Các nước Mỹ latin ngày càng thân thiết với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa hoàn thành chuyến thăm dài ngày các quốc gia Mỹ Latin, nhưng điều đáng chú ý là trong chuyến công du, ông Lavrov tập trung khá nhiều mối quan tâm các quốc gia nằm ngoài ảnh hưởng của Moscow. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng Nga đang muốn bắt tay với các nước ngay trên "sân nhà" của Mỹ.
Chuyến công du của ông Lavrov được các nhà phân tích đánh giá là một trong những hành trình bất thường của giới chính trị gia. Bên cạnh các nước đồng minh truyền thông là Cuba và Nicaragua, ông Lavrov đã có chuyến thăm Colombia và Guatemala, nơi vị ngoại trưởng này chưa từng đến và trong mối quan hệ trước đây giữa các bên cũng không có dấu hiệu thân thiết.
Tuy nhiên, trong bối cảnh một loạt các quốc gia Mỹ Latin đang trải qua các cuộc khủng hoảng khác nhau, có lẽ Moscow đang hướng đến kế hoạch gia tăng mối quan hệ với các nước được coi là “sân sau” của Washington, nhằm tạo ra đối trọng với cường quốc này ngay tại châu Mỹ.
Brazil hiện đang trải qua vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan đến công ty dầu khí quốc gia Petrobras, điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của Tổng thống Dilma Rousseff. Trong khi đó, Tổng thống Argentina Cristina Kirchner, người có mối quan hệ thân thiết với ông Putin, cũng đang đối mặt với các cáo buộc của Viện Công tố khi cản trở hoạt động điều tra 6 chính trị gia cao cấp của Iran liên quan đến kế hoạch khủng bố tại Trung tâm văn hóa Do thái ở Buenos Aires vào năm 1994.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội ở Venezuela cũng đang khiến giới lãnh đạo nước này đau đầu. Thêm vào đó, việc Washington cố tình làm trầm trọng thêm tình hình tại quốc gia này đã khiến chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro ngày càng hợp tác chặt chẽ với Nga. Gần đây, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng Venezuela là mối đe dọa trực tiếp và nguy hiểm cho nền an ninh của Mỹ.
Trước những biến cố diễn ra tại các quốc gia Mỹ latin, Moscow đã bắt tay vào kế hoạch tìm kiếm các đồng mình có thể ủng hộ Nga trước những chính sách của Mỹ và châu Âu. Một trong số đó là Colombia, nước được Bộ Ngoại giao Nga coi là “tài sản của Mỹ” trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2010, thay vì tiếp tục chính sách thân Washington của cựu Tổng thống Alvaro Uribe, Bogota dưới sự lãnh đạo của Tổng thống mới Juan Manuel Santos Calderon đã thi hành một chính sách ngoại giao đa dạng hơn.
Năm 2014, trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Calderon đã trở thành Tổng thống Colombia đầu tiên ủng hộ ông Putin và các chính sách của Nga. Cuộc đàm phán gần đây giữa tổng thống và ông Lavrov không được tiết lộ, nhưng Ngoại trưởng Nga cho rằng: “Moscow đánh giá cao thái độ trung lập của Colombia trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.” Trước đó, Bogota đã không tham gia vào liên minh xử phạt kinh tế Nga do Mỹ đề xuất.
Đối với Guatemala, bên cạnh các cuộc đàm phán cấp cao với chính phủ nước này, Ngoại trưởng Nga cũng tham gia một cuộc họp của Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA). Tám quốc gia thành viên của tổ chức này đã bày tỏ thiết lập các mối quan hệ đa phương với Moscow, và các bên đã đạt được một số thỏa thuận nhất định.
Cuba và Nicaragua tiếp tục khẳng định quan hệ đồng minh vững chắc với Nga trong mọi lĩnh vực. Các nhà lãnh đạo của 2 quốc gia cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Moscow trong các hoạt động chính trị của mình. Trong khi đó, Brazil và Argentina nhận định sẽ đẩy mạnh hợp tác nhiều hơn với Nga, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quân sự và quốc phòng.
Động thái của Nga cho thấy quốc gia này đang tăng cường mở rộng các mối quan hệ và tìm kiếm nhiều hơn các đồng minh đến từ châu Mỹ, nhằm tạo ra một đối trọng với Mỹ ngay tại đây. Trong bối cảnh, Washington ngày càng muốn cô lập Moscow khỏi thế giới bằng các biện pháp trừng phạt.
Hàn Giang ( theo RIA )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét