TG – Việc Trung Quốc tuân thủ Nghị quyết của Thượng viện Mỹ để rút ngay giàn khoan trái phép khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông là khả năng hầu như không xảy ra.
Phản ứng thường thấy của Trung Quốc là ra tuyên bố phản đối, dùng xảo ngữ để lật lọng và đưa ra các tuyên bố đầy ngạo mạn về chủ quyền Biển Đông, thậm chí còn cáo buộc ngược trở lại nơi đã ra bản nghị quyết. Phản ứng dịu hơn là Trung Quốc phớt lờ, làm ngơ trước nghị quyết trên.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thường đưa ra các tuyên bố phi lý, ngạo mạn về vấn đề Biển Đông. |
Đến tối 11/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng chính thức nào trước việc Thượng viện Mỹ đã nhất trí 100% thông qua Nghị quyết S.RES.412 về Biển Đông yêu cầu Trung Quốc quay lại nguyên trạng trước ngày 1/5, thời điểm nước này di chuyển và hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ chính thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi Biển Đông.
Trước đó, cuối tháng 6/2014, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc, phê phán các tàu Trung Quốc "dùng vũ lực" trong một số sự việc trên Biển Đông, nơi có các tuyên bố chủ quyền tranh chấp nhau. Nghị quyết này được đưa ra bởi 4 thượng nghị sĩ, dẫn đầu là ông Jim Webb, chủ tịch tiểu ban châu Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 28/6, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố nghị quyết của thượng viện Mỹ về các hành động của Trung Quốc là "vô lý". Theo ông Hồng, tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết hòa bình thông qua đối thoại giữa "các bên có liên quan trực tiếp". "Chúng tôi hy vọng các nghị sĩ liên quan có thể làm gì đó khác hơn để ủng hộ hòa bình và ổn định khu vực. Những bên khác không có liên quan trực tiếp nên tôn trọng các nỗ lực của các bên liên quan trực tiếp nhằm giải quyết tranh chấp... thông qua đối thoại và biện pháp hòa bình", ông Hồng nói.
Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 khỏi Biển Đông, nhưng đáp lại Bắc Kinh lại điều tiếp giàn khoan khác ra vùng biển Hoàng Sa. |
Đầu tháng 7, trong dịp sang thăm Việt Nam, Thiếu tướng Gari Her, Phó Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức tuyên bố yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi, ủng hộ Việt Nam đấu tranh với hành động sai trái của Trung Quốc bằng con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, đáp trả lại yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc không những không rút giàn khoan Hải dương 981 mà còn di chuyển các giàn khoan khác tới vùng biển Hoàng Sa khiến tình hình thêm căng thẳng.
Cuộc Đối thoại kinh tế - chiến lược thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc sau 2 ngày hội đàm với nhiều bất đồng về cách giải quyết căng thẳng trên Biển Đông và Hoa Đông, giữa lúc xuất hiện những cảnh báo từ Mỹ rằng, Trung Quốc có nguy cơ khơi mào cho xung đột khi tuyên bố chủ quyền với một vùng lãnh thổ rộng lớn.
“Chúng tôi thực sự tin tưởng rằng tất cả các bên tuyên bố chủ quyền cần hành động một cách kiềm chế, và theo đuổi đường lối ngoại giao, hòa bình”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói. Trước đó Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố: “Trung Quốc quyết giữ vững quyền chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của mình. Trung Quốc hối thúc phía Mỹ có thái độ khách quan, chỉ bày tỏ lập trường và tôn trọng cam kết không đứng về phía nào”.
Việt Nam hoan nghênh nghị quyết
Ngày 11/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ về Biển Đông.
Trong tuyên bố được đưa ra khi trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc ngày 10/7, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết 412 khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp ngoại giao hòa bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: "Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs); lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương."
Ông Bình cũng khẳng định: "Việt Nam mong muốn các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ tiếp tục có đóng góp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả và có tính xây dựng cho hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực”.
Tóm tắt 4 điểm của Nghị quyết
Thứ nhất, lên án các hành động sử dụng vũ lực cản trở tự do hàng không ở không phận quốc tế và làm thay đổi nguyên trạng hoặc gây bất ổn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ hai, hối thúc Trung Quốc kềm chế trong việc triển khai vùng định dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông và các khu vực khác tại châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ ba, khen ngợi Nhật Bản và Hàn Quốc vì sự kềm chế của họ.
Thứ tư, kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng trên biển gắn với giàn khoan này khỏi các vị trí hiện tại, kềm chế trong việc có các hành động phiêu lưu trên biển trái với Công ước về các quy định ngăn chặn va chạm trên biển, và trả biển Đông lại nguyên trạng như trước ngày 1/5/2014.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét