Táu cá Trung Quốc cậy đông tiến vào đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc
Trong tháng Năm, thế giới đã sững sờ khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trong vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trên Biển Đông. Điều nảy là tín hiệu cảnh báo với an ninh tự do hàng hải ở Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Hàn Quốc.
Sự im lặng của Hàn Quốc
Dù Trung Quốc đã tạm rút giàn khoan ra khỏi khu vực trái phép nhưng họ chưa từ bỏ ý định nhòm ngó vùng biển với dự trữ lớn khí đốt tự nhiên chưa được khai thác. Hơn nữa Biển Đông còn một tuyến đường vận chuyển rất quan trọng mà Trung Quốc muốn làm "ông chủ" tại đây. Đó chính là lý do khiến cả Nhật và Mỹ đều rất cảnh giác trước các động thái của Trung Quốc tại khu vực này. Còn Hàn Quốc có thái độ và toan tính như thế nào?
Tàu cá Trung Quốc tiến vào khu đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc với hải giám hộ tống từ xa |
Khi sự hung hăng của Trung Quốc leo thang ở Biển Đông, Mỹ và Nhật Bản tăng cường hiệp ước phòng thủ song phương, cùng lên án Trung Quốc tại cuộc Đối thoại Shangri-La. Mỹ công khai ủng hộ việc Nhật Bản thay đổi hiến pháp để có một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Tuy nhiên, Seoul tỏ ra kín tiếng với vấn đề Biển Đông dù đây là huyết mạch hàng hải của Hàn Quốc.
Hàn Quốc có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc. Chiến lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc trong vài thập kỷ qua dựa theo định hướng xuất khẩu và hiện nay, xuất khẩu chiếm hơn một nửa GDP của đất nước. Trung Quốc lại là thị trường chính của Hàn Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm hơn một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Do vậy, Hàn Quốc không muốn công khai làm mếch lòng Trung Quốc.
Hơn nữa, Hàn Quốc chưa muốn vồn vã xích lại Nhật Bản vì họ vẫn còn những mâu thuẫn từ lịch sử. Quan hệ giữa Nhật và Hàn gần đây chuyển sang trạng thái nghi kị khi Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm đền thờ Yasukuni khiến người Hàn Quốc bị tổn thương.
Một lý do nữa để Hàn Quốc chưa thể ra mặt kình Trung Quốc như Nhật Bản là họ cần sự ủng hộ của Trung Quốc để giải quyết bài toán bán đảo Bắc Triều Tiên. Ảnh hưởng mạnh của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên là điều mà Hàn Quốc cần "dùng" trong chính sách đối ngoại với người anh em phương Bắc.
Hàn Quốc chỉ làm mà không nói nhiều
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn phải dè chừng Trung Quốc, nước đẩy mạnh phát triển quốc phòng trong những năm gần đây. Một Trung Quốc "không được kiểm soát" có thể dễ dàng chế ngự các nước láng giềng có hệ thống phòng thủ yếu hơn như cách họ đang áp dụng với các nước ASEAN. Hàn Quốc không muốn rơi vào cảnh đó một chút nào. Hàn Quốc cảnh giác với ý định của Bắc Kinh dù nước này luôn nói muốn thực sự hợp tác với các nước láng giềng.
Khi cần, "ngư dân" Trung Quốc giở võ với cảnh sát biển Hàn Quốc |
Dù chưa có phát ngôn nào khiến Bắc Kinh bị bẽ mặt giống như Mỹ hay Nhật đã làm nhưng Hàn Quốc có nhiều hành động thể hiện thái độ của họ. Tháng 12 vừa qua, Hàn Quốc mở rộng khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) như cách trả lời vỗ mặt sau khi Bắc Kinh công bố ADIZ của Trung Quốc, mà "tình cờ" trùng với không phận Hàn Quốc.
Ngoài ra, Hàn Quốc không ngại giúp đỡ những nước bị Trung Quốc "bắt nạt". Hồi tháng 6, họ cấp cho Philippines một tàu hộ vệ 12.000 tấn giữa lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông đang rất căng thẳng.
Tháng 10 năm ngoái, Seoul đã ký một biên bản ghi nhớ với Manila về việc mở rộng hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Biên bản đã nhanh chóng được triển khai với một hợp đồng xuất khẩu 12 máy bay chiến đấu FA-50 đến Philippines với tổng giá trị 420 triệu USD. Chuyện này Trung Quốc phản ứng dữ dội nhưng Hàn Quốc chẳng phân bua mà cứ lẳng lặng làm.
Anh Tú (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét