Quân đội Mỹ đang hi vọng sẽ giành được lợi ích trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine, đó là việc họ có thể thu thập những thông tin tình báo được xem là hữu dụng về công nghệ quân sự của Nga.
Theo tạp chí Dod Buzz, Trung tướng Ben Hodges, Chỉ huy quân đội Mỹ tại Châu Âu đã phát biểu trong một hội nghị ở Huntsville, bang Alabama (Mỹ) rằng: “Chúng tôi coi đây là cơ hội để nghiên cứu diễn biến tình hình ở Crimea và miền Đông Ukraine, nơi quân đội Ukraine bố trí radar phát hiện đạn pháo địch”.
20 tổ hợp radar phát hiện đạn pháo này là một phần của gói viện trợ 118 triệu USD mà Mỹ gửi cho Kiev.
Qua cuộc xung đột ở Ukraine, Mỹ hi vọng sẽ thu thập được những thông tin quan trọng về công nghệ quân sự của Nga. |
“Loại radar hạng nhẹ này hữu dụng hơn chúng tôi dự đoán”, ông Hodges nói. “Ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt, không ai trong số chúng tôi đã từng trải qua một cuộc tấn công liên tục bằng pháo của Nga như quân Ukraine, và lần này chúng tôi biết được nhiều điều về cách quân đội Ukraine đáp trả tấn công”.
Trong khi NATO và Mỹ khẳng định Nga đang trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột kéo dài gần 1 năm tại Ukraine, Nga đã liên tục phủ nhận những cáo buộc trên.
Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cũng cho biết, đây cũng là cơ hội để nghiên cứu các hình thức tấn công qua mạng của Nga, bao gồm thâm nhập vào hệ thống vũ khí và do thám. Hãng công nghệ quốc phòng Nga Rostec đã từng tiết lộ họ đã xâm nhập vào một máy bay không người lái của Mỹ vào năm ngoái khi nó bay qua Crimea.
Quân đội Mỹ hi vọng rằng trải nghiệm này sẽ cho họ thêm hiểu biết để cải tiến và bảo vệ mạng lưới công nghệ quan trọng có giá trị lên đến hàng tỉ USD của mình.
“Trên thực tế, để có thể hoạt động quân sự tại cảng Riga (Latvia), hay cảng Bremerhaven hay Ramstein (Đức), chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào mạng lưới liên lạc. Khả năng về chiến tranh điện tử của Nga tại Ukraine tốt đến mức khiến liên lạc giữa các đơn vị trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là khi đường dây không an toàn”, ông Hodges cho biết.
Mặc dù đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình Hệ thống Vô tuyến Chiến lược Phối hợp (JTRS), hệ thống mạng riêng WIN-T và Nett Warrior, cho đến giờ những dự án này vẫn chưa thể giải quyết nhiều nhược điểm trong mạng lưới liên lạc của quân đội Mỹ.
“Chỉ riêng việc liên lạc từ trên không xuống dưới đất, từ dưới đất lên trên không, hoặc với các đơn vị ở gần nhau, chúng ta hiện đang có một hệ thống không hoàn chỉnh mà lại phức tạp”, Trung tướng H.R. McMaster, giám đốc của Trung tâm Kết hợp Khả năng chiến đấu Quân đội (ACIC) phát biểu tại cùng hội nghị. “Do sự phức tạp đó, nó rất dễ hỏng hóc và nó rất dễ bị đối phương lợi dụng”.
Trung tá John Davis, một sĩ quan quân đội Mỹ đã đưa ra ví dụ về Afghanistan và ông đề cập đến việc những người trên trực thăng AH-64E Apache gặp khó khăn khi theo dõi đoạn ghi hình từ máy bay do thám được phát sóng trực tiếp do nó sử dụng hệ thống mạng tối tân hơn loại mà máy bay không người lái sử dụng.
Hodges cũng nói thêm rằng việc đảm bảo các hệ thống phức tạp này có thể kết hợp với nhau giữa các lực lượng khác nhau trong một liên quân quốc tế là một mục tiêu để tiếp tục hoạt động cải tiến công nghệ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét