Đến thời điểm này, Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa đưa ra quyết định nào về cung cấp vũ khí sát thương như vậy. Thế nhưng, sau một loạt những thất bại của Kiev ở chiến trường miền Đông, Nhà Trắng đang xem xét lại vấn đề này.
Ngoại trưởng John Kerry, người có chuyến thăm tới Kiev vào ngày 5/2, nhiều khả năng sẽ có các cuộc thảo luận mới với giới lãnh đạo Ukraine về việc viện trợ vũ trang. Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - tướng Martin Dempsey cùng Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, người sắp từ nhiệm, được cho là cũng ủng hộ việc làm này.
Trong vài tháng gần đây, bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia, luôn là người phản đối viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev. Thế nhưng, một quan chức cấp cao thân cận với cố vấn Rice cho biết, bà hiện cũng đã bắt đầu thay đổi quan điểm.
Lo sợ việc cung cấp vũ khí phòng vệ có thể đẩy nước Nga có các bước can dự mạnh hơn, Nhà Trắng hiện mới chỉ đồng ý viện trợ cho Ukraine một số lượng vũ khí phi sát thương như xe quân sự Humvee, kính nhìn đêm, đồ cứu thương… Nhưng diễn biến tại chiến trường miền Đông gần đây đã buộc chính giới Mỹ phải mở lại các cuộc thảo luận mới. Theo lịch trình, ngày hôm nay, 8 cựu quan chức trong chính quyền Mỹ sẽ công bố một báo cáo độc lập, hối thúc Nhà Trắng thực hiện gói viện trợ vũ khí phòng vệ trị giá 3 tỉ USD, với các chủng loại như tên lửa chống tăng, máy bay do thám, hệ thống radar có khả năng phát hiện các trận địa pháo, tên lửa của đối phương…
Binh lính Ukraine đóng tại Debaltseve ngày 01/2. Ảnh: AFP
|
Mỹ và phương Tây cáo buộc, trong vài tuần qua, Nga đã hỗ trợ phe ly khai ở miền Đông Ukraine một lượng lớn vũ khí hạng nặng, bao gồm cả xe tăng T-80 và T-72, hệ thống tên lửa đa nòng, pháo, thiết giáp chở quân. Nhờ đó, quân ly khai đã giành được những bước tiến lớn, giành quyền kiểm soát sân bay Donetsk, bao vây, đẩy lùi quân chính phủ tại thị trấn chiến lược Debaltseve nối giữa Donetsk và Lugansk. Về phần mình, Moskva luôn phủ nhận điều này.
Hoài Thanh (Theo New York Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét