Ngày 31/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã loại trừ khả năng tiếp tục xóa bỏ nợ công cho Hy Lạp, làm tiêu tan hy vọng của chính quyền mới lên.
Hy Lạp đã nhận được nhiều sự hỗ trợ về tài chính
Thủ tướng Đức chỉ ra rằng Hy Lạp đã được hưởng lợi từ sự miễn nợ theo kế hoạch cứu trợ tài chính hiện tại: “Các chủ nợ tư nhân đã tự nguyện giảm nợ cho Hy Lạp, các ngân hàng cũng đã giảm hàng tỷ USD khoản nợ của nước này. Tôi không có ý định tiếp tục xóa nợ cho nước này”.
Hiện Đức đang mâu thuẫn với các lãnh đạo mới của Hy Lạp, những người đã đặt cược mọi thứ vào việc được xóa bỏ một khoản lớn nợ công (chiếm khoảng 175% thu nhập quốc gia).
Tuy nhiên, bà Merkel đã gửi một bức thông điệp hòa giải bằng cách khẳng định rằng không có vấn đề về việc Hy Lạp rời khỏi châu Âu: “Mục đích chính sách của chúng tôi là để Hy Lạp vẫn luôn là một phần của cộng đồng châu Âu. Châu Âu sẽ tiếp tục đoàn kết với Hy Lạp, cũng như các nước bị khủng hoảng khác, nếu những nước đó tiến hành cải cách cùng các biện pháp tiết kiệm”.
![]() |
Thủ tướng Đức Angela Merkel
|
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schauble cũng đã gửi thông điệp tương tự, cho rằng không cần bàn cãi về việc xóa bỏ nợ cho Hy Lạp.
Những nhận định này đã bị Chủ tịch Nghị viện EU Martin Schulz ngày 7/1 cáo buộc vì sự thiếu trách nhiệm khi đề xuất việc Hy Lạp có thể rút khỏi khối đồng tiền chung châu Âu eurozone.
Mặt khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis đã từ chối tham gia đàm phán với tam phương với các lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ủy ban châu Âu, những người đã cấp viện trợ 270 tỷ USD cho nước này. Thay vào đó, ông muốn đàm phán trực tiếp với chính các nước tài trợ, chủ yếu là Đức.
Trước đó, tạp chí Tấm gương (Spiegel) của Đức ngày 30/1 cho biết chính phủ nước này sẵn sàng triển khai một gói hỗ trợ tín dụng trị giá lên tới 20 tỷ euro để hỗ trợ Hy Lạp.
Điều kiện để Hy Lạp nhận được gói tín dụng này là chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras phải tiếp tục thực hiện các nội dung đã cam kết với bộ ba chủ nợ nước ngoài là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Hy Lạp chuyển mình thân thiết với Nga
Trong khi, gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ với Đức, chiến thắng bất ngờ của đảng cánh tả Syriza trong cuộc tổng tuyển cử Hy Lạp diễn ra, ngày 25/1 đã càng làm khăng khít thêm mối quan hệ của quốc gia này với nước Nga.
Với cam kết vẫn ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chính quyền Hy Lạp mới do Đảng Syriza lãnh đạo đã bày tỏ thái độ phản đối những lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga vì việc sáp nhập Crimea và chiến sự đang xảy ra tại miền Đông Ukraine.
Mối quan hệ mật thiết giữa đảng Syriza với Nga có thể giúp Moskva nối lại mối quan hệ đồng minh với khối EU. Song có nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng kết nối của Hy Lạp.
“Tôi sợ rằng Hy Lạp chưa có đủ lực để ngăn chặn chính sách trừng phạt Nga. Quốc gia này sẽ không muốn mạo hiểm tạo mâu thuẫn với EU vì các lệnh trừng phạt. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên nếu chính quyền mới nước này trở nên thân thiết với Nga hơn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền của ông Putin” - Dimitris Papadimitriou, giáo sư phân tích chính trị tại trường Đại học Manchester nhận định.
Ngày 26/1, thủ lĩnh đảng Syriza theo đường lối cánh tả, ông Alexis Tsipras đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp.
Tháng 5/2014, ông đã gặp các nhà lãnh đạo Nga tại Moskva, trong đó có bà Valentina Matviyenko – Chủ tịch Thượng viện Nga, từng là Đại sứ Nga tại Hy Lạp vào cuối những năm 1990.
![]() |
Lãnh đạo đảng Syriza Alexis Tsipras
|
Theo truyền thông Hy Lạp, ông Tsipras đã nhân chuyến viếng thăm để lên án lệnh trừng phạt châu Âu đối với Nga cũng như bày tỏ ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập tại miền Đông Ukraine. Dẫn lời các nhà chức trách của đảng Syriza, việc phản đối của Hy Lạp về các lệnh trừng phạt Nga một phần bắt nguồn từ những tổn thất mà quốc gia này phải chịu khi Nga cấm nhập khẩu và tiêu dùng các sản phẩm lương thực thực phẩm của các nước thuộc EU.
Sau chiến thắng của đảng Syriza, Tổng thống Nga Putin đã chúc mừng ông Tsipras và vui mừng bày tỏ “Nga và Hy Lạp sẽ tiếp tục mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia, hợp tác song phương trong mọi lĩnh vực và cùng nhau giải quyết các vấn đề châu Âu và toàn cầu hiện nay”.
Tuy nhiên hiện tại thì vấn đề hợp tác giữa hai nước có lẽ chưa được triển khai ngay vì cả Athens và Moskva đều đang phải chống đỡ với khủng hoảng tài chính.
Việc kết thân của Nga và Hy Lạp là một trong số rất nhiều mối quan hệ khăng khít giữa Nga với các đảng chính trị cánh tả và cánh hữu châu Âu.
Trước đó không lâu, ngày 17/1, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga Nikolai Fyodorov tuyên bố, Moscow không loại trừ khả năng gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với thực phẩm Hy Lạp nếu nước này ra khỏi Liên minh châu Âu.
"Điều này có thể xảy ra nếu Hy Lạp sẽ bị buộc phải rút khỏi Liên minh châu Âu. Chúng tôi sẽ cùng Hy Lạp xây dựng mối quan hệ độc lập tốt đẹp. Về cơ bản, đó là một đối tác tiềm năng đối với chúng tôi" - ông Fedorov nói.
Tuệ Linh (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét