![]() |
Hải quân Nga sẽ hiện diện ở Cyprus |
Theo báo điện tử Lenta.ru (Nga), việc Nga có căn cứ quân sự ngay trong EU là từ việc Tổng thống Nicos Anastasiades của Cyprus tuyên bố: Nước ông sẵn sàng tiếp nhận các căn cứ không quân và hải quân Nga. Một thỏa thuận chính thức hợp tác quân sự giữa hai nước có thể được ký ngày 25.2.2015.
Không phải chuyện bất ngờ
Tổng thống Anastasiades nói:“Có một thỏa thuận phòng thủ cũ, cần được làm mới. Cùng lúc, một số dịch vụ phụ sẽ được cung cấp theo cùng cách chúng tôi làm với các nước khác, ví dụ như Pháp, Đức.
Cyprus và Nga có truyền thống quan hệ tốt và đây không là một vấn đề phải thay đổi”.
Theo hai tờ báo Nhà báo Hy Lạp và Bưu điện hoàn cầu, tuyên bố của lãnh đạo Cyprus là sau việc Nga hồi cuối tháng 4 tỏ bày quan tâm có một căn cứ quân sự ở Cyprus, 1 trong 28 quốc gia thành viên EU vốn áp lệnh cấm vận Nga trong năm qua.
Cũng như Hy Lạp gần đây gây xôn xao bằng cách gây phức tạp cho vấn đề áp thêm lệnh cấm vận Nga, Cyprus cũng lên tiếng phản đối những mức trừng phạt Nga thêm và nhấn mạnh nhiều nước thành viên EU cùng chia sẻ quan điểm này.
Tổng thống Cyprus nói: “Chúng tôi muốn tránh có thêm sự suy thoái trong quan hệ giữa Nga và EU.
Vì thế, hợp tác quân sự Cyprus-Nga lại là một quả báo động cho EU. Theo Lenta.ru, không quân Nga sẽ sử dụng căn cứ Andreas Papandreou, cùng một sân bay quốc tế ở Paphos (Tây Nam Cyprus) vốn chỉ cách căn cứ Akrotiri của không quân hoàng gia Anh khoảng 50km.
Bên cạnh đó, hải quân Nga có thể sử dụng thường xuyên quân cảng Limassol. Theo Bưu điện Hoàn cầu, cảng Limassol áp sát căn cứ Akrotiri, nơi NATO thực hiện các hoạt động tuần tra và cũng là một vị trí quan trọng trong hệ thống giám sát quân sự điện tử của NATO”.
Đây không là chuyện bất ngờ, vì từ 20 năm qua, quan hệ kinh tế Nga-Cyprus rất ổn. Trang tin Nước Nga ngày nay cho biết: người Nga đã chuyển 30 tỉ USD (khoảng 1.000 tỉ rúp) qua Cyprus trong 29 năm qua, theo một nghiên cứu do các nhà kinh tế học Nga, Phần Lan và Canada công bố.
Năm 2013, khi Cyprus lâm khủng hoảng tài chính, các nhà phân tích ước tính, rằng 1/3 số tiền gởi ngân hàng ở đảo quốc này có thể có nguồn gốc Nga và nhiều công ty Nga đăng ký hoạt động ở Cyprus.
Một số bài báo năm 2013 còn nói Cyprus “trở thành cỗ máy rửa tiền chính cho bọn tội phạm Nga”.
Ngay bây giờ, những vấn nạn kinh tế hiện tại của Nga cũng kéo kinh tế Cyprus xuống theo. Michael Florentiades, chuyên viên kinh tế trưởng và lãnh đạo mảng nghiên cứu đầu tư của công ty dịch vụ tài chính qua mạng XM.com ở Limassol, nói:
“Sự hiện diện của Nga trong nền kinh tế Cyprus là một yếu tố bổ trợ lớn. Dấu ấn Nga hiện diện khắp nơi, từ mảng du lịch đến nhà đất, nên rất đáng theo dõi tầm tác động của việc kinh tế Nga suy thoái trong năm nay”.
EU đang căng thẳng
Lẽ đương nhiên là sự liên quan tài chính Nga tại một quốc gia EU “gây nên lo ngại cho các đồng minh phương Tây của Cyprus” trong vài năm qua.
Nhưng mối liên minh Nga - Cyprus lên đến mức báo động trong thời đỉnh cao khủng hoảng tài chính của Cyprus hồi năm 2013, khi chính quyền đảo quốc này thương lượng với Nga về một khả năng Nga cho vay bảo lãnh.
EU rất căng thẳng về chuyện này, vì có đồn đoán rằng để đổi lại chuyện cho vay, Nga có thể đòi quyền cập cảng Cyprus cho tàu chiến Nga và quyền tiếp cận nguồn khí dự trữ của Cyprus.
Tuy nhiên, Cyprus lúc ấy chọn cách vay 10 tỉ euro, đổi lấy việc đóng cửa Laiki (ngân hàng lớn thứ nhì đảo quốc này) và áp một mức thuế đóng một lần lên tất cả tài khoản không mua bảo hiểm, gồm tài khoản của các công dân nước ngoài.
Vượt lên trên tất cả, điều đáng chú ý là gần đây Nga có nhiều động thái lớn ở vùng biển Địa Trung Hải:
Trung tuần tháng 1.2015, Nga tuyên bố chuyển tất cả dòng khí tự nhiên qua châu Âu quá cảnh Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì Ukraine.
Lãnh đạo Gazprom, ông Alexei Miller nói: “Các đối tác châu Âu của chúng tôi đã được thông báo việc này và nay, nhiệm vụ của họ là tạo cơ sở hạ tầng chuyển khí cần thiết từ biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Ngoài ra, Nga và chính phủ mới ở Hy Lạp cũng có những động tác để khai thác quan hệ quân sự và kinh tế.
Tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thậm chí còn nói hồi đầu tháng 2:Hy Lạp và Cyprus có thể trở thành cầu nối cho sự hòa bình và sự hợp tác giữa EU với Nga.
Ông Tsipras từng lên tiếng phản đối Hy Lạp là thành viên NATO, trong khi 1 năm qua, Nga tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với các nước không là thành viên NATO như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên và Iran.
Trong bối cảnh này, vùng Cyprus và Hy Lạp sẽ sớm trở thành một vấn đề đáng chú ý và là một nỗi đau lớn cho châu Âu.
Mai Hà (theo Business Insider)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét