PetroTimes) - Triều Tiên “chào mừng” chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Trung Quốc bằng màn bắn thử tên lửa. Phải chăng Trung Quốc đang muốn “hy sinh” Triều Tiên để đổi lại Hàn Quốc ra khỏi liên minh Mỹ-Nhật-Hàn?
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) tiếp đón long trọng vị khách Trung Quốc, Tập Cận Bình (phải), ngày 3/7/2014
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Hàn Quốc hai ngày 3-4/7/2014. Đây là lần đầu tiên từ hai thập niên trở lại đây, một vị đứng đầu nhà nước Trung Quốc đến thăm đất nước thù nghịch với đồng minh Triều Tiên của mình.
Đương nhiên Bắc Kinh vẫn là đồng minh chính của Bình Nhưỡng. Bởi vì đó còn là một mối liên kết bằng xương máu. Dưới thời Mao Trạch Đông, gần một triệu binh sĩ Trung Quốc đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Vậy mà từ khi kế vị cha đến giờ, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chưa từng một lần được gặp Tập Cận Bình.
Theo giới quan sát, ưu tiên đến thăm Seoul trước là vì ông Tập Cận Bình muốn bày tỏ thái độ bực bội đối với một Bình Nhưỡng "khó bảo" và không thể đoán trước được. Thời gian gần đây, Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa về phía bờ biển Nhật Bản. Hành động này đã làm gia tăng căng thẳng tại một vùng châu Á ngày càng có nguy cơ bùng nổ chiến tranh do các vụ tranh chấp lãnh thổ. Nhất là giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lại có một “kẻ thù chung” là Nhật Bản. Quốc gia này vừa sửa đổi Hiến pháp chủ hòa 1947, cho phép quân đội Nhật Bản tiến hành các chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ.
Trong bối cảnh đó, liệu Bắc Kinh có hy sinh mối quan hệ lâu đời với Triều Tiên hay không? Các chuyên gia cho rằng “chắc chắn là không”. Trung Quốc đương nhiên muốn tăng cường các mối hợp tác kinh tế và thương mại với Hàn Quốc. Trong mối tương quan này, Bắc Kinh là đối tác hàng đầu của Seoul và ngược lại Hàn Quốc là đối tác thứ tư của Trung Quốc. Lượng trao đổi mậu dịch giữa hai quốc gia cao gấp hơn 40 lần so với giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng. Dù vậy, Trung Quốc vẫn luôn là đồng minh hàng đầu với Triều Tiên. Có điều mối quan hệ hai bên đã trở nên căng thẳng từ năm 2012 sau các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, bất chấp lời kêu gọi của đồng minh Trung Quốc.
Mặt khác, dù chính thức ủng hộ hòa bình, sự ổn định và giải trừ hạt nhân trên bán đảo, nhưng Bắc Kinh không muốn có những biện pháp trả đũa quá cứng rắn chống lại người hàng xóm đồng minh này. Điều đó có thể dẫn đến sự sụp đổ nền kinh tế và hy vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên. Chưa bao giờ Trung Quốc muốn có một đường biên giới trực tiếp với một Triều Tiên hợp nhất. Vì điều đó cũng có nghĩa là sẽ có khoảng 30 nghìn binh sĩ Mỹ ngay sát biên giới mình, số binh sĩ này đang đóng ở Hàn Quốc.
Cho đến nay, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn là cản trở duy nhất cho sự xích lại gần nhau Bắc Kinh-Seoul. Với Hàn Quốc, Trung Quốc là đối tác kinh tế số một nhưng vẫn luôn ủng hộ Bình Nhưỡng.
Bình Nhưỡng không phấn khởi lắm với tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng, Trung Quốc ủng hộ kế hoạch phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bởi vì rõ ràng ở đây nói về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Có một chi tiết khác đáng chú ý. Trong bài diễn thuyết tại Đại học Quốc gia Seoul, ông Tập Cận Bình đề cập đến cuộc đấu tranh chung của nhân dân Trung Quốc và Hàn Quốc chống lại chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản. Ông nhắc nhở về cuộc chiến tranh Imjin (sông Lâm Tân) những năm 1592-1598, về cuộc đấu tranh chống cuộc xâm lược của Nhật Bản ở Đông Á đầu thế kỷ XX. Điều quan trọng là, khi nhắc đến các di tích lịch sử gắn liền với những truyền thống của cuộc đấu tranh này, ông Tập Cận Bình nói về Tượng đài Quân đội Độc lập tại Tây An và Bảo tàng Chính phủ lâm thời tại Thượng Hải. Cả hai di tích liên quan đến quan điểm của Hàn Quốc về cuộc đấu tranh chống thực dân, chứ không phải quan điểm của Triều Tiên. Ông Tập Cận Bình coi Hàn Quốc là “nước chính” trên bán đảo Triều Tiên. Cuối cùng, ông tập Cận Bình đã nói bằng tiếng Hàn cụm từ dường như trung lập về chính trị: "Tôi yêu Đại Hàn Dân Quốc", có sử dụng tên gọi chính thức của Hàn Quốc.
Chả thế mà lúc ông Tập Cận Bình chuẩn bị thăm Seoul, trong một động thái được cho là nhằm bày tỏ thái độ bất bình, Triều Tiên ngày 2/7 đã lại cho bắn hai tên lửa tầm ngắn ra biển. Việc thử nghiệm tên lửa một ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc đã được giới quan sát cho là vừa thị uy với Hàn Quốc, vừa thể hiện sự bực bội trước việc lãnh đạo Bắc Kinh ưu tiên cho Seoul hơn là Bình Nhưỡng.
Áp phích về những người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong chiến dịch thông tin ở Tokyo ngày 3/7/2014
Trong khi chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình được đánh giá là nhằm chặt mắt xích trong liên minh Nhật-Hàn thì đúng ngày 3/7, Nhật Bản thông báo quyết định dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, nhờ Bình Nhưỡng đã chứng tỏ thiện chí mở lại điều tra về số phận những người Nhật bị tình báo nước này bắt cóc trong thập niên 1970 và 1980. Sự kiện này đánh dấu việc cải thiện rõ nét quan hệ với Triều Tiên.
Sự tan băng một cách tương đối trong quan hệ Tokyo-Bình Nhưỡng đặt ra một số câu hỏi trong khu vực, đặc biệt vào thời điểm Bắc Kinh tỏ ra lạnh nhạt với chính quyền Triều Tiên, trước những hành động khiêu khích như bắn tên lửa và rốc-kết vừa rồi.
Chánh văn phòng nội các Nhật trấn an rằng quan điểm của Tokyo về vấn đề tên lửa hạt nhân không thay đổi, và sẽ phối hợp với Seoul và nhất là với Washington – vốn đã làm mọi cách để cô lập Bình Nhưỡng trên trường quốc tế.
Theo một số nhà phân tích, việc đánh cược của chính quyền Nhật có nhiều rủi ro và không chắc mang lại được kết quả. Satoru Miyamoto, chuyên gia về Triều Tiên cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe “đã đặt cược, và nay phải có những quyết định chính trị khó khăn”. Được biết từ nhiều năm qua ông Abe rất được một bộ phận dân chúng ủng hộ nhờ tích cực vận động cho những gia đình có thân nhân bị bắt cóc.
Nói chung, dù có những thay đổi rõ ràng trong quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên, nhưng giới phân tích chưa thể khẳng định khả năng Bắc Kinh sẽ “hy sinh” Triều Tiên để đánh bật Hàn Quốc khỏi liên minh Mỹ-Nhật-Hàn. Trước đây, Chủ tịch Tập Cận Bình và ekip của ông không có nhiều sự đồng cảm với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa các nước, điều quan trọng nhất không phải là cảm xúc cá nhân mà là lợi ích quốc gia. Dù có sự bất mãn với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh hiểu rằng, việc duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt phục vụ tốt nhất cho lợi ích của Trung Quốc. Có nghĩa là, Trung Quốc sẽ không gây nhiều áp lực lên Bình Nhưỡng, và rất có thể sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên.
Nh.Thạch (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét