Các nỗ lực để cô lập Nga trên trường quốc tế không cần thiết cũng như đem lại những hiệu ứng ngược.
Đó là khẳng định của cựu thủ tướng Đức Gerhard Schoroeder khi trả lời tờ Tấm gương (Spiegel) ngày 28/3.
Ông Schroeder cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) đã theo đuổi một chính sách sai lầm khi chỉ đàm phán hiệp định liên kết với Ukraine mà không đàm phán một hiệp định tương tự với Nga.
Ông nói, nếu đang là Thủ tướng Đức thì ông không bao giờ ủng hộ việc loại Nga khỏi nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới G8.
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder |
Cũng theo ông Schroeder, trong khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của khối Hiệp ước Vacsava, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn ngày càng phát triển mở rộng sang phía Đông.
Mặc dù lên án hành động Nga sáp nhập Crimea là vi phạm quyền dân tộc nhưng ông Schroeder cũng cho rằng Tổng thống Nga Putin vẫn tôn trọng Ukraine như một “quốc gia độc lập”.
Liên quan đến những lo ngại về việc Nga có thể gây bất ổn ở Ba Lan và các nước Baltic, ông Schroeder cho rằng chính phương Tây đang “thổi phồng” về những nguy cơ này và ở thời điểm hiện tại, không có cơ sở nào cho thấy giới chức ở Nga có bất kỳ ý định nào liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Ba Lan hay các nước Baltic.
Đây không phải là lần đầu cựu thủ tướng Đức bày tỏ quan điểm về các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Cuối năm ngoái, đến thuyết trình tại Đại học Regensburg Đức, ông Gerhard Schroeder đã thẳng thắn bày tỏ: "Ý tưởng rằng với các biện pháp trừng phạt có thể khiến Nga thay đổi hành vi, làm theo những gì phương Tây muốn, tôi nghĩ rằng trong chừng mực nào đó, nó là một ảo tưởng".
"Châu Âu có thể mất hòa bình lâu dài nếu xa lánh Nga hay từ chối không hợp tác chính trị và kinh tế với Nga” ông Schroeder nhấn mạnh. Theo ông, EU đã thực hiện một sai lầm lớn khi từ chối hợp tác bình đẳng với Nga và một sai lầm khác khi nghĩ rằng Nga sẽ làm những thứ mà phương Tây muốn sau khi bị trừng phạt.
Ông Schroeder là người đứng đầu Chính phủ Đức 1998-2005. Giai đoạn đó, ông Putin là tổng thống Nga và quan hệ Nga - Đức nói riêng cũng như quan hệ Nga - phương Tây nói chung khá yên bình.
Bản thân ông Schroeder là bạn của ông Putin ở ngoài đời nên mối quan hệ cá nhân giữa họ rất tốt. Schroeder hiện làm cho tập đoàn năng lượng Gazprom, đã nói ông Putin là “một nhà dân chủ không tì vết”.
Thực ra, ông Schroeder không phải là chính trị gia duy nhất có cảm tình với Nga. Cựu Thủ tướng Đức thuộc đảng Dân chủ Xã hội Helmut Schmidt từng tuyên bố trên tuần báo Die Zeit rằng, động thái sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga của ông Putin là “hoàn toàn dễ hiểu”.
Tháng 9/2014, nghị sỹ Peter Gauweiler, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban chính sách giáo dục và văn hóa nước ngoài thuộc Quốc hội Đức, coi các biện pháp trừng phạt chống Nga là một bước đi sai lầm. Nghị sỹ Đức cũng bày tỏ tin tưởng chính sách của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với Ukraine nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Nga.
Bản thân Thủ tướng Đức Angela Merkel khi phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2015, đã tái khẳng định Berlin không đối đầu mà muốn hợp tác với Nga vì an ninh châu Âu.
Từng giải thích cho lập trường của Berlin, nhiều người cho rằng, người dân Đức nghiêng sang Nga là một phần bắt nguồn từ cảm giác tội lội lịch sử từ thời Chiến tranh Thế giới 2.
Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định, nước Đức, nhiều năm sau khi thống nhất đất nước, đang bắt đầu xác định lợi ích của riêng họ. Các lợi ích này khác so với của Washington.
Minh Thái (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét