Từ miền Nam Trung Quốc, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov cho rằng việc thành lập liên minh quân sự giữa Nga và Trung Quốc là điều không thể.
Phát biểu ngày 10/7 tại một cuộc họp báo ở thành phố Quý Dương, Trung Quốc, ông Ivanov lưu ý rằng Bắc Kinh đã nhất trí về việc này với phía Nga. Ông Ivanov nhấn mạnh mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự “mang tính chất song phương: không nhằm mục đích chống lại bất cứ ai, không đe dọa bất cứ ai, không riêng lẻ cũng như không kết hợp và chúng tôi không muốn làm điều đó”.
Lễ đón tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tại căn cứ Thanh Đảo, Trung Quốc. |
Tuyên bố của Chánh văn phòng Tổng thống Nga hoàn toàn trái ngược với lời kêu gọi của ông Putin trước đó, khi ông cho rằng sự liên kết các lợi ích giữa Nga và Trung Quốc có thể được dùng để đối trọng với nỗ lực của Mỹ trong việc thống lĩnh thế giới.
Tuyên bố mới nhất của phía Nga có lẽ sẽ khiến Trung Quốc hẫng hụt. Trong thời gian qua, Trung Quốc đang cố gắng kết thân với Nga, đặc biệt Trung Quốc vừa đem lại cho Nga bản hợp đồng năng lượng trị giá 400 tỷ USD, chưa kể các hợp đồng vũ khí công nghệ khác, mà mới nhất là lô chiến đấu cơ Su-35. Ngay cả trong vấn đề Ukraine, Trung Quốc cũng giữ lập trường trung lập, không gia nhập vào hàng ngũ các nước trừng phạt Nga.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc liên tục tung hô mối quan hệ Trung-Nga, thậm chí cho rằng Trung Quốc là đồng minh không hiệp ước của Nga và vị thế an ninh của Trung Quốc nhờ mối quan hệ này mà gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, dường như Trung Quốc đã ảo tưởng và đặt kỳ vọng quá nhiều vào Nga. Nga đang có quan hệ tốt với nhiều nước có quyền lợi ở Biển Đông và chẳng dại gì nước này từ bỏ mối quan hệ đó, nhất là khi nhiều nước đang là đối tác quốc phòng lớn của Nga. Bản thân nước Nga cũng xác định Biển Đông không phải là nơi Nga có thể mở rộng quyền lợi của riêng mình. Chính vì thế, Nga hững hờ với Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.
Một điều quan trọng nữa, chính nước Nga cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thôn tính của Trung Quốc đối với vùng Viễn Đông và Siberia. Chiếm đến 3/4 tổng diện tích nước Nga, Siberia là một vùng rộng lớn, thưa dân nhưng rất giàu tài nguyên của Nga.
Trong số các yếu tố làm tăng nguy cơ nói trên, có yếu tố chênh lệch về dân số và kinh tế xuyên biên giới. Dân số tất cả 27 tỉnh ở các khu vực Ural, Siberia và Viễn Đông hiện ít hơn dân số của một tỉnh Hắc Long Giang, một trong bốn tỉnh của Trung Quốc giáp giới với Nga.
Tất cả bốn tỉnh biên giới Trung Quốc có mật độ dân số cao gấp bội so với các khu vực phía Đông của Nga. Theo Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, mật độ dân số ở Hắc Long Giang, Nội Mông, Tân Cương và Cát Lâm lần lượt là 84, 20, 12 và 146 người/km2. Trong khi đó, theo kết quả điều tra dân số năm 2010, mật độ dân số của các khu vực Ural, Viễn Đông và Siberia lần lượt là 6,6, 3,7 và 1 người/km2.
Nếu xét đến tương quan kinh tế, Nga cũng lâm vào tình thế bất lợi.
Trong năm 2010, tổng sản phẩm của các khu vực phía Đông dãy núi Ural của Nga vào khoảng 372 tỷ USD, so với 538 tỷ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất bởi bốn tỉnh nói trên của Trung Quốc.
Thủ tướng Dmitry Medvedev từng cảnh báo: “Viễn Đông... nằm cách Moscow rất xa và thật không may, chúng ta lại không có nhiều người ở đó và phải bảo vệ khu vực này trước sự bành trướng quá mức của dân chúng các nước láng giềng”.
Vì thế, Nga chỉ "hợp tác chiến lược" với Trung Quốc chứ không phải xây dựng "quan hệ đối tác chiến lược".
Và một lần nữa, tuyên bố không thể thành lập liên minh quân sự với Trung Quốc đã cho thấy sự tỉnh táo của nước Nga trước một Trung Quốc đầy tham vọng.
An Thái
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét