.
Nga sẽ mở nhiều căn cứ quân sự tại Địa Trung Hải?
Trong thời gian qua, Moscow đã tăng cường quan hệ với một số nước nước thành viên Liên minh châu Âu, trong đó có Cộng hòa Síp, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sau khi EU cùng với Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga do vai trò của nước này trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Ngày 27-3, một thông tin không vui cho Mỹ và NATO được Tổng thống nước Syria Bashar al-Assad công bố tại Damascus. Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình "Zvezda", ông Assad tuyên bố sẵn sàng cho phép Nga xây dựng một căn cứ quân sự lớn ở Syria.
Theo lời vị nguyên thủ quốc gia Syria, trước đây Nga đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng như vậy và sau những gì Moscow đã làm cho Damascus, phía Syria đang chờ đợi một đề xuất như vậy và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đó.
Ông Assad cho rằng, sự hiện diện của Nga tại những khu vực khác nhau trên thế giới, kể cả ở miền Đông Địa Trung Hải, tại cảng Tartus của Syria là điều cần thiết để duy trì trạng thái cân bằng đã bị phương hại sau sự sụp đổ của Liên Xô hơn 20 năm trước đây.
Nhà lãnh đạo Syria đã từng nhận định, sự hiện diện của Nga trong khu vực càng được củng cố thì sẽ càng ổn định hơn, bởi Nga đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường sự bình ổn trên thế giới. Điều này đã được chứng minh qua tiến trình tìm kiếm hòa bình cho Syria hồi cuối năm 2013.
Liên hệ tình hình Syria nói riêng và Trung Đông nói chung với Ukraine hiện nay, giới chức lãnh đạo Damascus ngày càng nhận thấy vai trò quan trọng của Nga ở đất nước mình và rất hoan nghênh việc mở rộng hiện diện của Nga ở Đông Địa Trung Hải, đặc biệt là trên bờ biển và tại các hải cảng nước mình.
Chiến hạm của Nga hành quân trên biển |
“... thực tế là có mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng Syria và những gì đang xảy ra ở Ukraine. Thứ nhất, vì cả hai nước đều có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, và thứ hai là trong cả hai trường hợp, mục tiêu gây bất ổn đều là nhằm làm suy yếu Nga và tạo những quốc gia bù nhìn tay sai” - ông Assad nhận định khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình “Zvezda”.
Việc Moscow có thể xây dựng căn cứ quân sự ở Tartus thay vì một căn cứ hậu cần bảo đảm trước đây là sự nối tiếp cho nỗi lo lắng của Mỹ và NATO khi vào cuối tháng 2, chính quyền Cộng hòa Síp (Cyprus) đã cho phép hải quân Nga sử dụng các cảng biển của nước này.
Thỏa thuận giữa Nga và Cộng hòa Síp được ký kết vào ngày 25-2 vừa qua, sau các cuộc thảo luận thân mật giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Nicos Anastasiades, trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow của vị Tổng thống nước Cộng hòa này.
Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và các nước phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đồng thời Nga đang ra sức lôi kéo Huy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 nước nằm ở của ngõ eo biển Bosphorus - lối ra Địa Trung Hải của Hạm đội Biển Đen.
Thỏa thuận này được đánh giá là chính thức hóa tình trạng hải quân Nga sử dụng các hải cảng tại đất nước này trước đây. Theo 2 vị Tổng thống Nga và Síp, các nước khác không nên lo ngại bởi mục đích chính của thỏa thuận là “phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố và hải tặc”.
Ngoài ra, Tổng thống Cộng hòa Síp Anastasiades cũng tiết lộ là hai nước đã thảo luận về khả năng Nga có thể sử dụng một căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, cũng như đối với các quân cảng, việc không quân Nga muốn hiện diện ở Síp - đảo quốc lớn thứ 3 ở Địa Trủng Hải - là nhằm phục vụ các sứ mệnh nhân đạo.
Biên đội tàu sân bay Mỹ |
Đảo Síp là một quốc đảo nằm ở phía Nam châu Âu, có vị trí chiến lược ở Địa Trung Hải khi vây quanh hòn đảo lớn này là Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Ai Cập, Iran, Hy Lạp... Síp nằm đối diện với cảng Tartus của Syria, cách cảng nằm bên bờ Địa Trung Hải này vẻn vẹn chưa đầy 200km.
Hiện tại, Anh cũng đang có một căn cứ quân sự tại đảo quốc này. Việc thỏa thuận giữa Nga và đảo Síp cho thấy Nga đang tìm cách thắt chặt quan hệ với từng thành viên riêng rẽ trong EU, nhằm khoét sâu vào những bất ổn tiềm tàng trong liên minh này và gia tăng những ảnh hưởng địa chính trị của mình.
Thậm chí, việc tìm kiếm liên kết với một quốc gia đã có căn cứ quân sự của phương Tây (nước Anh có căn cứ tại đảo Síp) khiến bất cứ hành động quân sự nào của phương Tây cũng không thể thoát khỏi mắt của Nga. Tuy nhiên, Síp cũng chỉ là một nước cờ trong bàn cơ Nga bày ở Địa Trung Hải.
Nga và chiến lược khống chế Địa Trung Hải
Trên thực tế, trong thời gian qua Nga đã tiến hành hàng loạt động thái nhằm không chế hoàn toàn Địa Trung Hải, biến lực lượng hải quân Hạm đội 6 của Mỹ thành “bù nhìn”. Khống chế được vùng biển này, Nga có thể đạt được những mục đích sau:
Thứ nhất: Bảo vệ Syria
Việc ký kết thỏa thuận tự do hải/không quân với đảo Síp và xây dựng căn cứ tác chiến hải quân ở Syria trước hết là nhằm mục đích bảo vệ chính căn cứ duy nhất của Nga ở nước ngoài này, lập chỗ đứng chân chắc chắn ở Địa Trủng Hải, sau nữa là bảo vệ Syria - đồng minh duy nhất ở khu vực này
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô đã duy trì Liên đội Địa Trung Hải số 5 tại vùng biển này từ năm 1967 đến 1992 để đối phó với Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ. Liên đội này bao gồm từ 30-50 tàu chiến, lúc cao điểm lên tới gần 100 chiếc trong “Cuộc chiến Yom Kippur” tháng 10-1973.
Vị thế quan trọng của các căn cứ quân sự Nga ở Địa Trung Hải |
Hơn 20 năm qua, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, người Nga đau lòng nhìn Mỹ và NATO “làm cỏ” dần đồng minh hoặc các nước có thiện cảm với Liên Xô cũ. Lần lượt Nam Tư, Apganixtan, Iraq, Lybia… bị Mỹ và NATO tiêu diệt; hiện giờ Syria, Iran... cũng đang nằm trong tầm ngắm trực tiếp.
Hiện nay, Nga chỉ có đồng minh duy nhất là Syria, và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Sự tồn tại của Syria và căn cứ Tartus là điều mang tính biểu tượng đối với Moscow. Một khi đã mất chỗ đứng chân cuối cùng, đến bao giờ Nga mới lại khôi phục được địa vị của mình ở đây?
Sự tồn tại của căn cứ Tartus là vấn đề quan trọng trong chiến lược quân sự của Moscow, còn căn cứ tức là còn sự hiện diện quân sự, mất căn cứ Nga sẽ bị hất cẳng của Nga tại Địa Trung Hải. Đồng thời, hải quân Nga muốn hoạt động được ở khu vực này thì phải có căn cứ bảo đảm. Vì vậy, Nga phải giữ vững Syria.
Và để giữ vững nó, trước hết Nga phải khôi phục sự hiện diện đầy đủ và mạnh mẽ ở đây. Điểm gần nhất của Síp cách Latkatia-Syria chỉ hơn 110km, điểm gần nhất cách Tartus vẻn vẹn chưa đầy 200km. Bởi vậy những căn cứ không quân và hải quân ở đây chính là điểm tựa tiền tiêu của Nga bảo vệ Damascus.
Thứ 2: Bảo vệ lối ra vào biển Đen và Địa Trung Hải
Hạm đội biển Đen của Nga ra vào Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thuộc NATO. Nếu một khi có biến, điểm nút này bị chặn thì Nga như con cá lớn loanh quanh trong cái ao nhỏ. Bởi vậy, có một lực lượng không/hải quân đồn trú bên ngoài là điều rất quan trọng.
Thời gian qua, Mỹ và NATO liên tiếp phái tàu chiến ra vào biển Đen tập trận như vào “chỗ không người”. Do quy định tàu thuyền các nước không thuộc vùng biển Đen không được lưu trú quá 21 ngày nên chiếc này ra thì chiếc khác vào hoặc ra cho lấy lệ rồi lại vào. Đây là điều khiến Moscow rất khó chịu.
Đảo Síp cách quân cảng Tartus của Syria chưa đầy 200km |
Hơn nữa, nếu không có căn cứ quân sự trên vùng biển này thì Nga không thể nắm được hoạt động và không đủ lực lượng đối phó với Hạm đội 6 của Mỹ, ví dụ như trong thời gian cuộc khủng hoảng ở Syria cuối năm 2013, chiến hạm Nga phải hành quân rất xa đến thành lập Đội đặc nhiệm Địa Trung Hải.
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong thời gian qua Nga đã nỗ lực xây dựng quan hệ rất tốt với Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 quốc gia nằm nên eo biển Bosphorus. Tuyến đường ống dẫn khí “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và quan hệ rất tốt chính quyền mới ở Hy Lạp là minh chứng cho điều này.
Việc nắn dòng chảy qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ tương tự như một món quà rất lớn mà Nga mang đến tặng quốc gia nằm giữa 2 lục địa Á - Âu này. Còn kho chứa khí đốt và đề nghị đầu tư hỗ trợ trang thiết bị quân sự cho Hy Lạp là điều Athens luôn mong đợi.
Việc xây dựng căn cứ quân sự ở Syria và đảo Síp cùng mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ giúp hải quân Nga khống chế hoàn toàn vùng biển này, bảo vệ đồng minh Syria và huyết mạch chiến lược của Hạm đội Biển Đen ra Địa Trung Hải.
Ngoài ra, khống chế được Địa Trung Hải cũng có vai trò rất trong trọng giúp Nga có thể ngăn chặn tàu chiến của Hạm đội 5 Mỹ và chiến hạm NATO từ biển Đỏ lên chi viện cho Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez của Ai Cập một khi xung đột nổ ra.
Trong cuộc khủng hoảng Syria cuối năm 2013, tàu vận tải đổ bộ USS San Antonio và tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz, cùng biên đội tàu khu trục và tuần dương hạm mang Tomahawk đã từ vùng Vịnh xuyên qua vịnh Aden lên biển Đỏ, sẵn sàng cho cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Syria.
- Thiên Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét