ANTĐ - Biển Sầm Sơn hôm ấy lặng gió. Sóng biển nhấp nhô hiền hòa. Một chiếc tàu chiến treo cờ Pháp đậu lặng lẽ ngoài khơi xa. Mấy chiếc thuyền đánh cá của ngư dân từ từ lướt tới áp mạn tàu. Một phụ nữ xinh đẹp tay xách va li ung dung từ thuyền bước lên tàu trong sự đón tiếp trân trọng của sĩ quan, thủy thủ.
Người phụ nữ đó là phu nhân Quốc vụ khanh của Chính phủ Bảo Đại ra Hà Nội chữa bệnh và mang theo tài liệu mật của tổ chức phản gián hoạt động trong vùng tự do ở tỉnh Thanh Hóa. Chiếc tàu chiến là Thông báo hạm Amyot D’Inville của Pháp được lệnh đến đón phu nhân Quốc vụ khanh theo kế hoạch sắp đặt của mạng lưới điệp báo.
Phu nhân Quốc vụ khanh được đưa tới nghỉ tại phòng khách sang trọng của tàu và đặt va li đựng tài liệu mật, vật bất li thân vào vị trí thuận tiện nhất bên mình. Mọi công việc diễn ra chóng vánh, suôn sẻ. Vùng biển vẫn bình yên!
Chừng 30 phút sau, Thông báo hạm nổ tung! Biển Sầm Sơn cuộn sóng dữ dội. Tất cả sĩ quan, thủy thủ cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm theo con tàu. Tiếng nổ không chỉ gây chấn động vùng biển Sầm Sơn mà còn là nỗi kinh hoàng của kẻ thù ở Hà Nội, Sài Gòn, ở các cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu… Tiếng nổ đó cách đây hơn nửa thế kỷ còn vang vọng đến hôm nay và mai sau là chiến công của nữ điệp viên Công an Hà Nội Nguyễn Thị Lợi. Chị anh dũng hy sinh trước khi tàu chìm xuống biển. Chị đã thành công trong vai phu nhân Quốc vụ khanh lên tàu và mang theo va li tài liệu mật đựng tới 14kg thuốc nổ!
Quả mìn này do Xưởng quân giới thuộc Mặt trận Hà Nội nghiên cứu, chế tạo. Xưởng quân giới do các đồng chí: Nguyễn Chính, Phạm Thế Ninh, Trần Thành Ngọ phụ trách. Xưởng có các ban: Kỹ thuật, Cơ khí, Đúc, Hóa chất, Tiếp liệu… có máy tiện, máy khoan quay tay… nhưng công việc vẫn làm thủ công là chính. Khi thành lập, xưởng đặt tại làng Thanh Lợi nay thuộc xã Hùng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nơi đây gần dãy núi đá vôi cao ngất như bức trường thành mà thiên nhiên tạo dựng với những hang rộng rãi, kín đáo, là địa điểm lý tưởng cho xưởng quân giới thử nghiệm các loại mìn vừa chế tạo. Sau đó xưởng rời lên Cầu Chồm, Gáo Đá, tỉnh Hòa Bình rồi chuyển vào Phủ Quảng, tỉnh Thanh Hóa.
Nghiền thuốc nổ là công việc vất vả, độc hại để chế tạo mìn do ban hóa chất thực hiện tại hiên đình làng Thanh Lợi. Ngôi đình nằm trên khuôn viên rộng rãi, cách xa làng xóm nên những người lính thợ làm việc thoải mải và không lo lộ bí mật. Thuốc nổ được bao gói kỹ lưỡng bằng nhiều lớp giấy chống ẩm. Gỡ bánh thuốc ra phải dùng búa đập vỡ nhỏ trước khi nghiền bằng thuyền nghiền thuốc Đông y. Khi nghiền, ai nấy đều dùng khăn mặt bịt miệng, bịt mũi mà vẫn không chịu nổi mùi thuốc nồng nặc. Sau buổi nghiền thuốc ai cũng lừ khừ như người bị say nắng. Nghiền được mỗi mẻ thuốc, phải lọc thuốc còn to rồi nghiền tiếp. Cuối cùng dùng rây bột để rây vài lần nữa đảm bảo thuốc nổ thật nhỏ, mịn. Thuốc nổ nghiền xong được giao cho ban cơ khí và ban này chế tạo bộ phận điểm hỏa làm kíp nổ hẹn giờ cho mỗi quả mìn.
Sau nhiều lần cho nổ thử trong hang núi, Xưởng quân giới đã có đủ cơ sở khoa học kết luận về tính năng, tác dụng, sức công phá, xác định thời gian hẹn giờ của mìn. Căn cứ vào báo cáo của xưởng, cơ quan tham mưu Mặt trận Hà Nội và Công an Hà Nội quyết định sử dụng mìn với lượng thuốc nổ lớn do Xưởng quân giới chế tạo vào trận đánh tàu chiến địch trên biển Sầm Sơn. Người được giao trọng trách trận đánh là nữ điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi.
Đồng chí Nguyễn Thị Lợi sinh năm 1911, tên thật là Trần Thị Lời, quê xã Châu Phú, huyện Châu Phú nay thuộc tỉnh An Giang. Khi hy sinh, đồng chí là chiến sĩ tổ điệp báo A13 Công an Hà Nội.
Đồng chí Lợi được chọn tham gia tổ điệp báo A13 thực hiện trận đánh Thông báo hạm Amyot D’Inville của Pháp trên biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày 27-9-1950. Trong chiến công nhấn chìm tàu chiến địch, đồng chí Lợi đã anh dũng hy sinh.
Ngày 3-8-1995, liệt sĩ điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hà Nội đã có những đường phố mang tên các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như: Bùi Ngọc Dương, Lê Hữu Tựu, Ngô Xuân Quảng… Nghĩ rằng, Hà Nội cũng cần có đường phố mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ điệp báo viên Nguyễn Thị Lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét