VTV Online) -
Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva đã xác nhận vấn đề pháp lý chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược vi phạm Luật pháp Quốc tế, đưa ra cái gọi là “chứng cứ” của họ về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, Hiệp định Geneva không chỉ đánh dấu một mốc son trong lịch sử của dân tộc, mà còn cho thấy những chứng cứ vững chắc, khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 8/7/1954, một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva về Chấm dứt chiến sự và Lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc. Sau 75 ngày thương lượng, qua 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết.
Hội nghị Geneva năm 1954
Ngày 21/7, Hội nghị Geneva kết thúc, thông qua tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình, tổng tuyển cử thống nhất đất nước và các vấn đề thi hành Hiệp định cho toàn bộ Đông Dương. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới.
Cùng với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng khác, Hội nghị Geneva vào năm ấy cũng là một chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam.
Liên quan đến sự kiện này, PGS.TS, nhà nghiên cứu Lịch sử ngoại giao Vũ Dương Huân phân tích, Hội nghị Geneva kết thúc ngày 21/7/1954 với 3 Hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào và Campuchia; tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất của Việt Nam nghĩa là bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII.
Năm 1954, Pháp đã hoàn thành xâm chiếm Việt Nam, biến Việt Nam thành thuộc địa của Pháp. Pháp thay mặt Việt Nam thực hiện chủ quyền của Việt Nam, đưa lực lượng đóng quân tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho đến khi rút khỏi Việt Nam năm 1956 và trao lại cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Khi Pháp rút khỏi Việt Nam, theo Hiệp định Geneva năm 1954, đối tượng được thừa hưởng, thừa kế toàn bộ Hoàng Sa, Trường Sa là Chính phủ quốc gia Việt Nam, sau này là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Bà Monique Chemillier Gendreau, Nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Thế giới cho rằng, ở thời kỳ thuộc địa, Pháp vẫn duy trì cả sự có mặt lẫn yêu sách của mình cho đến khi rút khỏi Việt Nam.
Trở lại thời điểm này 60 năm về trước, Trung Quốc với tư cách là một quốc gia lớn tham gia Hội nghị với 214 người, trong đó đích thân Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai làm trưởng đoàn.
Trung Quốc cũng là quốc gia cuối cùng ký tuyên bố Hội nghị. Điều này cho thấy Trung Quốc đặc biệt coi trọng Hội nghị Geneva và những điều khoản được ký kết năm ấy.
Theo các tài liệu để lại, vấn đề chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa được đề cập trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, cụ thể, nó được đề cập ở Điều 1 và Phụ lục của Điều 1 trong tuyên bố cuối cùng của Hội nghị khi quyết định về giới tuyến quân sự tạm thời giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam tại sông Bến Hải, tức là vĩ tuyến 17 kéo dài ra Biển Đông.
Theo đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Như vậy trong tuyên bố cuối cùng và Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Điều 1 và Điều 4 đã xác nhận vấn đề pháp lý chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định các hiện vật chứng tích lịch sử, pháp lý về chủ quyền của 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam nhận định, theo Hiệp định Geneva năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa mới là chủ thể quản lý khu vực từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Trong thực tế, Việt Nam đã có nhiều hoạt động cả trên lĩnh vực quân sự lẫn dân sự để thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa. Cộng động quốc tế cũng đã công nhận điều này. Trung Quốc là một bên ký kết Hiệp định Geneva năm 1954, đương nhiên Trung Quốc phải có trách nhiệm tôn trọng Hiệp định họ đã ký kết và tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tôn trọng việc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam mà Hiệp định Geneva đã xác định.
Tương đồng với quan điểm của GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, nhà xã hội học người Pháp Andre Menras nhận định: “Năm 1954, Trung Quốc là một bên tham gia Hội nghị Geneva và họ đã chấp nhận tất cả các điều khoản được ký kết tại Hội nghị. Khi đặt bút ký vào Tuyên bố chung của Hội nghị năm ấy, nghĩa là họ đã thừa nhận quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam Cộng hòa với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một Hiệp định được cộng đồng quốc tế công nhận, được xây dựng bởi hệ thống luật pháp quốc tế và Trung Quốc không được quyền chối bỏ.
Dưới những góc nhìn phân tích khác, các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc Trung Quốc phủ nhận các kết quả của Hội nghị San Francisco năm 1951 và Hội nghị Geneva là sự phi lý, đi ngược lại quan điểm và chữ ký của chính họ tại Hội nghị năm ấy.
Nhà ngiên cứu lịch sử ngoại giao Vũ Dương Huân bình luận, dư luận quốc tế đánh giá rất cao Hiệp định Geneva, như vậy họ thừa nhận những nội dung cơ bản của Hiệp định này, trong đó có vấn đề chủ quyền pháp lý của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy Trung Quốc đã thừa nhận gián tiếp chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc phủ nhận quyết định của Hội nghị San Francisco và Hội nghị Geneva là phi lý.
VTV Đà Nẵng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét